Ứng dụng khoa học vào chính sách - một số vấn đề nổi bật
Thực tế cho thấy, giữa khoa học và chính sách còn khoảng cách khá lớn, đặc biệt là thua kém đáng kể so với quan hệ giữa khoa học và sản xuất. Bài viết này sẽ tìm hiểu những khó khăn trong gắn kết khoa học với chính sách và đề cập tới các thái độ phù hợp khi đòi hỏi khoa học tác động vào chính sách.
Điểm kết nối và điểm khác biệt
Một số điểm quan trọng mang tính kết nối giữa khoa học và chính sách, cụ thể như:
- Đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng chính sách (tầm cơ bản, tổng thể và dài hạn);
- Chính sách dựa trên khoa học để lý giải, giải quyết vấn đề nan giải và mang tính cơ bản;
- Chính sách dựa vào khoa học để tăng tính thuyết phục;
- Thông qua ứng dụng chính sách, khoa học được khẳng định về tính hữu ích và đúng đắn trên thực tế.
Bên cạnh những đặc điểm mang tính kết nối, cũng có các đặc điểm khác biệt tạo ra những khoảng cách nhất định giữa khoa học và chính sách, gồm:
- Tính chất hoạt động;
- Lợi ích nhằm tới;
- Tầm nhìn hướng tới;
- Chuyên môn.
Khả năng gắn kết khoa học và chính sách phụ thuộc vào mối quan hệ giữa đặc điểm kết nối và khác biệt tạo nên khoảng cách. Nói cách khác, gắn kết khoa học và chính sách hình thành trên cơ sở phát huy các điểm kết nối để lấn át các điểm khác biệt.
Thực tế có thể thấy, phạm vi gắn kết khoa học và chính sách là khá khiêm tốn và không thực sự rõ ràng. Khả năng gắn kết khoa học và chính sách cũng không ổn định, bởi phụ thuộc vào trạng thái tranh chấp trong các cặp quan hệ nêu trên.
Cơ chế kết nối giữa khoa học và chính sách
Trao đổi dựa trên quan hệ kinh tế gắn với thị trường vốn là dạng thức kết nối có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, đối với khoa học và chính sách, việc áp dụng dạng thức kết nối này gặp phải một số trở ngại cơ bản như sau:
Thứ nhất, kết quả của ứng dụng khoa học vào chính sách không thể hiện các giá trị kinh tế một cách cụ thể, trực tiếp và nhanh chóng nên thiếu cơ sở để phân chia lợi ích cho các bên tham gia.
Thứ hai, kết quả của ứng dụng khoa học vào chính sách không thể hiện các giá trị kinh tế một cách cụ thể và rõ rệt nên thiếu cơ sở xác định trách nhiệm, nghĩa vụ kinh tế của các bên tham gia.
Thứ ba, không thể xác định giá trị sản phẩm khoa học trên cơ sở cạnh tranh giữa các nhu cầu ứng dụng khoa học vào chính sách bởi trong hệ thống cơ quan làm chính sách không tồn tại các đơn vị độc lập, cạnh tranh với nhau về thu hút kết quả nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào tạo ra chính sách.
Những điều trên làm cho gắn kết khoa học với chính sách khó hơn gắn kết khoa học với sản xuất. Có thể ứng dụng cơ chế thị trường trong quan hệ khoa học và sản xuất là bởi bản thân hoạt động sản xuất vốn vận hành theo cơ chế thị trường; trái lại chính sách không vận hành theo cơ chế thị trường mà theo nguyên tắc hành chính nên quan hệ khoa học và chính sách mang nặng tính hành chính.
Tác động của khoa học phải gắn với yêu cầu của chính sách và thông qua người làm chính sách
Các yếu tố của chính sách đòi hỏi khoa học có nội dung nghiên cứu và chất lượng nghiên cứu phù hợp với vấn đề đặt ra và yêu cầu giải quyết trong những bối cảnh cụ thể của chính sách. Những lý luận khoa học và bài học kinh nghiệm trên thế giới được nghiên cứu bài bản, công phu và logic chặt chẽ nhưng có thể không phù hợp với vấn đề chính sách trong từng điều kiện không gian và thời gian nhất định.
Các kết quả nghiên cứu khoa học phải thuyết phục được người làm chính sách để họ trở thành những chủ thể chủ động, tự giác thúc đẩy việc triển khai áp dụng. Có những khó khăn trong chuyển hóa kết quả nghiên cứu khoa học thành các kiến thức đại chúng phù hợp với nhận thức của người làm chính sách như:
Một là, chuyển hóa tri thức khoa học thành kiến thức phục vụ xây dựng chính sách không chỉ là điều chỉnh ngôn từ, cách diễn đạt các nội dung khoa học đã có mà còn phải bổ sung thêm một số nội dung mới gần với chính sách.
Hai là, phương pháp tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học cũng được người làm chính sách quan tâm; tuy nhiên, có nhiều kết quả nghiên cứu ra đời bằng các phương pháp khá mới lạ ngay cả đối với giới khoa học và rất khó để người làm chính sách hiểu được.
Ba là, bên cạnh những thay đổi đủ lớn về nội dung và hình thức trong chuyển hóa khoa học gần với chính sách, cũng cần có thời gian đủ dài để thuyết phục người làm chính sách chấp nhận ứng
Chủ động mở rộng quan hệ gắn kết khoa học và chính sách
Chú ý đến các khó khăn trở ngại trong quan hệ giữa khoa học và chính sách không chỉ để loại bỏ những phạm vi không thể thực hiện trong điều kiện hiện tại, mà còn cho phép chủ động mở rộng quan hệ gắn kết tùy theo bối cảnh mới xuất hiện. Việc chủ động, sẵn sàng mở rộng quan hệ gắn kết khoa học và chính sách được xác định ở một số nội dung cụ thể:
Thứ nhất, tập trung vào giải quyết các khó khăn đã được nhận biết. Coi các khó khăn trong quan hệ khoa học và chính sách là đối tượng chinh phục để mở rộng quan hệ này.
Thứ hai, tranh thủ các điều kiện mới, có khả năng giải quyết các khó khăn còn tồn tại. Coi nhận biết bối cảnh mới, khả năng khai thác bối cảnh mới để tác động vào các khó khăn là điều kiện để mở rộng quan hệ gắn kết khoa học và chính sách.
Thứ ba, phạm vi và khía cạnh mở rộng gắn kết khoa học và chính sách được định hình bởi các tương tác khác nhau giữa các loại khó khăn đang tồn tại với các loại bối cảnh mới xuất hiện. Coi sự phong phú, đa dạng của các loại khó khăn và các loại bối cảnh mới là cơ hội mở rộng phạm vi, khía cạnh của quan hệ gắn kết khoa học chính sách.
Như vậy, có cái nhìn phù hợp về gắn kết khoa học và chính sách không phải chỉ là việc chấp nhận các giới hạn khuôn chặt trong những phạm vi nhất định ứng với các điều kiện đã hình thành ổn định, mà còn có thể mở rộng linh hoạt theo thay đổi của các bối cảnh có ảnh hưởng tích cực.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Số 5A, năm 2024)