Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: “đòn bẩy” của kinh tế tập thể
Cùng với các loại hình kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo việc làm cho người lao động, hiện thực hóa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, với nhiều cơ hội và không ít khó khăn. Trong bối cảnh này, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là “đòn bẩy” quan trọng để mọi thành phần kinh tế phát triển bền vững, đặc biệt là KTTT.
Khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế tập thể
KH,CN&ĐMST được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các HTX.
Nhiều chính sách, chương trình KH&CN đã ban hành và triển khai có sự hỗ trợ trực tiếp tới KTTT, HTX như: Chương trình Quốc gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030, nhằm tạo ra và đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới có đặc tính nông học ưu việt và giống thủy sản sạch bệnh; Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (thường gọi tắt là Chương trình nông thôn, miền núi) giai đoạn 2016-2025 (hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại và phù hợp với năng lực tiếp thu của người dân, phát huy được lợi thế so sánh từng vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn đối tượng được chuyển giao là các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp); Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung về xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp KH&CN để phát triển kinh tế, xã hội... Ngoài ra, các chương trình, đề án cấp quốc gia khác đều có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ KH&CN liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp.
Chỉ riêng đối với Chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn từ năm 2016 đến nay, đã có 28 dự án do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia, với tổng kinh phí thực hiện trên 200 tỷ đồng. Thông qua các dự án, đã có hàng trăm công nghệ mới, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được xây dựng và chuyển giao cho các HTX và các nông hộ; đào tạo và bồi dưỡng kiến thức mới cho hàng trăm cán bộ kỹ thuật của HTX, tập huấn cho hàng nghìn lượt người dân.
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đã hỗ trợ việc nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc thù của địa phương, vùng miền, sản phẩm làng nghề mang chỉ dẫn địa lý; xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN. Hai chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xanh theo hướng có kiểm soát nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững... Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), trong giai đoạn 2022-10/2023, Cục đã tiếp nhận 816 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp từ các tổ hợp tác, HTX và đã cấp 27 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Tại các địa phương, sản phẩm nông nghiệp của các HTX được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Năm 2023 đã có hơn 4.500 lượt cá nhân, tổ chức được các Sở KH&CN tư vấn, hướng dẫn trong đó có các nội dung về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế. Đến nay, đã có 42 tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hoạt động Techmart, kết nối cung cầu công nghệ cũng đã hình thành và đạt được một số thành quả, góp phần đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào KTTT, HTX. Các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ đã thực hiện việc chuyển giao hàng trăm công nghệ vào thực tiễn sản xuất, trong đó trung bình có khoảng 50% thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Hằng năm, Bộ KH&CN phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp như thực hành nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGap), thực hành nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; truy xuất nguồn gốc; cải tiến năng suất (áp dụng công cụ 5S - Kaizen); áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, tiêu chuẩn hữu cơ, 4C (Bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê), Rainforest (Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững đối với trang trại và nhà máy chế biến nông sản), UTZ (nông nghiệp bền vững), Fairtrade (thương mại công bằng); đào tạo nhận thức và kiến thức về nâng cao năng suất và chất lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường năng lực đánh giá đối với các sản phẩm hàng hóa.
Những vấn đề đặt ra và giải pháp đề xuất
Tuy đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng KTTT và HTX còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, hiện chỉ chiếm 9,37% tổng số HTX nông nghiệp. Năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các HTX còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng/miền. Cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều HTX nông nghiệp còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nông nghiệp. Đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao và chuyên sâu còn thiếu.
Về hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp, mặc dù số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ cấp cho các tổ hợp tác, HTX tăng đều trong những năm gần đây nhưng số lượng chưa nhiều. Tỷ lệ đơn và văn bằng của chủ đơn là các tổ hợp tác, HTX còn khiêm tốn. Các hoạt động kết nối, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến dành riêng cho các đối tượng là các tổ hợp tác, HTX chưa thực sự được chú trọng, chưa bám sát được nhu cầu thực tế cũng như thế mạnh của loại hình tổ chức kinh tế này. Trước thực trạng trên, cần có những giải pháp nhằm thúc đẩy, tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu vực KTTT và HTX. Cụ thể là:
Thứ nhất, tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển HTX, ưu tiên hỗ trợ các HTX nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất. Đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao về KH&CN cũng như quản trị công nghệ cho HTX.
Thứ hai, khuyến khích các HTX đề xuất các nhiệm vụ triển khai trong các Chương trình KH&CN quốc gia như: Chương trình nông thôn, miền núi; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa; các chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2030.
Thứ ba, tăng cường hoạt động liên kết trong nghiên cứu KH,CN&ĐMST giữa các HTX và các viện nghiên cứu, trường đại học để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước, tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các HTX.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN cho các HTX, nhất là các thị trường về mua bán bản quyền giống cây, con; đặt hàng của các HTX với các tổ chức KH&CN; mở rộng các hoạt động hội chợ, sàn giao dịch công nghệ, Techmart, kết nối cung cầu... để tạo điều kiện tốt nhất cho người sản xuất, người làm công tác KH&CN có cơ hội gặp gỡ để “liên kết cùng phát triển”. Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư viện điện tử KH&CN...
Thứ năm, tăng cường phối hợp trong tổ chức nghiên cứu triển khai giữa Bộ KH&CN với Liên minh HTX Việt Namvà các bộ ngành, địa phương có liên quan. Thúc đẩy ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh cho khu vực KTTT, HTX nhằm gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh tham gia bền vững vào chuỗi giá trị sản phẩm. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KH&CN cho các HTX. Xây dựng, nhân rộng, phổ biến các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh hiệu quả cho khu vực KTTT, HTX.
Thứ sáu, tăng cường nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và các công cụ nâng cao năng suất, như: VietGap, Global Gap, thực hành nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh, 5S - Kaizen, tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 22000, ISO 14000, tiêu chuẩn hữu cơ, 4C, Rainforest, UTZ, Fairtrade và tiêu chuẩn Halal để hướng dẫn và hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Số 5A, năm 2024)