Bào chế viên nén hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư từ Lan Kim Tuyến và Sâm Đá
Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để UBND tỉnh Gia Lai cân nhắc hoạch định các chính sách phát triển dược liệu của địa phương; phát triển, nâng cao giá trị của các loại cây dược liệu (cây Lan Kim Tuyến và cây Sâm Đá) cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hình thái thực vật của cây Sâm Đá thu nhận tại huyện Kbang, Gia Lai. Ảnh: VAST
Cây Sâm Đá hay còn gọi là cây Khỏe, có tên khoa học là Curcuma singularis Gagnep., thuộc họ Gừng, chi Nghệ được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Thân rễ và củ của cây Sâm Đá có tác dụng bồi bổ sức khỏe, cường gân, bổ cốt, tăng sinh lực, trị phong thấp, bổ thận, hạn chế suy nhược cơ thể và hỗ trợ điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, các tác dụng dược lý của cây này chưa được nghiên cứu nhiều.
Tương tự, cây Lan Kim Tuyến (Anoectochilus setaceus) hay còn gọi là cây Lan Gấm, cây Kim Cương, thuộc họ Orchidaceae, cũng có nhiều tác dụng sinh học như hoạt tính kháng viêm, tác dụng bảo vệ gan và giảm đường huyết. Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây cho thấy cây Lan Kim Tuyến có hoạt tính tăng cường miễn dịch và hoạt tính kháng ung thư trên cả mô hình thực nghiệm in vitro và in vivo. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 12 loài Lan Kim Tuyến khác nhau được phát hiện trên nhiều vùng miền, trong đó một số loài có giá trị dược liệu và thương mại cao như Anoectochilus formosanus Hayata, Anoectochilus roxburghii Lindl. Tuy nhiên, hiện nay nhóm các cây dược liệu này cũng chưa được quan tâm đúng mức, đang bị khai thác tràn lan gây khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên dược liệu.
Hình thái thực vật của cây Lan Kim Tuyến thu nhận tại huyện Kbang, Gia Lai. Ảnh: VAST
Với mong muốn phát triển dược liệu và tìm kiếm định hướng phát triển cây dược liệu Sâm Đá và Lan Kim Tuyến trên địa bàn tỉnh Gia Lai, TS Lê Thành Long và các đồng nghiệp thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu xác định thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây Lan Kim Tuyến (Anoectochilus setaceus) và cây Sâm Đá (Curcuma singularis) để tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân ung thư”. Đề tài được triển khai thực hiện trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai,
Theo Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (VAST), đề tài đã xác định được một số thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học (hoạt tính kháng ung thư) có trong dược liệu cây Lan Kim Tuyến và cây Sâm Đá. Chẳng hạn, Isorhamnetin, một hoạt chất được tìm thấy trong cây Lan Kim Tuyến có tác dụng chống ung thư mạnh trong các nghiên cứu in vitro trên các dòng tế bào ung thư khác nhau; Germacrone trong cây Sâm Đất có khả năng ức chế nhiều loại tế bào ung thư khác nhau như tế bào ung thư vú MCF7, tế bào ung thư gan HepG2; tế bào ung thư thần kinh đệm, tế bào ung thư dạ dày AGS.
Kết quả nghiên cứu đã chứng minh hoạt tính gây độc in vitro của các cao chiết trên một số dòng tế bào ung thư khác nhau, nhưng ít ảnh hưởng tới các tế bào bình thường.
Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu đánh giá tính an toàn cho thấy cao chiết Lan Kim Tuyến không gây độc cho động vật thí nghiệm với các mức liều thử nghiệm. Ngược lại, cao chiết Sâm Đá có một số ảnh hưởng gây độc, đặc biệt là cho cơ quan chuyển hóa gan khi sử dụng cao Sâm Đá với liều lượng cao trong một thời gian dài. Các kết quả đánh giá hoạt tính cũng như tính an toàn của sản phẩm cao chiết ở mức độ in vitro và in vivo là tiền đề cho các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng tiếp theo.
Nhóm nghiên cứu đề tài cũng đã xây dựng được các quy trình thu nhận cao nguyên liệu chuẩn hoá; quy trình bào chế sản phẩm viên nén (bao phim) Lan Kim Tuyến và viên nén (bao phim) Sâm Đá, các bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho sản phẩm cao chiết và sản phẩm viên nén (bao phim).
Các nhà khoa học đã chia sẻ kết quả nghiên cứu trong các bài báo như bài báo “Investigation of bioactive chemical constituents and anti-cancer activity of ethanol extract of Curcuma singularis Gagnep rhizomes” trên tạp chí Natural Product Research;bài báo “Bioactive chemical constituents, in vitro anti-proliferative activity and in vivo toxicity of the extract of Curcuma singularis Gagnep rhizomes” trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology;bài báo “Xây dựng quy trình định lượng Isorhamnetin trong cao chiết từ cây Lan Kim Tuyến (Anoectochilus roxburghii) bằng phương pháp sắc kí lỏng hiệu năng cao" trên Tạp chí khoa học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để UBND tỉnh Gia Lai cân nhắc trong việc hoạch định các chính sách phát triển dược liệu của địa phương (bảo tồn các giống cây quý hiếm, quy hoạch nuôi trồng và phát triển các vùng dược liệu,…); tạo định hướng phát triển, nâng cao giá trị của các loại cây dược liệu (cây Lan Kim Tuyến và cây Sâm Đá) và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
https://khoahocphattrien.vn/ (tnxmai)