Hoạt động khoa học và công nghệ: “Nút thắt” cơ chế cần tháo gỡ
Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã có nhiều kết quả ấn tượng trong tất cả lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục… Nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.
Bên cạnh
những thành công đó, KH&CN cũng còn nhiều hạn chế do còn gặp nhiều vướng
mắc trong cơ chế chính sách đầu tư hay cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân tài. Những
khó khăn đó đã và đang là rào cản không nhỏ cho hoạt động KH&CN và “nút
thắt” này cần phải được nhanh chóng tháo gỡ.
KH&CN đã đi vào cuộc sống
Thứ trưởng Bộ
KH&CN - Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian qua, KH&CN đã được
nhiều kết quả rất ấn tượng. Ví dụ, trong nông nghiệp, Việt Nam từ một nước
nghèo đói, thiếu lương thực giờ đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên
thế giới. Viện lúa ĐBSCL của Việt Nam được đánh giá là một trong những trung
tâm nghiên cứu về giống lúa lớn nhất Châu Á. Nếu trước đây, viện lúa IRRI của
Philippines là nơi cung cấp đa số giống lúa cho khu vực thì hiện nay viện lúa
ĐBSCL đã cung cấp lúa cho nhiều vùng trong nước và một số nước trong khu vực.
KH&CN còn
giúp Việt Nam thực hiện được những việc mà trước đây không thực hiện được, đó
là xây được cầu Mỹ Thuận, cầu Bãi Cháy, dùng dây văng công nghệ mới hiện đại
ngang với những cây cầu trong khu vực và thế giới; lắp ráp thành công giàn
khoan tự nâng 90m nước… Việc áp dụng KH&CN đã tiết kiệm cho đất nước hàng
ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt,
trong y tế, nghiên cứu KH&CN đã mang lại cho ngành này một bộ mặt mới.
Nhiều kết quả nghiên cứu của y tế tương đương với nhiều nước có nền y học phát
triển mạnh mẽ trên thế giới. Đó là, Việt Nam đã ghép thành công gan, tim,
nội tạng cơ thể người, việc mà trước đây hầu như phải nhờ đến nền khoa học của
nước ngoài. Gần đây nhất là sự kiện các bác sỹ Việt Nam đã chữa được bệnh ly thượng bì
bọng nước. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 2 bệnh viện ở Mỹ và Việt Nam đã
nghiên cứu và áp dụng chữa trị thành công bệnh này bằng phương pháp ghép tế bào
gốc từ tủy xương. Với thành công này Bệnh viện Nhi Trung ương đã góp phần khẳng
định vị thế của nghiên cứu khoa học trong y tế của Việt Nam trên thế giới.
Hiện nay đã có một số bênh nhi ở nước ngoài có nguyện vọng đến Việt Nam chữa trị
căn bệnh này.
Trong buổi
làm việc với đoàn khảo sát liên ngành của Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ KH&CN,PGS.
TS. Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho
biết, thời gian qua, Viện KHXH Việt Nam đã có nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã thành tài liệu tham khảo có giá trị của Đảng và các
ban, ngành trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển
đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo đà và phát
triển nguồn nhân lực KHXH chất lượng cao.
Cơ chế còn
nhiều bất cập
Thứ trưởng
Trần Văn Tùng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động
nghiên cứu KH&CN ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đầu tư cho KH&CN
còn thấp dẫn đến việc thu hút và sử dụng cũng như đãi ngộ đội ngũ cán bộ KH&CN
như thế nào vẫn là một bài toán nan giải.
Hoạt động KH&CN
còn rất nhiều khó khăn, vì đất nước ta vốn là nước thu nhập mới qua mức trung
bình 1.000 USD/người/năm. Phần đầu tư cho KH&CN còn hạn chế. Hiện nay đầu
tư của nhà nước cho hoạt động KH&CN chỉ chiếm 2% GDP (tương đương 18 nghìn
tỷ đồng), con số này chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của hoạt động KH&CN
sau 12 năm.
Khó khăn hơn
khi Bộ KH&CN không được quản lý 100% số kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa
học bởi 40% trong số này là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Bất cập này dẫn
đến tính tình trạng nhiều khi đầu tư không đúng địa chỉ, kinh phí cho khoa học
nhiều khi sử dụng vào mục đích khác như xây trường học, bệnh viện…, đây là thực
tế rất bất cập, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ.
Kinh phí đầu
tư cho nghiên cứu khoa học đã ít nhưng còn dàn trải chưa có trọng tâm. Các đề
tài nghiên cứu hiện nay còn mang tính phân phối, đề tài khi về đơn vị nghiên
cứu có khi được giao cho những bộ phận không mạnh về nghiên cứu nhưng vì không
có thu nhập cao nên được ưu tiên. Hình thức phân phối này trong nghiên cứu khoa
học thực sự chưa hợp lý.
Một tồn tại
khác đang gây khó cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay là
chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi cho các nhà khoa học chưa thỏa đáng.
Cơ chế trả
lương cho nhà khoa học ở Việt Nam
vẫn áp dụng cơ chế hành chính, cán bộ khoa học cũng có mức lương như cán bộ
công chức hành chính nhà nước. Theo ý kiến nhiều nhà khoa học thì cơ chế
này không phù hợp với môi trường làm việc, sáng tạo của nhà khoa học. Nhà
khoa học cần phải được hưởng lương theo cơ chế làm nhiều, cống hiến nhiều thì
có mức lương cao. Nhà khoa học không những không được trả lương đúng với sức cống
hiến của mình mà ngoài ra còn không có nhiều sự ưu đãi hay khuyến khích khác.
Thực tế này đã và đang là rào cản không nhỏ cho việc thu hút những người tài,
trẻ tuổi theo đuổi nghề nghiên cứu.
Chia sẻ với
đoàn công tác về thực trạng này, PGS. TS. Phạm Văn Đức - Viện trưởng Viện Triết
học - Viện KHXH Việt Nam
cho biết, sở dĩ ngành nghiên cứu KHXH ngày càng giảm sức hút đối với cán bộ
nghiên cứu trẻ có trình độ cao nguyên nhân chính đó là chưa có chế độ ưu đãi,
khuyến khích để thu hút đội ngũ này. Ví dụ như Viện Triết học bình quân 1 tháng
mỗi cán bộ nghiên cứu chỉ được thu nhập nhiều nhất là 5 triệu đồng, còn lại những
Viện khác thuộc Viện KHXH Việt Nam thì trung bình chỉ là 3,5 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập như vậy thì khó đảm bảo được cán bộ nghiên cứu toàn tâm toàn ý
với công tác nghiên cứu.
PGS. TS. Đức
nhấn mạnh, chúng tôi mong muốn trong đề án sắp tới ngành KHXH có cơ chế đầu tư
đặc thù để nghiên cứu KHXH có nhiều hơn nữa những kết quả nghiên cứu thực sự
hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng quan
điểm với ý kiến của PGS. TS. Phạm Văn Đức, PGS. TS.Tạ Đức Thịnh – Vụ trưởng Vụ
KH&CN Môi trường – Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, mặc dù cán bộ khoa học công
tác trong ngành giáo dục chiếm gần 60% lực lượng khoa học cả nước nhưng con số
đầu tư cho ngành còn rất khiêm tốn. Số lượng các nhà khoa học có trình độ cao,
có bài báo công bố quốc tế ngày càng giảm. Tình trạng đó là do nhiều lý do
trong đó có lý do chưa có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà khoa
học.
Vấn đề đặt ra
trong thời điểm hiện nay là cần phải có nghị quyết mới của Trung ương để xã hội
thấy rằng đã đến lúc không thể dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có,
không thể dựa vào những thế mạnh về đất đai, nguồn lao động trình độ chưa cao
nữa mà phải đầu tư cho KH&CN để KH&CN phát huy sức mạnh phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới các cấp ban, ngành cần
có chỉ đạo quyết liệt để làm sao KH&CN thực sự đi vào cuộc sống,Thứ trưởng
Trần Văn Tùng nhấn mạnh./.