SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cơ sở hạ tầng giao thông xanh của Indonesia: Nỗ lực hợp tác từ nhiều phía

[18/03/2024 09:57]

Để hiện thực hóa mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2060, Chính phủ Indonesia đã triển khai nhiều kế hoạch tham vọng đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài.

Tài xế Blue Bird - một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng đầu Indonesia - đang sạc điện cho chiếc taxi. Ảnh: The Jakarta Post/Seto Wardhana

Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đã đặt ra một mục tiêu tham vọng về chuyển đổi năng lượng. Mục tiêu này nảy sinh khi các bên liên quan từ cả khu vực nhà nước và tư nhân nhận ra những thách thức môi trường to lớn mà quốc gia này đang phải đối mặt.

Hiện tại, ngành vận tải của Indonesia chiếm 15% lượng khí thải nhà kính của quốc gia này, trong đó khoảng một nửa lượng khí thải được tạo ra bởi vận tải hành khách đường bộ, chủ yếu là ô tô và xe máy. Theo thống kế, hiện có hơn 120 triệu xe máy đang lưu thông trên đường phố Indonesia. Con số khổng lồ này bắt nguồn từ tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trên cả nước, và khả năng cao là mức tăng trưởng xe máy sẽ không dừng lại khi kinh tế Indonesia vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Như vậy việc giảm thiểu carbon trong lĩnh vực giao thông là một yếu tố quan trọng để đưa Indonesia tiến tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2060. Một kế hoạch tham vọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện đã được triển khai, và chính phủ đã bắt đầu cung cấp những chương trình trợ giá cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như các hình thức hỗ trợ khác để thúc đẩy tiến trình này.

Chẳng hạn, Chính phủ Indonesia dự định phân bổ 7 nghìn tỷ Rupi Indo (khoảng 459 triệu USD) để trợ giá bán 800.000 xe máy điện mới và chuyển đổi 200.000 xe máy động cơ đốt trong vào năm 2024, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi rất nhiều việc phải làm. Về phía doanh nghiệp, Indonesia đã kéo dài thời hạn cho các nhà sản xuất ô tô đủ điều kiện nhận ưu đãi sản xuất xe điện thêm hai năm nữa. Việc nới lỏng này đi kèm với yêu cầu rằng các nhà sản xuất ô tô phải sản xuất ít nhất 40% linh kiện xe điện trong nước nếu muốn hưởng những ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, điện hóa động cơ đốt trong và thúc đẩy sản xuất xe điện chỉ đại diện cho một phần trong chuỗi giá trị giao thông xanh. Một thành phần quan trọng không kém là cơ sở hạ tầng để duy trì khả năng sử dụng xe điện trên đường phố. Theo đó, việc dễ dàng tiếp cận mạng lưới cơ sở hạ tầng với các trạm sạc công suất cao đóng một vai trò quan trọng.

Indonesia hiện tại có 439 trạm sạc công cộng và 961 trạm đổi pin cho xe điện, những con số này dự kiến sẽ tăng lên khi quá trình chuyển đổi sang xe điện tiếp tục được triển khai trên toàn quốc. Để tương thích với điều đó, công ty điện quốc gia Indonesia, nhà cung cấp điện duy nhất của quốc gia đã đặt mục tiêu thiết lập 6316 trạm sạc và 14.000 trạm đổi pin vào năm 2025

Các mục tiêu tham vọng

Những mục tiêu được đặt ra bởi các cơ quan chính phủ như Công ty Điện quốc gia Indonesia cho thấy quốc gia này quyết tâm tiến lên phía trước trong việc áp dụng và phát triển xe điện.
Năm ngoái, Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia cho biết họ nhắm mục tiêu chuyển đổi 150.000 xe máy chạy xăng thành xe điện vào năm 2024. Cho đến cuối thập kỷ này, Indonesia đặt mục tiêu có 13 triệu xe máy điện lưu thông trên đường.

Vài tháng trước, startup Soul Parking đã bắt đầu tích hợp trạm sạc xe điện và điểm đậu xe cho cả xe máy và ô tô điện trong các bãi đậu xe. Soul Parking là một startup do AC Ventures hậu thuẫn, chuyên cung cấp giải pháp đậu xe cho xe máy và dịch vụ sạc xe điện. Mục tiêu của họ là cải thiện giao thông đô thị bằng công nghệ và cơ sở hạ tầng bền vững, đồng thời áp dụng cách tiếp cận đặt khách hàng làm trung tâm.

Thị trường xe cộ sẽ tiếp tục mở rộng khi các đô thị lớn của Indonesia như Jakarta tiếp tục phát triển, vì vậy bài toán không gian cho cơ sở hạ tầng đậu và sạc điện cho xe sẽ càng phức tạp lên theo thời gian. Lúc này, việc cung cấp trạm sạc tại các bãi đậu xe là một giải pháp tiềm năng.

“Chúng tôi cũng quyết định triển khai các máy bán vé tự động hoạt động bằng năng lượng mặt trời tại các bãi đậu xe. Bởi vì, chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng liên quan đến việc khai thác các hình thức năng lượng tái tạo khác nhau”, ông Kenneth Darmansjah, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Soul Parking, cho hay. “Khi làm việc với các chủ đất, cơ quan chính phủ, và các nhà phát triển bất động sản, chúng tôi tự tin rằng những điều này có thể tạo ra một hiệu ứng domino giúp giảm bớt không chỉ vấn đề tắc nghẽn giao thông mà còn cả lượng phát thải carbon trên khắp đất nước.”

Những sáng kiến song hành

Mặc dù xe điện là một phần quan trọng của nỗ lực thúc đẩy giao thông xanh ở Indonesia, nhưng đó không phải tất cả. Tối ưu hóa giao thông công cộng cũng là điều mà Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy để giảm bớt ùn tắc giao thông và phát thải carbon.

Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã triển khai dự án JakLingko - dự án mở rộng giao thông công cộng của Jakarta, để giúp gia tăng số lượng người đi lại hằng ngày bằng phương tiện công cộng lên gần gấp ba (từ 350.000 người lên một triệu người). Sáng kiến này cung cấp giao thông như một dịch vụ di động bằng cách tích hợp các phương tiện giao thông công cộng khác nhau từ điểm đầu tiên đến điểm cuối cùng và nhiều phương thức thanh toán vào một nền tảng thống nhất. Hành khách có thể lên kế hoạch, thanh toán, và đặt vé cho toàn bộ hành trình của mình qua JakLingko.

Thêm vào đó, theo số liệu thống kê của Công ty PT MRT Jakarta, công ty vận hành hệ thống tàu điện ngầm của Jakarta, trong năm 2023, số lượng người sử dụng tàu điện ngầm là 33.5 triệu người, tăng 14 triệu người so với năm 2022.

Để thu hút nhiều người sử dụng tàu điện ngầm, công ty đã làm việc với nhiều nhóm ngành khác nhau, đặc biệt là những cơ quan và tổ chức trong lĩnh vực du lịch như doanh nghiệp thực phẩm, tổ chức sự kiện, trung tâm mua sắm, y tế, và giáo dục, để cung cấp các ưu đãi vé đặc biệt tại các điểm du lịch. Họ cũng đang hợp tác với các dịch vụ vận tải địa phương khác nhằm giúp mọi người dễ dàng tiếp cận các trạm tàu điện ngầm hơn. Trung tâm Vận tải Dukuh Atas Jakarta, khu vực đầu tiên ở Jakarta được thiết kế để giúp việc chuyển đổi giữa các phương tiện vận tải khác nhau trở nên dễ dàng, cũng đã có những đóng góp quan trọng. Trung tâm này, cùng với những bãi đậu xe do Soul Parking quản lý, giúp việc sử dụng dịch vụ chia sẻ xe trở nên đơn giản hơn. Điều này không chỉ tăng số lượng khách hàng sử dụng tàu điện ngầm lên khoảng 22% mà còn khuyến khích nhiều người đi các dịch vụ công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân của họ.

Theo thị trưởng Jakarta, các chiến dịch đã giúp giảm 26% lượng khí thải nhà kính và đồng thời giảm lượng chi tiêu hằng tháng của người đi lại bằng phương tiện công cộng từ 30% xuống còn 8%. Theo ông, bước tiếp theo của chiến dịch là bổ sung thêm số lượng xe buýt điện cho Jakarta.

Thành công của JakLingko cũng làm nổi bật vai trò của các sáng kiến song hành. Trong trường hợp này, việc phát triển một nền tảng quản lý thanh toán phí giao thông thống nhất và việc điện hóa xe buýt đã đồng hành với nhau để tiếp tục khẳng định thông điệp giao thông xanh là tương lai và người sử dụng không thiệt hại gì cả khi quốc gia trải qua một đợt chuyển đổi năng lượng quy mô lớn.

Theo báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank), giao thông phát thải thấp và năng lượng sạch có tiềm năng đóng góp 90-100 tỷ USD doanh thu mới trên khắp Đông Nam Á vào năm 2030. Indonesia, quốc gia lớn nhất trong khu vực, sẽ được hưởng lợi, đặc biệt khi tỷ lệ xe điện thâm nhập thị trường của quốc gia này chỉ là 0.2%. Con số này tương tự như Trung Quốc cách đây mười năm, điều này nói lên tiềm năng tăng trưởng lớn khi Indonesia tiếp tục với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Các startup đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch có thể tạo ra tác động lâu dài đến hành trình chuyển đổi năng lượng của Indonesia.

Tuy nhiên, Indonesia không thể hoàn thành mục tiêu này một mình, các startup chỉ là một phần trên bức tranh toàn cảnh. Có một thành phần thiết yếu hơn đó là nguồn vốn từ các quỹ đầu tư - nguồn vốn này đóng một vai trò thiết yếu trên con đường đưa Indonesia trở thành một quốc gia phát thải ròng bằng không.

Trong hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022, Chính phủ Indonesia đã khẳng định cam kết với mục tiêu không phát thải ròng của mình, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi sang phương tiện không phát thải là một điểm chính trong chương trình nghị sự. Nhưng ngoài việc sản xuất xe điện, nhiều lĩnh vực liên quan như trao đổi pin, tái chế pin, và dịch vụ hậu mãi của xe điện đòi hỏi nguồn đầu tư đáng kể và quan hệ chiến lược với các nhà đầu tư để thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Mục tiêu này có thể được thực hiện thông tư sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nhà sáng lập và những nhà đầu tư lớn của Indonesia. Quá trình hợp tác này không chỉ giúp các bên hiểu rõ vấn đề mà còn nhìn nhận những thách thức mà họ phải đối diện.

“Vẫn còn một chặng đường dài để Indonesia đạt được sự chuyển đổi lớn này, nhưng sự tham gia của những nhà đầu tư chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu. Đối với những nhà đầu tư toàn cầu muốn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tương lai năng lượng xanh của Indonesia, đây là thời điểm vàng”, ông Kenneth Darmansjah khẳng định.

Nguồn: https://kr-asia.com/more-than-plugs-unpacking-indonesias-future-of-green-mobility-infrastructure

https://khoahocphattrien.vn/ (tnxmai)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ