SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

10 nguyên tắc cơ bản về an toàn bức xạ theo Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA)

[04/04/2024 10:16]

Trong một công bố khoa học của mình, nhà nghiên cứu TS Đặng Thanh Lương, thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã nêu ra quan điểm cần chú trọng 10 nguyên tắc cơ bản về an toàn bức xạ (theo Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA)).

 

Trong hướng dẫn của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) trong tài liệu hướng dẫn - SSG16 “Establishing the safety infrastructure for a nuclear power programme - thiết lập cơ sở hạ tầng an toàn cho chương trình điện hạt nhân”, có 10 nguyên tắc cơ bản về an toàn bức xạ, cụ thể như sau:

1) Trách nhiệm bảo đảm an toàn: Trách nhiệm cao nhất thuộc về tổ chức và pháp nhân có cơ sở bức xạ hoặc tiến hành các công việc làm tăng các nguy cơ bức xạ. Cần nêu rõ trách nhiệm của chủ cơ sở/người sử dụng lao động, đồng thời cũng cần phải quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó cần đặc biệt lưu ý tới các quy định về phơi nhiễm bức xạ trong y tế.

2) Trách nhiệm của Chính phủ: Chính phủ phải thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Đồng thời, thành lập các cơ quan độc lập phụ trách về kiểm soát bức xạ tại các cơ sở hoạt động nhằm bảo vệ con người và môi trường trước các rủi ro.

3) Quản lý an toàn: Các cơ sở và các hoạt động có sử dụng bức xạ cần thiết lập những quy định cụ thể về quản lý và an toàn.

4) Bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của các cơ sở bức xạ: Các cơ sở hoạt động liên quan đến bức xạ, làm gia tăng các nguy cơ bức xạ phải cân nhắc đến tính hiệu quả và lợi ích của công việc trước những rủi ro gây ra.

5) Tối ưu hóa bảo vệ: Việc bảo vệ bức xạ phải được tối ưu hóa nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất có thể đạt được. Muốn vậy phải đưa ra những quy định rất cụ thể cho từng đối tượng, với từng nội dung khác nhau: các đối tượng có thể bị phơi nhiễm với bức xạ (nhân viên y tế, phụ nữ, trẻ em), các đối tượng tham gia nghiên cứu sinh học và y học...

6) Hạn chế rủi ro đối với từng thể nhân: Các biện pháp kiểm soát nguy cơ bức xạ cần phải bảo đảm rằng, không một thể nhân nào phải chịu những rủi ro, nguy hiểm không chấp nhận được. Do đó, liều lượng và rủi ro bức xạ phải được kiểm soát trong giới hạn quy định.

7) Bảo vệ cho thế hệ hiện tại và tương lai: Con người và môi trường ở hiện tại và tương lai phải được bảo vệ khỏi các nguy cơ bức xạ. Các cơ quan chức năng và cơ sở hoạt động cần đưa ra các phương pháp đánh giá tác động phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro bức xạ khi những hậu quả có thể xảy ra trong hiện tại và tương lai.

8) Ngăn ngừa sự cố: Để đảm bảo khả năng xảy ra tai nạn gây hậu quả có hại ở mức thấp nhất, cần phải thực hiện các biện pháp: ngăn chặn việc xảy ra sai sót hoặc điều kiện không bình thường (bao gồm cả vi phạm an ninh) có thể dẫn đến mất kiểm soát; ngăn chặn sự leo thang của bất kỳ điều kiện bất thường nào; ngăn chặn việc mất hoặc mất quyền kiểm soát nguồn phóng xạ hoặc bức xạ.

9) Sẵn sàng và ứng phó: Phải chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đối với các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân. Mục tiêu chính của công việc này là: đảm bảo ứng phó hiệu quả tại các thời điểm hiện trường; các sự cố có thể dự đoán trước một cách hợp lý. Các quy trình quản lý tai nạn cần được xây dựng trước để khi sự cố xảy ra, các đơn vị sớm giành lại quyền kiểm soát lò phản ứng hạt nhân, tránh gây mất kiểm soát dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng.

10) Nhà nước áp dụng các biện pháp giảm nguy cơ bức xạ không do các cơ sở bức xạ và công việc bức xạ gây ra: Các hành động nhằm giảm thiểu các nguy cơ bức xạ không do các cơ sở, hoạt động bức xạ gây ra sẽ do Nhà nước chịu trách nhiệm trên cơ sở áp dụng các phương pháp hiệu quả và tối ưu.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Số 3 năm 2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ