SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đà Nẵng: Sản xuất hành hương theo hướng hữu cơ giúp lưu giữ, bảo tồn giống bản địa

[15/04/2024 10:20]

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống hành cao sản cho năng suất cao, tuy nhiên về chất lượng thì hành hương của thôn Tây An, xã Hòa Châu có mùi thơm rất đặc trưng, vị ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hành hương đã được người dân nơi đây trồng từ rất lâu, mỗi hộ làm diện tích nhỏ để ăn và giữ giống lại cho vụ sau.

Thôn Tây An là thôn nằm ở phía bắc xã Hòa Châu, có 164 hộ dân với 667 nhân khẩu. Người dân nơi đây sống bằng nhiều nghề, trong đó có nghề trồng lúa và trồng rau. Năm 2022, Hội Nông dân xã Hòa Châu đã thành lập Tổ hội trồng rau sạch với 17 hộ tham gia. Tổ hội ra đời nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, định hướng của Uỷ ban nhân dân xã Hòa Châu là xây dựng vùng trồng cây hành hương tại thôn Tây An, đưa sản phẩm hành hương truyền thống trở thành sản phẩm đặc trưng của xã.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống hành cao sản cho năng suất cao, tuy nhiên về chất lượng thì hành hương nơi đây có mùi thơm rất đặc trưng, vị ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hành hương đã được người dân tại thôn Tây An, xã Hòa Châu trồng từ rất lâu, mỗi hộ làm diện tích nhỏ để ăn và giữ giống lại cho vụ sau.

Từ những lợi thế, giá trị mà củ hành đem lại và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của bà con nông dân, nhằm hỗ trợ bà con bảo tồn, phát triển nguồn giống địa phương, xây dựng sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, tập trung để tăng năng suất, chất lượng, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm đã thực hiện xây dựng mô hình sản xuất hành hương theo hướng hữu cơ. Mô hình triển khai tại thôn Tây An, xã Hòa Châu với quy mô 11,5 sào, 18 hộ nông dân tham gia, liên tiếp trong 2 vụ (Vụ Đông xuân 2022 – 2023 và vụ Đông xuân 2023 – 2024), áp dụng quy trình bón phân theo hướng hữu cơ và các biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh.

Kết quả mô hình cho thấy, tổ chức sản xuất hành hương tập trung tại 1 cánh đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch được thuận lợi hơn; việc áp dụng kỹ thuật được đồng bộ, đưa cơ giới hoá vào sản xuất cũng thuận lợi hơn. Nhờ vậy đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hành hương trên thị trường, bước đầu hình thành thị trường tiêu thụ thuận lợi giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

Mô hình thực hiện quy trình bón phân hữu cơ, bánh dầu, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bước đầu thiết lập tập quán canh tác hữu cơ cho bà con nơi đây, tạo ra được sản phẩm chất lượng, an toàn, giá trị sản phẩm được nâng lên, góp phần xây dựng sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương.

Đối với diện tích trồng hành hương có sử dụng bạt phủ nông nghiệp và nilon che mưa, đã tạo ra một lớp màng bảo vệ khỏi ánh nắng mạnh, mưa lớn, sương muối. Nhờ vậy, đã giảm rõ rệt bệnh héo rũ trên cây hành và khô đầu lá do sương muối, cây hành sinh trưởng phát triển tốt. Sử dụng bạt phủ đất tạo ra một môi trường không ánh sáng, làm chặn sự phát triển của cỏ dại, đồng thời đất không bị dí chặt sau những trận mưa lớn. Điều này giúp hạn chế cỏ dại rõ rệt, tiết kiệm công làm cỏ, công xới đất.

Theo ông Phùng Văn Mai, hộ nông dân tham gia mô hình cho biết, sau khi trừ các chi phí sản xuất, lãi trung bình 6.000.000 - 8.000.000 đồng/sào, đối với người nông dân thì đây là điều rất phấn khởi, điều này đã tạo động lực cho bà con nông dân nơi đây tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất.

Việc xây dựng và thực hiện mô hình rất có ý nghĩa trong việc thay đổi tập quán canh tác vô cơ sang hướng hữu cơ, hình thành vùng sản xuất hành hương chuyên canh tại thôn Tây An, xã Hòa Châu. Mô hình đã hoàn thành mục tiêu đề ra, thực hiện đúng tiến độ; phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế, điều kiện tại địa phương và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.

https://khuyennongvn.gov.vn (ntdinh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ