SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu tỉnh Kiên Giang

[06/04/2024 10:59]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thanh Nhàn, Lưu Thanh Đức Hải - Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang.

Theo Aiginger (2006), năng lực cạnh tranh đã là một chủ đề vô cùng phổ biến trong hoạch định chính sách kinh tế và nhận được sự quan tâm lớn của chính phủ, các ngành công nghiệp ở hầu hết các quốc gia. Ở cấp độ vi mô, khái niệm về năng lực cạnh tranh rất đơn giản. Khái niệm này được xem là đồng nghĩa với việc cung ứng được những dịch vụ, sản xuất được các hàng hóa chất lượng cao, đi cùng với tiếp thị thành công cho người tiêu dung (Newall, 1992) hoặc được diễn tả là khả năng một tổ chức nắm giữ được vị thế cạnh tranh của mình thông qua đáp ứng nhu cầu của khách hàng  (Feurer & Chaharbaghi, 1994).

Khái niệm của năng lực cạnh tranh là đa chiều (Porter, 1988), vì năng lực cạnh tranh có thể nhìn nhận thông qua ba cấp độ khác nhau: (1) quốc gia; (2) ngành nghề và (3) doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh trong nghiên cứu của Porter đã được tiếp cận theo cấp độ doanh nghiệp. Theo cách tiếp cận này, Porter đã tạo ra một công cụnày được xem là công cụhữu ích và tin cậy khi tìm kiếm  nguồn  gốc  của chiến lược  cạnh tranh đã  giúp doanh nghiệp duy trì và thu được lợi nhuận. Có 5 áp lực cạnh tranh  trong mô hình của Porter: (1) nhận định sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện hữu; (2) xác định mối đe dọa của các doanh nghiệp đối thủ mới trong thị trường; (3) các sản phẩm thay thế mới xuất hiện mang nguy cơ cạnh tranh; (4) doanh nghiệp bị chi phối bởi nhà cung ứng; (5) doanh nghiệp chịu áp lực do khách hang thương lượng. Mô hình của Porter cho người đọc thấy được các yếu tố cấu thành nên sức cạnh tranh của một doanh nghiệp, từ đó giúp chúng ta sửa đổi chiến lược của mình thích ứng với môi trường cạnh tranh và nâng cao lợi nhuận theo thời gian.

Thompson&  Strickland (1998) đã nghiên cứu năng lực cạnh tranh với mô hình năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chỉ chứa đựng các nhân tố chủ quan. Các nhân tố này chỉ phản ánh nội lực của doanh nghiệp, không chứa đựng các nhân tố khách quan, các tác động của môi trường kinh doanh (chỉ hữu  dụng khi đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia) và cũng không bao hàm các yếu  tố quốc  tế. Mô hình của Thompson dùng đánh giá các yếu tố nội bộ doanh nghiệp gồm: (1) Năng lực nghiên cứu dự báo thị trường; (2) Năng lực tìm kiếm khách hàng và đối tác kinh doanh; (3) Năng lực tổ chức sản xuất sản phẩm cạnh tranh; (4) Năng lực tổ chức xuất khẩu; (5) Năng lực thanh toán quốc tế; (6) Năng lực xử lý các tình huống về tranh chấp thương mại quốc tế; (7) Vấn đề cải tiến công nghệ đổi mới sản phẩm; (8) Vấn đề quản lý nguồn nhân lực; (9) Khả năng thích ứng và quản lý sự thay đổi; (10) Năng lực tài chính; (11) Hình ảnh, uy tín thương hiệu; (12) năng lực cạnh tranh về giá cả. Các luận cứ khoa học của các nhà nghiên cứu nói trên là nền tảng lý thuyết để chúng ta tiếp tục phát triển mô hình nghiên cứu và công cụ phân tích năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), năm 2015, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2014. Tính đến tháng 9 năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ tăng nhẹ chứ chưa có bứt phá -đạt 4,93  tỷ USD, tăng 4,3%so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài các nguyên nhân khách quan như giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan, thuế chống bán phá giá..., một nguyên nhân chủ quan nổi lên là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu nước ta trên thị trường quốc tế còn nhiều bất cập và hạn chế. Theo đánh giá của VASEP, trong thời gian tới các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội về thuế xuất nhập khẩu từ Hiệp định TPP và các FTA với EU, Hàn Quốc & liên minh Á-Âu. Để tận dụng được những lợi ích, cơ hội to lớn từ các Hiệp định này, các doanh nghiệp thủy  sản xuất  khẩu Việt Nam cần đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm nghiên cứu các nhân tố chính ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang. Trong đó, tác động của các nhóm năng lực then chốt thuộc  nguồn lực bên trong và bên ngoài doanh nghiệp được tập trung nghiên cứu. Trên cơ sở đó,một số hàm ý về quản trị cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho đơn vị được đề xuất, đồng thời một số hàm ý về mặt chính sách cho lãnh đạo  tỉnh Kiên Giang để gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm trong tương lai cũng được đưa ra. Phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng được sử dụng trong nghiên cứu này. Với phương pháp phỏng vấn chuyên gia, thảo luận nhóm, luận án cũng xây dựng được thang đo cho mô hình nghiên cứu để tiến hành nghiên cứu định lượng. Kết quả mô hình nghiên cứu bao gồm 11 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang.

Qua kết quả nghiên cứu này cho thấy mô hình lý thuyết về các nhân tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng  đến năng lực cạnh tranh của Thompson –Strickland (1998) dựa trên nền tảng của Lý thuyết nguồn lực RBV đã được kiểm định và có ý nghĩa thực tiễn áp dụng cho trường hợp nghiên cứu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang. Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu này xác định được 9 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang. 2 nhóm nhân tố bị loại là Văn hóa doanh nghiệp và Thu mua nguyên liệu. Trong đó, nhân tố Đáp ứng khách hàng ảnh hưởng mạnh nhất với β=0,295, nhân tố Ứng dụng công nghệ ảnh hưởng mạnh thứ hai với β=0,226, nhân tố Tầm nhìn chiến lược ảnh hưởng mạnh thứ ba với β=0,157, nhân tố ảnh hưởng thứ tư là Năng lực sản xuất ới β=0,127, nhân tố ảnh hưởng thứ năm là Nghiên cứu thị trường với β=0,106, nhân tố ảnh hưởng thứ sáu là Năng lực sản phẩm với β=0,089, nhân tố ảnh hưởng thứ bảy là Năng lực tài chính với β=0,085, nhân tố ảnh hưởng thứ tám là xây dựng thương hiệu với β=0,80, nhân tố ảnh hưởng cuối cùng là Quản lý nhân lực với β=0,065.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, số 3D (2023) (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ