Thực hành chế độ ăn và những rào cản ở người bệnh đái tháo đường týp 2
Nhóm các nhà nghiên cứu gồm Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trần Ngọc Anh Thư, Nguyễn Nữ Anh Đào (Bệnh viện Quận 8), Thang Kim Sang, Ngô Thanh Hùng (Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh) và Trần Quốc Cường (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã tiến hành khảo sát 203 người bệnh ĐTĐ týp 2 đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) từ 01/04/2023 – 01/09/2023 nhằm xác định tỷ lệ bệnh nhân thực hành dinh dưỡng đúng và làm rõ những rào cản người bệnh gặp phải trong quá trình thực hành dinh dưỡng ĐTĐ.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh lý đặc trưng bởi rối loạn chuyển hoá biểu hiện bởi việc tăng đường huyết mạn tính. Nguyên nhân của sự rối loạn đường huyết gây nên bởi sự bất hoạt bài tiết insulin hay sự đề kháng insulin hoặc cả hai. Thay đổi chế độ ăn uống là nền tảng không thể thiếu trong quản lý điều trị ĐTĐ theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA).
Các nghiên cứu trong nước gần đây qua các khảo sát thấy rằng tỷ lệ người bệnh tuân thủ chế độ ăn chưa tốt còn khá cao, dao độngtừ 13,7% - 79%. Nguyên nhân khó khăn có thể từ phía người bệnh và từ nhân viên y tế, người bệnh gặp trở ngại trong hiểu biết kiến thức, cách thức thực hiện phức tạp, người bệnh không đủ niềm tin, thiếu hỗ trợ từ người thân và bạn bè, chi phí đắt đỏ, nhân viên y tế chưa giao tiếp tốt hoặc không đủ thời gian trao đổi với người bệnh
Khảo sát được tiến hành với 203 người bệnh ĐTĐ týp 2 đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) từ 01/04/2023 – 01/09/2023. Đây là nhóm đối tượng được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ týp 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đang điều trị dùng thuốc tại bệnh viện ít nhất 3 tháng. Độ tuổi từ 18 trở lên và đồng ý tham gia sau khi được giải thích mục đích nghiên cứu và ký tên vào phiếu đồng thuận tham gia nghiên cứu.
Qua khảo sát và xử lí số liệu, nghiên cứu đã chỉ ra một số rào cản ảnh hưởng đến thực hành dinh dưỡng của người bệnh, cụ thể gồm 4 nhóm lớn:
- Hệ thống y tế: Mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân (từ phía thầy thuốc và từ phía bệnh nhân), thiếu nguồn lực;
- Các mối quan hệ xã hội: Họp mặt bạn bè, họ hàng, công việc, các dịp đặc biệt, thiếu sự hỗ trợ người thân;
- Kinh tế - xã hội: Tình trạng kinh tế khó khăn, tính chất công việc bấp bênh;
- Liên quan đến người bệnh: Thiếu kiến thức, thiếu sự tự chủ, thiếu sự kiềm chế, quan điểm, văn hóa (“lâu lâu một lần”, “cơm là chính”, “nhập gia tùy tục”…).
Những rào cản trên đã dẫn đến tình trạng hầu hết người bệnh có thực hành ở mức trung bình. Số liệu cho thấy chỉ 14,3% người bệnh thực hành đúng về chế độ ăn cho người bệnh ĐTĐ týp 2, trong đó mức độ trung bình chiếm tới 65%. Cụ thể về nội dung trong thực hành chế độ ăn, tỷ lệ thực hành đúng cao nhất là sử dụng dầu thực vật khi chế biến (87,8%), kế đến là không sử dụng thức ăn chế biến sẵn (83,3%) và hạn chế uống rượu bia với 81,3%. Trong khi, tỷ lệ thực hành đúng thấp nhất là các bữa phụ trong ngày (24,1%), sử dụng nhóm tinh bột có chỉ số đường huyết thấp (30,1%) và sử dụng gia vị, nước chấm trong bữa ăn (31,5%). Từ đó, nhân viên y tế cần thay đổi cách tiếp cận và quản lý người bệnh ĐTĐ theo hướng cá thể hóa nhằm phát hiện và hỗ trợ những rào cản của người bệnh trong việc tự quản lý bệnh ĐTĐ. Ngoài ra, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại bệnh viện cũng cần được chú trọng và đẩy mạnh, nhất là cung cấp kiến thức về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ĐTĐ. Đồng thời, để góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cần quan tâm hơn nữa về việc hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch theo hướng cá thể hoá trong điều trị dinh dưỡng ĐTĐ.
Tạp chí Nghiên cứu Y học tập 174, Số 1 (2024)