Ngôn ngữ ảnh hưởng đến cảm nhận về mức độ đau
Nghiên cứu mới cho thấy một người sống trong môi trường song ngữ có thể có những cảm nhận khác nhau về cùng một mức độ đau đớn, tùy thuộc vào việc người đó gần gũi với ngôn ngữ nào hơn.
Từ lâu, nhiều nghiên cứu khoa học đã nhắc đến vai trò phức tạp của nền tảng văn hóa và ngôn ngữ trong việc định hình trải nghiệm và nhận thức của con người. “Thuyết tương đối về ngôn ngữ” cho rằng, ngôn ngữ có thể ảnh hưởng đến quá trình chúng ta suy nghĩ và nhận thức. Các nghiên cứu tâm lý học văn hóa cũng chỉ ra người song ngữ thường “chuyển đổi” giữa các tư duy văn hóa dựa trên ngôn ngữ họ sử dụng, hiện tượng này được gọi là “chuyển đổi khung văn hóa”. Sự tương tác thú vị này giữa ngôn ngữ và văn hóa đã được ghi nhận là có tác động đến nhiều quá trình tâm lý và thần kinh khác nhau.
Các nhà khoa học tại Đại học Miami đã tiến hành nghiên cứu nhằm khám phá cảm nhận về cơn đau của người song ngữ trong các bối cảnh ngôn ngữ khác nhau. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Social Cognitive and Affective Neuroscience.
Người song ngữ cảm nhận mức độ đau đớn khác nhau tùy thuộc vào ngôn ngữ họ sử dụng. Nguồn ảnh: Internet
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 39 người trưởng thành, thuộc cộng đồng người gốc Tây Ban Nha sinh sống ở Mỹ, tất cả đều thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Họ được tuyển chọn từ Đại học Miami và khu vực Miami-Dade lân cận. Độ tuổi của nhóm dao động từ 18 đến 44, nhờ vậy sẽ có góc nhìn rộng hơn về trải nghiệm song ngữ xuyên suốt các giai đoạn trưởng thành khác nhau trong cuộc sống.
Nghiên cứu xoay quanh việc đánh giá mức độ đau thông qua các buổi thử nghiệm bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Người tham gia được kích thích nhiệt - một dạng đau về thể chất được công nhận là rất khó chịu - và được yêu cầu đánh giá mức độ cơn đau. Cụ thể, trong mỗi buổi thử nghiệm, người tham gia sẽ trải qua quy trình gây đau bằng cách áp nhiệt: Cầm một tách cà phê nóng áp vào mặt trong của cẳng tay trong vài giây. Sự khác biệt chính giữa hai lần thử nghiệm là ngôn ngữ được sử dụng (tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha), trong khi bản thân quá trình gây đau không thay đổi.
Người tham gia đánh giá mức độ đau theo cảm nhận của họ và các phản ứng sinh lý khác (ví dụ như nhịp tim và mức độ tiết mồ hôi lòng bàn tay) cũng được theo dõi. Các đánh giá được xếp theo thang điểm từ 0 đến 10, từ đó các nhà nghiên cứu có thể đo lường nhận thức về cơn đau.
Không chỉ dừng lại ở những đánh giá chủ quan, các nhà nghiên cứu còn sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) khi kích thích cơn đau. Đây là một kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, cho phép nhóm nghiên cứu quan sát và ghi lại hoạt động của não bộ theo thời gian thực, đặc biệt tập trung vào các vùng chịu trách nhiệm xử lý cảm giác đau và ngôn ngữ.
Kết quả nghiên cứu
Những người tham gia luôn đánh giá cơn đau dữ dội hơn khi trải nghiệm bằng tiếng Tây Ban Nha so với tiếng Anh. Hiệu ứng ngôn ngữ này không chỉ giới hạn ở đánh giá chủ quan mà còn phản ánh trong hoạt động của não bộ. Kết quả chụp fMRI cho thấy một số vùng não liên quan đến việc xử lý cảm giác và cảm xúc đối với cơn đau hoạt động mạnh hơn khi sử dụng tiếng Tây Ban Nha.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện, phản ứng của não bộ trong các vùng này làm trung gian cho tác độngcủa ngôn ngữ lên việc đánh giá mức độ đau.
Điều thú vị là, người tham gia càng gần gũi với văn hoá nào thì cơn đau càng mạnh hơn trong thử nghiệm bằng ngôn ngữ của nền văn hóa đó. Điều này cho thấy bản sắc văn hóa có thể thay đổi cách ngôn ngữ tác động đến trải nghiệm giác quan của chúng ta, bao gồm cả cảm nhận đau.
“Chúng tôi đã nghiên cứu một vài hệ thống não khác nhau để giải thích sự khác biệt về cơn đau giữa các ngôn ngữ”, Gianola chia sẻ, “Điều bất ngờ là, chính các vùng xử lý cảm giác thân thể (khu vực trực tiếp tiếp nhận các kích thích xúc giác/cảm nhận) lại thể hiện rõ rệt nhất ảnh hưởng của ngôn ngữ và đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình cường độ đau mà những người tham gia báo cáo”.
Những phát hiện này mang đến một góc nhìn mới về mối liên hệ phức tạp giữa ngôn ngữ, văn hóa và trải nghiệm giác quan của con người, cho thấy những khía cạnh cá nhânnày có thể định hình nên nhận thức về các cảm giác thể chất của chúng ta.
“Nhìn chung, một người song ngữ trải qua cảm giác đau đớn khi đang sử dụng ngôn ngữ nào thì ngôn ngữ đó không chỉ ảnh hưởng đến mức độ cơn đau, mà còn ảnh hưởng đến cách não bộ xử lý cảm giác thể chất. Cụ thể, các đặc điểm cảm giác của trải nghiệm được thể hiện nổi bật ở các mức độ khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, kết quả này không chỉ đơn giản là “ai nói tiếng Tây Ban Nha thì sẽ thấy đau hơn”. Mà đúng hơn, có vẻ như chúng ta cảm nhận cơn đau dữ dội hơn khi sử dụng ngôn ngữ mà bản thân gắn kết văn hoá mạnh mẽ hơn.
Có vẻ như chúng ta cảm nhận cơn đau dữ dội hơn khi sử dụng ngôn ngữ mà bản thân gắn kết văn hoá mạnh mẽ hơn. Nguồn ảnh: Internet
Mặc dù nghiên cứu này mở ra những góc nhìn quan trọng nhưng cũng có những bất cập nhất định. Quy mô nghiên cứu mẫu tương đối nhỏ, hạn chế khả năng phát hiện các ảnh hưởng nhỏ hơn của ngôn ngữ hoặc văn hóa. Ngoài ra, nghiên cứu tiến hành kết hợp ngôn ngữ với nền tảng văn hóa, khiến việc phân tách tác động của hai yếu tố này trở nên khó khăn.
Trong tương lai, có thể tiến hành nghiên cứu các nhóm song ngữ khác nhau, thay đổi điều kiện thí nghiệm hoặc tập trung vào các bệnh nhân bị đau mãn tính để có thông tin sâu rộng hơn về cách ngôn ngữ và văn hoá đan xen trong việc định hình nhận thức của chúng ta về cơn đau. Những nghiên cứu như vậy có thể làm sáng tỏ hơn nữa các cơ chế thần kinh ẩn bên dưới mối liên kết giữa ngôn ngữ, văn hóa và sự đau đớn.
Bản thân Morgan Gianola, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ về Y học Hành vi, tác giả của công trình này, thừa nhận cần lặp lại nhiều lần trên những nhóm nghiên cứu lớn hơn trước khi khẳng định chắc chắn rằng những kết quả nêu trên là chính xác.
Nguồn:
https://www.psypost.org/2024/01/neuroscience-study-reveals-how-language-affects-pain-processing-among-bilingual-individuals-220947
https://www.sciencedaily.com/releases/2020/11/201130131431.htm
https://khoahocphattrien.vn/ (tnxmai)