"Loay hoay" chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo Nghị định 115
Sau gần 7 năm thực hiện, việc chuyển các tổ chức khoa học công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã đạt được kết quả bước đầu. Nhưng để hoàn thành việc chuyển đổi các tổ chức này vào năm 2014, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức...
Nhiều ưu đãi
Chủ trương chuyển mạnh quản lý khoa học và công nghệ từ
cơ chế hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường, tách biệt quản lý hành chính
với hoạt động sự nghiệp trong hệ thống khoa học và công nghệ thông qua việc
triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
và Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã có kết quả
bước đầu đáng khích lệ. Hầu hết các tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã
được giao quyền tự chủ ở mức độ khác nhau. Số lượng các tổ chức thực hiện cơ
chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã có sự gia tăng lớn, chiếm hơn 80% các tổ
chức đăng ký ở các Bộ, ngành và địa phương, trong đó khoảng 65% các tổ chức có
đề án chuyển đổi sang cơ chế mới đã được phê duyệt. Các đơn vị nghiên cứu cơ
bản, chiến lược chính sách và cung cấp dịch vụ công tiếp tục được nhà nước hỗ
trợ kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán và được giao quyền
tự chủ cao trong hoạt động.
Cùng với đó, Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp
khoa học và công nghệ được ban hành đã là bước đổi mới tiếp theo nhằm hoàn
thiện mô hình chuyển đổi cơ chế hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghị định đã tạo điều kiện thuận lợi
cho tổ chức, cá nhân triển khai ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ vào
sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa là kết quả
của hoạt động khoa học và công nghệ. Cơ chế này cho phép tổ chức khoa học và
công nghệ chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ tổ chức thành doanh nghiệp khoa học
và công nghệ dưới hình thức công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
trở lên. Đồng thời khuyến khích thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ
dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Doanh nghiệp
khoa học và công nghệ được quyền ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp,
lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất và trong sử dụng tài sản, đất đai
phục vụ sản xuất kinh doanh...
Tại Bộ Công thương, cùng với việc phê duyệt đề án
chuyển đổi mô hình hoạt động, các viện nghiên cứu được trao quyền thực hiện chế
độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình theo quy định, trong đó
có quyền tự chủ về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Sau khi chuyển đổi, hoạt
động của các viện trong Bộ đều có sự chuyển biến tốt. Doanh thu từ hoạt động
khoa học và công nghệ của nhiều viện đã tăng đáng kể, trong đó, tỷ lệ doanh thu
từ các hợp đồng tư vấn, dịch vụ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ từ
các nguồn ngoài ngân sách nhà nước đã tăng mạnh…
Những bất cập cần giải quyết
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự
chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập vẫn đang gặp
nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm giải quyết. Việc chưa xây dựng được cơ chế
đồng bộ để triển khai, chưa có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đã
làm chậm quá trình triển khai và hạn chế hiệu quả của cơ chế này.
Đặc biệt, một số nội dung quy định tại Nghị định 115,
Nghị định 80 và các văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể dẫn đến vướng mắc trong
việc triển khai cơ chế về đầu tư, giao tài sản nhà nước, chính sách ưu đãi về
thuế, quyền sử dụng đất đai để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hoạt động của các
tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá, việc thực hiện Nghị định 115 chưa đạt
hiệu quả cao do việc triển khai đồng bộ các điều kiện cho thực thi còn nhiều
khó khăn và vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài
ra, một số nội dung của Nghị định 115 cũng chưa hoàn toàn khắc phục được những
bất cập của cơ chế chính sách hiện hành về tổ chức bộ máy, cán bộ, về quản lý
hoạt động khoa học và công nghệ và quản lý tài chính...
Tại Bộ Công thương, khi thực hiện chuyển đổi, các viện vẫn
gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng và hình thành nguồn vốn lưu động phục vụ
cho hoạt động kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Việc các cơ quan quản lý Nhà
nước không phân biệt các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động theo Nghị định
115 và các tổ chức khoa học và công nghệ chưa chuyển đổi hoặc không phải chuyển
đổi trong tham gia đầu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước, đã
không tạo được sự công bằng trong tham gia đấu thầu và ảnh hưởng đến tính cạnh
tranh của các viện đã chuyển đổi.
Để các tổ chức khoa học và công nghệ thực sự phát huy
được hiệu quả hoạt động sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Chính phủ cần có
cơ chế hình thành và gắn các chương trình khoa học và công nghệ với các chương
trình phát triển kinh tế xã hội, dự án trọng điểm của đất nước. Thông qua đó,
khoa học và công nghệ trong nước có điều kiện để phát triển, làm chủ các công
nghệ mới, tạo ra các sản phẩm của Việt Nam với tỷ lệ hàm lượng khoa học và công
nghệ trong nước cao hơn. Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ
sung, hoàn thiện cơ chế, quy định liên quan để tạo ra sự đồng bộ trong triển
khai thực hiện Nghị định 115, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý
khoa học và công nghệ theo hướng gắn kết chặt chẽ về trách nhiệm và quyền lợi của
nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Cơ chế, trách nhiệm quản lý và sự phối hợp đồng
bộ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các Bộ quản lý chuyên ngành cần được làm
rõ, nhằm thực hiện tốt hơn việc xây dựng kế hoạch, xét duyệt, tuyển chọn chương
trình, đề tài, đề án cấp Nhà nước, cấp Bộ…
Lùi thời hạn chuyển đổi đến hết năm 2013
Vấn đề chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ
công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được đặt ra
cách đây 16 năm, từ Nghị quyết TW2 (Khoá VIII) và sau đó là Nghị quyết TW 6
(Khoá IX). Tuy vậy, hoạt động này chỉ thực sự bắt đầu khi Chính phủ ban hành
Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và Nghị định 80/2007/NĐ-CP
về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, sau đó điều chỉnh bổ sung bởi Nghị định
96/2010/NĐ-CP.
Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho
biết: “Chính vì đây là quá trình khó khăn với những thách thức rất lớn do các
tổ chức khoa học và công nghệ đã quen hoạt động trong cơ chế bao cấp nhiều năm,
vì vậy Bộ đã trình Chính phủ cho phép lùi thời hạn chuyển đổi tới hết 2013.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng các Bộ, ngành xây dựng cơ chế để các tổ
chức khoa học và công nghệ có thể chuyển đổi hoàn toàn sang cơ chế tự chủ vào
2014”.
Tổ chức khoa học và công nghệ công lập chuyển sang cơ
chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sẽ được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường
xuyên thông qua nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho tổ chức khoa học và công nghệ.
“Việc cấp kinh phí thường xuyên theo kiểu bao cấp tạo ra sức ỳ lớn, sự ỷ lại của
các tổ chức công lập, bởi dù hoạt động không hiệu quả, nhà nước vẫn trả lương.
Khi chuyển sang cơ chế cấp phép kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ,
chắc chắn, tổ chức nào hoạt động tốt sẽ có thu nhập nhiều hơn, làm nhiều đề
tài, dự án được hưởng nhiều lương hơn, ai không làm việc thì chắc chắn không
được hưởng”, Bộ Nguyễn Quân khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, có bốn nhóm tổ chức
khoa học và công nghệ với bốn phương thức hỗ trợ khác nhau, nhằm tạo mọi điều
kiện thuận lợi để tổ chức khoa học và công nghệ công lập sau khi chuyển đổi
hoạt động hiệu quả.
Theo đó, đối với nhóm đã từng tự chủ, đã tự bảo đảm kinh
phí hoạt động thường xuyên từ nhiều năm nay, tiếp tục được Nhà nước được giao
quyền tự chủ về tổ chức biên chế và xác định nhiệm vụ. Đồng thời Nhà nước cho
thêm chức năng kinh doanh như doanh nghiệp và hưởng mọi ưu đãi như doanh
nghiệp.
Những tổ chức mới chỉ đảm bảo được một phần kinh phí
hoạt động thường xuyên, Nhà nước cho phép tiếp tục cấp kinh phí hoạt động
thường xuyên theo phương thức cũ tới hết năm 2013. Từ năm 2014, Nhà nước vẫn
tiếp tục hỗ trợ nhưng theo phương thức mới.
Tổ chức khoa học và công nghệ làm nghiên cứu cơ bản,
chiến lược chính sách và làm dịch vụ phục vụ quản lý nhà nước là nhóm mà được
Nhà nước bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ toàn diện để tổ chức đó hoạt động thông
qua cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán. Các nhà khoa
học của nhóm này vừa được hưởng lương cơ bản từ ngân sách nhà nước cấp theo phương
thức khoán, vừa được hưởng lương từ dự án.
Cuối cùng là nhóm các tổ chức khoa học công nghệ được
thành lập sau ngày Nghị định 96/2010/NĐ-CP có hiệu lực. Nhà nước sẽ bao cấp 4
năm để họ có đủ thời gian ổn định hoạt động, khi đã ổn định, Nhà nước cấp kinh
phí hoạt động theo phương thức mới./.