Giải quyết vướng mắc trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở
Nội dung sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đề cập tới những vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
Theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) được xây dựng và chỉ áp dụng trong giới hạn phạm vi hoạt động của tổ chức công bố TCCS, nên không phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Bộ KH&CN nêu rõ, trong thực tiễn, quy định này đã làm phát sinh một số trường hợp lách luật khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố TCCS (theo quy định pháp luật chỉ được áp dụng giới hạn trong phạm vi của cơ quan nhà nước đó, nhưng thực tế lại áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc), gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng TCCS lại mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất của tiêu chuẩn là nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất chất lượng. Quy định, cơ chế quản lý TCCS hiện nay rất mở, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tiêu chuẩn áp dụng thông qua hình thức ghi số hiệu tiêu chuẩn hoặc các đặc tính cơ bản trên nhãn, bao gói sản phẩm hàng hóa, hoặc trong các tài liệu giao dịch liên quan.
Ảnh minh họa.
Vì vậy, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về TCCS; gây khó khăn, hạn chế trong công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới TCCS, ảnh hướng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Trước những vấn đề này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa ra những sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến việc xây dựng, công bố TCCS. Theo đó, các tổ chức, cá nhân công bố TCCS có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, công bố, thông báo TCCS thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm đảm bảo các cơ quan nhà nước có đầy đủ cơ sở dữ liệu về TCCS của doanh nghiệp, phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra khi cần thiết của cơ quan nhà nước.
Đây là biện pháp không phát sinh thủ tục hành chính, tuy nhiên, quy định này sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Quy định này cũng được một số quốc gia áp dụng, chẳng hạn như Trung Quốc đã triển khai hệ thống thông tin để doanh nghiệp thông báo bằng phương thức điện tử tiêu chuẩn của doanh nghiệp tới cơ quan nhà nước.
Liên quan tới vấn đề trên, đại diện Bộ Công thương đề xuất, Bộ KH&CN nên có một nội dung cứng về yêu cầu công bố các chỉ tiêu chất lượng như thế nào, việc trình bày một TCCS ra sao, còn như bây giờ các doanh nghiệp không biết phải theo mẫu nào. Cần phải có một mẫu chuẩn để doanh nghiệp triển khai từ quá trình xây dựng, giải thích thuật ngữ, định nghĩa, các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp đánh giá, ghi nhãn, từ đó đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và không trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trên cơ sở đó chúng ta có thể xây dựng được cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn cơ sở và từ đó hoàn toàn có thể nghiên cứu, chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia.