SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tính hỗn tạp của lúa cỏ

[14/03/2024 08:07]

Những năm gần đây, bất chấp nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu sự xâm lấn của lúa cỏ, lúa cỏ vẫn sinh trưởng mạnh và trở thành bài toán khó của nhiều vùng trồng lúa như Việt Nam.

Lúa cỏ đã gây hại lên toàn bộ diện tích 5,5 sào lúa của gia đình bà Lê Thị Sơn, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) vào năm 2022. Ảnh: Báo Dân Việt

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng một trong những vũ khí bí mật của lúa cỏ là tính hỗn tạp, do vậy nó có khả năng lai một cách dễ dàng với lúa hoang mọc tự nhiên trong khu vực lân cận.

Năm 2015, những người nông dân tỉnh Nam Định bỗng phát hiện một loại lúa lạ mọc chen giữa cánh đồng lúa của mình. Loại lúa này sinh trưởng và phát triển mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng, ánh sáng với lúa trồng, làm giảm năng suất lúa. Loại lúa lạ này chính là lúa cỏ, hay còn gọi là lúa ma (Oryza Sativa). Lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, chín sớm, hạt rất dễ rụng nên khả năng lây lan nhanh, nhưng không mang lại năng suất, chất lượng lúa.

Sau khi xuất hiện tại Nam Định, những năm sau đó, lúa cỏ đã lây lan sang một số tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên. Năm 2021, diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ tại các tỉnh phía Bắc là 1.340 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 152 ha và diện tích mất trắng 9,7 ha. Đặc biệt là vụ Xuân 2022, diện tích nhiễm lúa cỏ là 1.799 ha, nặng 453 ha, mất trắng 35,2 ha1. Không chỉ Việt Nam, mà chỉ riêng ở Mỹ, thiệt hại mùa màng do lúa cỏ gây nên có thể nuôi sống thêm 12 triệu người mỗi năm.

Với mong muốn tìm hiểu những thay đổi di truyền giúp lúa cỏ có khả năng sinh trưởng lấn át lúa trồng ở các vùng nhiệt đới trên thế giới, các nhà khoa học thuộc Đại học Washington đã tiến hành phân tích toàn bộ trình tự bộ gene từ 217 mẫu lúa hoang, lúa cỏ và lúa trồng tại Đông Nam Á. Từ đó, họ phát hiện ra rằng một trong những vũ khí bí mật của lúa cỏ là tính hỗn tạp của nó: Lúa cỏ dễ dàng lai với lúa hoang mọc tự nhiên trong khu vực lân cận. Họ đã chia sẻ những phát hiện này trên Nature Communications.

Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu xác định rằng lúa cỏ Đông Nam Á đang lai với lúa hoang. Lúa cỏ sinh trưởng mạnh đến mức nó có thể mọc cao hơn lúa trồng trên các cánh đồng ở Malaysia. “Trong trường hợp cây lúa, rào cản đối với di nhập gene giữa lúa trồng và các loại lúa hoang khá thấp so với các loài cây trồng khác”, GS. Olsen cho biết. Di nhập gene là hiện tượng trao đổi gene thông qua việc di-nhập cư của các cá thể hay các giao tử giữa các quần thể. “Rào cản di nhập gene ‘mỏng manh’ này của lúa trồng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiến hóa và thích nghi của các loài lúa hoang”.

Nhìn chung, mức độ đa dạng di truyền của lúa trồng ở Đông Nam Á cao hơn ở Hoa Kỳ. Khu vực này có nhu cầu rất lớn về gạo. Người nông dân khi lựa chọn giống lúa sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố về khí hậu, môi trường.

“Những người nông dân ở Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, hầu hết các đảo của Indonesia, Philippines và một phần của Malaysia trồng nhiều loại lúa khác nhau tại khu vực đồng bằng và vùng cao”, nhà nghiên cứu lúa cỏ người Malaysia, trợ lý giáo sư Beng-Kah Song, nhận định. Ông là một trong hai tác giả liên hệ của nghiên cứu này. “Đó là những giống hiện đại đã được chọn lọc và các giống địa phương truyền thống.”

Nông dân Thái Bình nhổ bỏ lúa cỏ đầu vụ đông xuân 2022. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Những năm trở lại đây, người nông dân trong khu vực Đông Nam Á đã ứng dụng nhiều công nghệ trồng trọt cơ giới hóa hệt như những người nông dân trồng lúa công nghệ cao ở Mỹ. Song những công nghệ mới cũng không ngăn được tình trạng lúa cỏ sinh sôi. Những cây lúa trồng sẽ phải cạnh tranh với những cây lúa hoang sinh trưởng dọc theo những cánh đồng lúa. Điều gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học, đó là hiện tượng này không xảy ra tại các cánh đồng lúa ở Mỹ.

“Tổ tiên của giống lúa hoang phổ biến, Oryza rufipogon, không hiện diện ở các vùng ôn đới như Hoa Kỳ, Đông Bắc Á và châu Âu”, ông Song giải thích. “Do đó, không thể có hiện tượng lai giữa lúa trồng và lúa hoang trên các cánh đồng ở Mỹ”.

Trong nghiên cứu lần này, GS. Olsen và các đồng nghiệp đã xác định rằng khả năng lai giữa lúa hoang và lúa cỏ ở Đông Nam Á đã giúp một số loại lúa cỏ - như một loại cỏ dại nông nghiệp - thích nghi tốt hơn, mang lại cho chúng lợi thế ‘cạnh tranh’ so với cây lúa trồng. Chẳng hạn, một số loại lúa cỏ có phát tán hạt giống của chúng trên ruộng lúa vô cùng hiệu quả vì chúng mang các bản sao gene lúa hoang, do đó hạt giống có thể tự động vỡ ra rơi xuống đồng.

Các kết quả khảo sát bộ gene cũng chỉ ra rằng lúa cỏ Đông Nam Á đã phát triển các ‘chiến lược’ phát tán này thông qua nhiều con đường tiến hóa khác nhau diễn ra song song, chẳng hạn một số loại lúa cỏ đã được thuần hóa hoặc ngược lại hoang hóa, vẫn còn có thể thay đổi đặc điểm của mình như một kết quả của tình trạng lai chéo với lúa hoang.

“Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh sự xâm nhập thích nghi - nói cách khác, di nhập gene - từ các loài lúa hoang có thể góp phần dẫn đến sự tiến hóa của cỏ dại nông nghiệp”, GS. Olsen chia sẻ. “Quá trình này đã xảy ra được một thời gian, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp đặc điểm gene chi tiết của hiện tượng này.”

Ở những khu vực xảy ra hiện tượng lúa hoang xâm nhập, lúa cỏ sẽ có những biểu hiện tương tự với lúa hoang như hạt vỡ, hạt không đều, chịu mặn, chịu phèn.

Theo nhóm nghiên cứu, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng tình trạng lúa ma lấn át lúa trồng là một quá trình tiến hóa tăng dần, chứ không phải là một sự kiện đơn lẻ. “Tương tự như vậy, tôi nghĩ chúng ta có nguy cơ đơn giản hóa bức tranh quá mức khi phân loại các cây lúa đơn giản là lúa hoang, lúa cỏ hoặc cây trồng. Các yếu tố thực sự phức tạp hơn nhiều.”

Và vì thế, cuộc chiến để không rơi vào cảnh mất trắng mùa màng vì lúa cỏ vẫn đang dai dẳng, với những cánh đồng bạt ngàn trải dài từ Bắc vào Nam.

Các giải pháp

Dù chỉ xuất hiện lác đác trên các cánh đồng lúa từ vài năm trước, nhưng do không được xử lý đúng cách nên lúa cỏ đang lây lan mạnh ở nhiều tỉnh thành. Theo khuyến cáo từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)2, người nông dân cần chọn giống lúa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần vệ sinh máy gặt sau khi thu hoạch lúa ở vùng bị nhiễm lúa cỏ để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm sang các ruộng khác. Đáng chú ý, hạt lúa cỏ có thể trôi và phát tán theo đường nước tưới tiêu, do đó cần khoanh vùng bị nhiễm, vệ sinh đồng ruộng và kênh mương sau mỗi vụ thu hoạch. Những khu vực đã nhiễm lúa cỏ nhiều cần luân canh lúa với cây trồng cạn hoặc cây trồng nước.

Người trồng cũng có thể chuyển đổi phương thức gieo cấy, chẳng hạn những vùng có tập quán sạ lan (gieo vãi) nhiễm lúa cỏ cần chuyển sang sạ hàng hoặc cấy (cấy tay hoặc cấy bằng máy) để dễ dàng làm cỏ sục bùn và dễ nhận biết, loại bỏ lúa cỏ ngay từ khi cây còn nhỏ.

Khi cho nước vào ruộng để làm đất, người nông dân cần đặt lưới chắn hạt lúa cỏ tại đầu đường dẫn nước vào ruộng; nếu có lúa cỏ, hạt thóc lép, lửng trôi dạt vào góc ruộng thì phải vớt lên.

Khi làm đất, đối với hững ruộng bị nhiễm nặng lúa cỏ ở vụ trước nhưng chưa được xử lý thì đầu vụ sau, khi thời tiết thuận lợi, nền nhiệt còn cao, người nông dân cần lấy nước và tiến hành lồng bừa nông, san phẳng rồi rút cạn nước ruộng (như gieo mạ) để nhử lúa cỏ nảy mầm. Khi cây lúa cỏ có 3 - 5 lá, cần tiến hành lấy nước cày lật úp, làm đất nhuyễn để diệt lúa cỏ ngay khi còn non. Nếu có đủ thời gian, biện pháp này khi làm lặp lại 2 - 3 lần sẽ diệt được hầu hết hạt lúa cỏ bị vùi trong đất.

Khi gặt xong, người nông dân cũng có thể thả vịt vào ruộng để ăn các hạt lúa rụng trên ruộng trong đó có cả hạt lúa cỏ.

Đối với những ruộng nhiễm lúa cỏ nặng không thể thu hoạch, cần tiêu hủy toàn bộ ruộng (bằng cách cắt cho gia súc ăn hoặc cày vùi). Người nông dân cần tiến hành bước này trước khi những bông lúa cỏ trổ đầu tiên vào giai đoạn ngậm sữa. Khi cày vùi, có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để nhanh phân hủy rơm rạ và cả hạt lúa cỏ.

Chú thích:

(1) https://nongnghiep.vn/nguy-co-lay-lan-lua-ma-vu-mua-2022-d326490.html

(2)  https://khuyennongvn.gov.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-trong-nuoc/huong-dan-bien-phap-ky-thuat-quan-ly-lua-co-lua-ma-22126.html

https://khoahocphattrien.vn/ (tnxmai)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ