Gạo lai thịt bò: Thực phẩm bền vững thay thế thịt trong tương lai
Các nhà khoa học Hàn Quốc đã nuôi cấy tế bào thịt bò trong hạt gạo, tạo ra 'gạo thịt bò' nhằm tìm nguồn protein thay thế thịt trong tương lai.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang nghiên cứu một loại lúa lai mới được trồng trong phòng thí nghiệm với cơ bò và tế bào mỡ bên trong hạt gạo.
Các nhà nghiên cứu cho biết loại gạo có màu hồng này có thể cung cấp nguồn protein rẻ hơn, bền vững hơn với môi trường với lượng khí thải carbon thấp hơn nhiều so với thịt bò.
Trưởng nhóm nghiên cứu Sohyeon Park cho biết: “Hãy tưởng tượng chỉ cần ăn một bát cơm mà đã có đủ chất. Gạo vốn đã có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng việc bổ sung thêm tế bào từ vật nuôi có thể làm tăng thêm hàm lượng dinh dưỡng này”.
Đầu tiên, các nhà khoa học phủ gạo bằng gelatin cá để giúp các tế bào thịt bám vào tốt hơn. Sau đó, họ chèn tế bào gốc mỡ và cơ bò vào hạt gạo để nuôi cấy trong đĩa petri.
Nghiên cứu cho biết, thịt động vật có “giàn giáo sinh học” cực nhỏ giúp tế bào phát triển để hình thành mô và cơ quan, đồng thời hạt gạo có cấu trúc xốp, có tổ chức bắt chước giàn giáo này.
Các tế bào thịt sau đó phát triển trên bề mặt hạt gạo và bên trong hạt gạo. Sau khoảng 9 đến 11 ngày, gạo lai thịt bò được ra đời.
Cận cảnh một bát cơm màu hồng nhạt được nấu từ "gạo thịt bò" do các nhà nghiên cứu Hàn Quốc sáng tạo - Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu cho thấy cơm thịt bò cứng hơn và giòn hơn so với kết cấu mềm, dẻo thông thường, đồng thời có hàm lượng protein và chất béo cao hơn. Các nhà khoa học đã hấp cơm để phân tích và nhận thấy gạo lai thịt có hàm lượng cơ cao hơn có mùi giống thịt bò và hạnh nhân hơn, trong khi gạo thường có hàm lượng chất béo cao hơn có mùi giống kem hoặc dầu dừa.
Loại gạo lai này có thể khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực của nhân loại đồng thời có thể khắc phục những lo ngại về sức khỏe ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên.
Nhà khoa học Park cho biết nhóm đã thử nghiệm nhiều loại sản phẩm thực phẩm khác nhau, nhưng các mô hình trước đó không thành công như vậy. Ví dụ, họ đã cố gắng truyền tế bào thịt động vật vào đậu nành bằng phương pháp tương tự, nhưng khung tế bào của đậu nành quá lớn, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không thể cảm nhận được kết cấu giống thịt.
Các lựa chọn thay thế thịt và các cải tiến thực phẩm mới đã tăng nhanh trong vài năm qua, từ các lựa chọn dựa trên thực vật như Beyond Meat đến thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, tất cả đều nhằm mục đích giảm lượng khí thải nhà kính, đặc biệt là khí thải do chăn nuôi tạo ra.
Hệ thống chăn nuôi chịu trách nhiệm thải ra 6,2 tỷ tấn carbon dioxide vào khí quyển mỗi năm. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy sản xuất thịt bò là ngành sử dụng nhiều carbon nhất.
Nhưng nhiều sản phẩm thay thế thịt đã phải vật lộn để thâm nhập vào thị trường phổ thông và thu hút người tiêu dùng vì hương vị hay kết cấu, giá thành chưa thân thiện với người dùng.
Nhưng nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho rằng sản phẩm của họ có thể có lợi thế hơn. Theo nghiên cứu, nó sử dụng các nguyên liệu an toàn, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng, giúp sản phẩm cuối cùng bền vững và dễ tiết kiệm chi phí.
Thịt bò nạc hiện có giá khoảng 14,88 USD/kg và gạo có giá 2,20 USD/kg, trong khi cơm lai bò, nếu được thương mại hóa, có thể chỉ có giá 2,23 USD. Và với mỗi 100 gram protein được tạo ra, lúa lai ước tính thải ra ít hơn 6,27 kg carbon dioxide. Nghiên cứu cho biết cùng một lượng thịt bò tạo ra 49,89 kg carbon dioxide.
Về lý thuyết, một ngày nào đó bò có thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi công thức. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào lấy từ vật nuôi để nghiên cứu, nhưng nếu họ hoặc các nhà khoa học khác có thể phát triển một dòng tế bào mà không cần chăn nuôi thì có thể tạo ra một hệ thống thực phẩm bền vững.
Theo Neil Ward, chuyên gia về khí hậu và thực phẩm nông nghiệp, đồng thời là giáo sư tại Đại học East Anglia, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết dữ liệu có vẻ “rất tích cực” và có tiềm năng giúp phát triển “chế độ ăn uống lành mạnh hơn và thân thiện với khí hậu hơn ở các nước.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức đến từ thái độ tiếp nhận sản phẩm từ công chúng trên diện rộng.
Cơm thịt bò vẫn chưa được đưa vào sử dụng tại các nhà hàng, vì vậy nhóm nghiên cứu dự định sẽ phát triển các hạt gạo và tạo ra nhiều giá trị dinh dưỡng hơn. Họ cũng hy vọng điều này có thể cải thiện kết cấu và hương vị của gạo.
Nhóm nghiên cứu hi vọng, loại gạo lai có thể được tung ra khắp các siêu thị dưới dạng ăn liền tiện lợi, hoặc trở thành thực phẩm cứu trợ, thức ăn cho quân đội hay bữa ăn giàu năng lượn cho các nhà du hành vũ trụ.