Ứng dụng KH,CN&ĐMST tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội Gia Lai
Gia Lai cần tập trung các nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) chủ yếu như: nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; dược liệu; nông nghiệp thông minh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Đây là một trong những đề xuất được Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nêu lên tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai ngày 8/5/2024 tại địa phương, nhằm trao đổi các biện pháp về tổ chức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), làm thế nào để KH,CN&ĐMST phục vụ tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Báo cáo kết quả hoạt động về KH&CN của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020-2024, Giám đốc Sở KH&CN Gia Lai Nguyễn Nam Hải cho biết, hoạt động KH,CN&ĐMST Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó đáng lưu ý là, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, sức cạnh tranh của các sản phẩm ưu thế, chủ lực của tỉnh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (cà phê, hạt điều, mắc ca, hồ tiêu, rau quả…); hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng chế biến nông lâm thuỷ sản; đồng thời với phát triển du lịch sinh thái, kinh tế xanh…
Giai đoạn 2020-2024 ngành KH&CN đã triển khai thực hiện 41 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, hầu hết được thực hiện theo cơ chế đề xuất đặt hàng và có cam kết ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu sau khi nhiệm vụ KH&CN hoàn thành. Qua đó đã có một số nhiệm vụ đạt kết quả đáng khích lệ.
Công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2020-2023 tỉnh đã tổ chức lập hồ sơ xác lập quyền cho 10 sản phẩm địa phương, hiện nay 100% sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu. Hiện tỉnh Gia Lai có 1.516 nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó có 693 nhãn hiệu đã có văn bằng bảo hộ, 3 chỉ dẫn địa lý, 5 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích, 27 kiểu dáng công nghiệp…
Giám đốc Sở KH&CN Giai Lai cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST của tỉnh thời gian tới.
Đồng chí Trương Hải Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với tỉnh thời gian qua, đặc biệt thông qua Chương trình ký kết, huyện Kông Chro nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Đảng ủy Bộ KH&CN trong khai thác đề tài, đề án, công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Gia Lai là tỉnh gắn với nông nghiệp, do đó triển khai các nhiệm vụ, đề tài KH&CN của tỉnh từ ứng dụng, nghiên cứu, chuyển giao đều hướng tới hỗ trợ người dân trong vấn đề canh tác, trồng trọt, chế biến. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng đẩy mạnh hoạt động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Chủ tịch tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn ứng dụng KH&CN để tạo khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh đặc biệt đặt trong thời điểm biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn ra. Phó Chủ tịch nhấn mạnh một số nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh đề xuất Bộ hỗ trợ như: Nghiên cứu cơ sở khoa học phục hồi và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng khộp tại Gia Lai; Khai quật, nghiên cứu, tư vấn bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê trên địa bàn tỉnh; Triển khai các dự án, nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình KH&CN quốc gia, nhằm từng bước nâng cao năng lực và tiềm lực KH&CN địa phương, nhất là các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, những năm gần đây, vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 về Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Tại các văn bản quan trọng trên, các nội dung về KH,CN&ĐMST được xác định rất rõ nét, là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về KH,CN&ĐMST đã được hoàn thiện. Hiện nay, Bộ KH&CN cũng đang được Chính phủ giao lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN 2013 (sửa đổi); sửa đổi Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN, Nghị định về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, ĐMST… Để triển khai thực hiện tốt nội dung trên, Bộ KH&CN mong muốn tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn hạn chế, tồn tại trong hoạt động KH,CN&ĐMST tại địa phương, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST Gia Lai đã đạt được trong thời gian vừa qua. Để thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST, tạo nên những chuyển biến tích cực thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ngành KH&CN, tập trung một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục bám sát quan điểm và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nội hàm về phát triển KH,CN&ĐMST đã được nêu tại các văn bản của Đảng và Chính phủ; Tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động KH&CN đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt tỷ lệ đầu tư hơn 1,5%, tiệm cận dần đến 2% ngân sách nhà nước chi cho KH&CN trong tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn; bố trí cán bộ, đào tạo nhân lực và củng cố tổ chức bộ máy cho ngành KH&CN; Thực hiện đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN; Tập trung các nguồn lực đề triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu như nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; dược liệu; nông nghiệp thông minh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, hoạt động sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, ứng dụng chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Gia Lai, trên cơ sở ý kiến trao đổi của các đơn vị chức năng, Bộ KH&CN cơ bản nhất trí và giao cho các đơn vị liên quan của Bộ tham mưu, phối hợp triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng tặng quà lưu niệm cho tỉnh Gia Lai.
https://www.most.gov.vn/ (tnxmai)