SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Các nhà khoa học tạo ra con bò sản xuất insulin đầu tiên trên thế giới

[05/04/2024 09:58]

Một con bò nâu từ miền nam Braxin trở thành con bò biến đổi gen đầu tiên, có khả năng sản xuất insulin của người trong sữa. Bước tiến này do các nhà nghiên cứu Mỹ và Braxin phối hợp thực hiện, có thể báo trước một kỷ nguyên mới sản xuất insulin, một ngày nào đó sẽ loại bỏ tình trạng khan hiếm thuốc và chi phí điều trị cao cho những người mắc bệnh tiểu đường.

GS. Matt Wheeler tại Trường Cao đẳng Khoa học Nông nghiệp, Hoa Kỳ và là tác giả chính của nghiên cứu đã mô tả sự phát triển của bò sản xuất insulin với khả năng nhân rộng sau khi được thử nghiệm bổ sung và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) chấp thuận.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Braxin đã chèn một đoạn ADN mã hóa proinsulin ở người, tiền chất của insulin, vào nhân tế bào của 10 phôi bò. Các phôi bò sau đó được cấy vào tử cung của những con bò bình thường ở Braxin và một con bê chuyển gen đã ra đời. Nhờ công nghệ kỹ thuật di truyền cập nhật, ADN ở người được nhắm mục tiêu biểu hiện chỉ trong mô vú.

Khi con bò trưởng thành, nhóm nghiên cứu đã cố gắng thụ thai cho bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thông thường nhưng không thành công. Thay vào đó, họ sử dụng hormone kích thích để bò sản sinh sữa. Quá trình này khiến bò tiết ra sữa, nhưng với số lượng ít hơn so với khi bò thụ thai thành công. Tuy nhiên, proinsulin ở người và thật ngạc nhiên là cả insulin vẫn được phát hiện trong sữa ở mức vài gam/lít sữa.

Vì quá trình tiết sữa được kích thích bằng nội tiết tố nên lượng sữa sản sinh ít hơn. Vì thế, nhóm nghiên cứu không xác định được chính xác lượng insulin sẽ được tạo ra trong một chu kỳ tiết sữa thông thường. Theo GS. Wheeler, nếu một con bò có thể tạo ra 1 gam insulin trong mỗi lít sữa và một con bò Hà Lan còn được gọi là bò Holstein cung cấp 40 đến 50 lít sữa mỗi ngày thì lượng insulin mà bò mang lại sẽ rất nhiều. Như vậy, mỗi gram sữa tương đương với 28,818 đơn vị insulin.

Nhóm nghiên cứu có kế hoạch nhân bản lại con bò sản xuất insulin và lạc quan rằng họ sẽ đạt được thành công lớn hơn với chu kỳ mang thai và cho con bú đầy đủ ở thế hệ tiếp theo. Cuối cùng, họ hy vọng tạo ra những con bò đực chuyển gen để giao phối với những con cái, cho ra đời những con cái chuyển gen có thể được sử dụng để tạo ra một đàn bò phục vụ sản xuất insulin.

Tuy nhiên, cần có một hệ thống hiệu quả để thu thập và tinh chế các sản phẩm insulin, cũng như FDA chấp thuận, trước khi bò biến đổi gen có thể cung cấp insulin cho bệnh nhân tiểu đường trên thế giới. Dù vậy, GS. Wheeler tin chắc rằng ngày đó sẽ đến. Ông nói: “Tôi có thể hình dung trong tương lai, một đàn bò 100 con, tương đương với một đàn bò sữa nhỏ ở Illinois hoặc Wisconsin, có thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết cho đất nướcVà với một đàn lớn hơn thì sao? Bạn có thể cung cấp insulin cho cả thế giới trong một năm”.

https://www.vista.gov.vn/ (tnxmai)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ