Ảnh hưởng của độ cứng lên sự phát triển phôi và ấu trùng của cá mè trắng (Hypophthalmychthis molitrix)
Nghiên cứu này được thực hiện bởi các tác giả Tiền Hải Lý, Nguyễn Thị Kiều - Khoa Nông Nghiệp, Trường Đại Học Bạc Liêu nhằm xác định ảnh hưởng độ cứng của nước lên tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, tỷ lệ sống và tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá mè trắng.

Ảnh mịnh họa
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam xem cá là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người và là nguồn nguyên liệu cần thiết cho một số ngành công nghiệp chế biến thủy sản và một số sản phẩm từ cá được chiết xuất ra insulin, vitamin, … phục vụ cho phát triển y học. Cá có nguồn gốc từ các hồ và sông lớn ở Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam (Xie & Chen, 2001; Froese & Pauly, 2004; FAO, 2019). Theo Kottelat & Freyhof (2007), cá mè trắng là loài cá nước ngọt ăn lọc thực vật phù du, tăng trưởng nhanh. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá mè trắng được người dân nuôi ghép trong các mô hình lúa - cá, vườn - ao - chuồng (Nguyen, 2004). Gonzal & ctv. (1987) nghiên cứu ấp trứng cá mè trắng trong 19 giờ, ở 26,5°C với các mức độ cứng của nước là 100, 200, 300, 400, 500 & 600 mg CaCO3 /L thì cho rằng độ cứng của nước nên ở mức 300 - 500 mg CaCO3 /L để ấp trứng cá trắng thành công. Rach & ctv. (2010) nghiên cứu ở nước Mỹ, khi ấp trứng cá mè trắng thụ tinh trong năm mức độ cứng của nước (50, 100, 150, 200 & 250 mg CaCO3 /L) và hệ thống ấp nước chảy tuần hoàn cho rằng, tỷ lệ nở của trứng mè trắng bị hưởng bởi độ cứng của nước với tỷ lệ nở giao động từ 13,6 - 38,8% (cao nhất ở độ cứng của nước 50 mg CaCO3 /L và thấp nhất 250 mg CaCO3 /L). Ở Việt Nam chưa phát hiện các nghiên cứu về ảnh hưởng của độ cứng của nước đến sự phát triển phôi và ấu trùng của cá mè trắng.
Các tác giả nghiên cứu trên trứng cá và ấu trùng cá mè trắng đến giai đoạn tiêu hết noãn hoàng được thực hiện vào tháng 4 năm 2017, tại trại thực nghiệm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Bạc Liêu. Thí nghiệm ấp trứng cá mè trắng được thực hiện với 5 nghiệm thức (NT) có độ cứng của nước khác nhau, gồm: NT1 =70, NT2 = 100, NT3 = 130, NT4 = 160 & NT5 = 190 mg/L (tính theo CaCO3) với mỗi nghiệm thức được bố trí lặp lại 3 lần. Trứng cá sau khi thụ tinh nhân tạo và thì tiến hành bố trí ấp với mật số là 400 trứng/L. Trứng được ấp trong hệ thống tuần hoàn và nước được thay 100% thể tích trong 24 giờ. Các số liệu tỷ lệ phần trăm được chuyển sang arcsin để tính toán các giá trị trung bình, độ lệch chuẩn bằng phần mềm Excel và phân tích thống kê (One-way ANOVA với phép thử DUNCAN) nhằm tìm ra sự khác biệt giữa các nghiệm thức bằng phần mềm SPSS phiên bản 13.0 ở mức ý nghĩa α = 5%.
Kết quả thí nghiệm cho thấy trứng có tỷ lệ thụ tinh cao và tương đương nhau giữa các nghiệm thức (78,0 - 79,3%); Tỷ lệ nở của trứng cá nằm trong khoảng 41,0 - 54,0%, cao nhất ở nghiệm thức 70 mg CaCO3 /L (54,0%); Ở giai đoạn cá tiêu hết noãn hoàng thì tỷ lệ sống đạt kết quả tốt hơn khi ấp ở 70 mg/L so với các nghiệm thức còn lại (P < 0,05). Tỷ lệ dị hình của ấu trùng cá mè trắng cao từ 5,7 - 74,3%, thấp nhất ở nghiệm thức 70 mg CaCO3 /L (5,7%). Từ kết quả nghiên cứu này có thể cho rằng trứng cá mè trắng ấp phù hợp ở trong môi trường nước có độ cứng 70 mg CaCO3/L.
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển, số 6, năm 2021