Cơ hội nghề nghiệp trong ngành điện gió ngoài khơi
Tại Hà Nội, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa phối hợp với Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tổ chức hội thảo “Cơ hội nghề nghiệp ngành điện gió ngoài khơi”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, điện gió ngoài khơi là chủ đề được các cơ sở đào tạo rất quan tâm. Một điểm chung của các nội dung đào tạo này là tính đa ngành, đa lĩnh vực và sự thay đổi không ngừng.
Theo ông Nguyễn Đức Huy, việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của những công việc mới đòi hỏi sự đồng hành của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo thông tin tại hội thảo, mặc dù là ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam song nhiều vị trí kỹ thuật trong ngành điện gió ngoài khơi có thể được đảm nhiệm bởi những nhân sự đang làm việc tại các ngành dầu khí, xây dựng công trình biển, nhà máy điện, hàng hải... Hiện, một số chuyên ngành đào tạo dài hạn có thể hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi như: điện – điện tử, kỹ thuật cơ khí xây dựng công trình biển, dầu khí, kỹ thuật xây dựng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hàng hải, quản lý năng lượng, điều khiển tàu biển, năng lượng tái tạo, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật môi trường...
Những chuyên ngành này được đào tạo tại một số trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Điện lực, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Hàng hải…
Bên cạnh đó, một số chương trình đào tạo ngắn hạn bao gồm kỹ thuật cơ bản ngành điện gió ngoài khơi, kỹ thuật an toàn cơ bản, sơ cứu nâng cao, cứu hộ nâng cao cũng cung cấp những kỹ năng cần thiết cho một số công việc mang tính chất kỹ thuật tại các dự án điện gió ngoài khơi.
Ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam cho biết, CIP sẽ cần một lực lượng lao động trình độ cao để phục vụ cho các dự án trong tương lai. Ví dụ, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khi được xây dựng hết công suất 3,5GW sẽ cần sự tham gia của 45.000 FTE, trong đó 1 FTE được tính là 1 nhân sự làm việc toàn thời gian trong vòng 1 năm.
Trong suốt vòng đời của một trang trại điện gió ngoài khơi (khoảng 35 – 45 năm), một số vị trí công việc sẽ đồng hành cùng dự án trong cả 3 giai đoạn chính là phát triển, thi công và vận hành; một số vị trí khác sẽ chỉ cần tham gia trong một hoặc hai giai đoạn của dự án. Giai đoạn thi công có nhu cầu sử dụng nhân sự cao nhất (chiếm 49% tổng số việc làm được tạo ra trong suốt vòng đời dự án), tiếp theo là giai đoạn vận hành và bảo trì (35%), giai đoạn phát triển (10%) và tháo dỡ (6%).
Ông Stuart Livesey nhấn mạnh, CIP mong muốn nhân sự Việt Nam có thể tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành điện gió ngoài khơi, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục phục vụ dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.
Trong khuôn khổ hội thảo, Tập đoàn CIP công bố ấn phẩm “Nguồn nhân lực ngành điện gió ngoài khơi” nhằm cung cấp thông tin tổng quan về nhu cầu nhân sự phục vụ xuyên suốt các giai đoạn của một trang trại điện gió ngoài khơi, danh sách các công việc điển hình và mô tả công việc chi tiết của hơn 70 vị trí khác nhau. Từ đó góp phần giúp sinh viên yêu thích ngành điện gió ngoài khơi có thể chọn ngành học phù hợp ngay từ đầu.