SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số - những thách thức và cơ hội sự phát triển du lịch Việt Nam

[22/05/2024 09:21]

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong du lịch, chuyển đổi số là thay đổi cách đi du lịch, cách làm du lịch, cách kinh doanh du lịch, cách quản lý du lịch nhờ dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số trong du lịch để phát triển du lịch số, du lịch thông minh là nội dung luôn được ngành du lịch Việt Nam nhấn mạnh và tập trung thực hiện những năm qua. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch ở nước ta còn manh mún, thiếu đồng bộ nên chưa có sự liên kết dữ liệu để tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng.

Du lịch là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh chóng nhất trên thế giới. Du lịch cũng là một ngành công nghiệp có doanh thu ngoại hối rất lớn mà không cần xuất khẩu của cải, hàng hóa của các quốc gia. Theo các sáng kiến chuyển đổi số trên Diễn đàn kinh tế thế giới, chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025 [1]. Chuyển đổi số sẽ cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngành nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ DU LỊCH VIỆT NAM

Cơ hội

Hạ tầng công nghệ số và viễn thông của Việt Nam đã phát triển tương đương với trình độ chung của thế giới. Theo thống kê của WeAreSocial (wearesocial.com) năm 2018, toàn thế giới có 4,02 tỷ người dùng Internet (chiếm 53%), gần 3,2 tỷ người dùng mạng xã hội, hơn 5,1 tỷ người dùng điện thoại di động (chiếm 68%) trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh có kết nối và sử dụng Internet. Ở Việt Nam với gần 100 triệu dân thì có đến 64 triệu người sử dụng Internet (chiếm 67% dân số), 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57%), hơn 70 triệu người dùng điện thoại di động (chiếm 73%). Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng Internet và thiết bị thông minh trên thế giới và ở Việt Nam là rất lớn. Đây là tiền đề lớn để Việt Nam phát triển du lịch thông minh.

Trong những năm qua, chuyển đổi số trong du lịch đã có bước phát triển vượt bậc và đạt được những kết quả tích cực, rất đáng khích lệ. Hạ tầng du lịch được quan tâm, đầu tư; loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch phong phú và đa dạng, chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong con mắt cộng đồng quốc tế, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng những giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới.

Thách thức

Tư duy, nhận thức đối với xu hướng phát triển tất yếu của du lịch thông minh, chuyển đổi số du lịch chưa cao.

Chưa có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ trên nền tảng số giữa các chủ thể liên quan trong ngành du lịch.

Phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ có nguồn lực hạn chế. Trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch chính như: Lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch, ăn uống, giải trí, mua sắm,… thì khả năng tiếp cận công nghệ, phát triển du lịch thông minh chủ yếu ở một số phân nhánh như lữ hành quốc tế, vận tải hàng không, cơ sở lưu trú cao cấp. Trong đó, cũng chỉ có các doanh nghiệp hàng đầu, có tiềm lực mới có khả năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiếp cận du lịch thông minh. Nguyên nhân chính do đặc điểm doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là doanh ng[1]hiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao; doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao) chiếm số lượng lớn, đối tượng khách phục vụ chủ yếu là khách nội địa, nhu cầu khách sử dụng các dịch vụ thông minh, trực tuyến không lớn nên khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp.

Kiến thức, trình độ, kỹ năng của đội ngũ nhân lực du lịch về du lịch thông minh, công nghệ thông tin còn hạn chế, là yếu tố cản trở sự tiếp cận và phát triển du lịch thông minh

Nhiều sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn; chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến chưa đáp ứng yêu cầu. Du lịch thông minh đang là xu thế mới, chưa hình thành và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, chưa có địa phương nào xây dựng thành công để làm mô hình học hỏi cho các địa phương khác.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ DU LỊCH VIỆT NAM

1. Phát triển nền tảng du lịch số kết nối tới các kênh bán hàng trực tuyến

Các trang web của OTAs thường là điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi nghiên cứu kế hoạch du lịch.

Các trang web này cung cấp giá trị cho du khách ở tất cả các giai đoạn của quá trình quyết định: lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin, đánh giá các lựa chọn thay thế, quyết định mua hàng và phản hồi, đánh giá trải nghiệm.

Lợi ích của các khách sạn và doanh nghiệp du lịch khi đẩy sản phẩm lên các kênh bán hàng trực tuyến là khá lớn như: Cho phép khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường mới; cho phép đi sâu hơn vào phân khúc và hướng tới mục tiêu các thị trường nhất định với các ưu đãi cụ thể; kiểm soát lượng hàng tồn kho cần cung cấp trên mỗi kênh và phân phối trên nhiều kênh; là kênh tiếp thị, quảng cáo hiệu quả; thương hiệu được biết đến và được khách hàng tin cậy, việc hiển thị trên nền tảng OTA quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho các khách sạn, doanh nghiệp du lịch sự công nhận thương hiệu toàn cầu.

Thông thường, các khách sạn, du lịch muốn kết nối tới các OTA thường làm việc trực tiếp và kết nối, đẩy sản phẩm trực tiếp. Việc này tốn khá nhiều thời gian và khó tiếp cận với các OTA nước ngoài. Nền tảng số này sẽ giúp kết nối các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam với các nhà phân phối (OTA - đại lý du lịch trực tuyến) và trung gian (sàn giao dịch du lịch trực tuyến) để tạo ra các gói du lịch hấp dẫn cho từng phân khúc khách du lịch.

2. Phát triển nền tảng thu thập, phân tích dữ liệu du lịch

Theo kinh nghiệm thế giới, đa số cơ quan quản lý du lịch các nước đứng ra thiết lập, phát triển, quản trị nền tảng phân tích dữ liệu du lịch.

Nền tảng số này thu thập dữ liệu du lịch từ nhiều nguồn khác nhau: Cơ quan quản lý du lịch trung ương, địa phương và các cơ quan trong chính phủ có dữ liệu liên quan về du lịch - doanh nghiệp ngành du lịch - OTA - cơ sở lưu trú, … Nền tảng số này sẽ phân tích các dữ liệu hữu ích như: Thời gian lưu trú, xu hướng du lịch, mô hình chi tiêu, phân khúc du lịch, những điều thu hút khách du lịch,…

Dữ liệu tổng hợp và phân tích này sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý du lịch một bức tranh toàn cảnh hơn về ngành du lịch, những chính sách cần điều chỉnh, bổ sung, mức độ phát triển của thị trường du lịch trong nước. Dữ liệu này cũng phục vụ cho các doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và ưu đãi của họ cho khách du lịch; đồng thời tạo ra một thị trường bình đẳng hơn bằng cách cho phép những doanh nghiệp nhỏ, hạn chế năng lực nắm được các thông tin quan trọng về thị trường. Các công ty du lịch có thể sử dụng dữ liệu từ nền tảng này để lập kế hoạch phục vụ kinh doanh, hướng tới nhóm đối tượng khách hàng phù hợp.

Trong nền kinh tế số, thì dữ liệu cũng là một nguồn vốn có giá trị không kém các loại tài sản hữu hình khác. Ngành du lịch có khối lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ rất nhiều nguồn về hành vi, thói quen, xu hướng, trải nghiệm du lịch và các đánh giá của du khách. Và vì vậy, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, mở dữ liệu là cách tốt nhất để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

3. Phát triển Cổng thông tin du lịch quốc gia trên cơ sở tích hợp thông tin sản phẩm du lịch của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch

Đây là một trang web trực quan, giới thiệu các điểm đến của đất nước, chia sẻ những hoạt động diễn ra trên khắp đất nước và cung cấp thông tin thực tế về cách thực hiện chúng; cung cấp cho khách du lịch những ý tưởng về kỳ nghỉ; giới thiệu các chiến dịch và thông tin điểm đến được phát triển theo chuyên đề, chủ đề xoay quanh các hoạt động phổ biến và các loại hình nghỉ ngơi.

Website này cập nhật thông tin theo thời gian thực, được kết nối với các website của cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch, website du lịch địa phương… và lấy thông tin từ các website đó.

Cổng du lịch quốc gia là “cửa ngõ”, là bộ mặt thông tin về du lịch của đất nước cho du khách. Cổng du lịch quốc gia giúp thu hút du khách ngay từ bước hình thành ý tưởng. Do đó, Cổng du lịch quốc gia cần được thiết kế “động”, thông tin theo thời gian thực

4.  Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành du lịch chuyển đổi số

Xây dựng, ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số du lịch áp dụng cho các doanh nghiệp. Chỉ số này đánh giá tình trạng chuyển đổi số hiện tại của doanh nghiệp dựa trên các trụ cột: lãnh đạo và tổ chức, quy trình và hoạt động, khách hàng, đổi mới, công nghệ và dữ liệu. Đây là bộ chỉ số trực tuyến. Doanh nghiệp muốn tham gia đánh giá sẽ phải đăng ký trên hệ thống, nhập thông tin, hệ thống tự động đánh giá và chấm điểm. Tất cả đều thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống đánh giá

Về phía cơ quan quản lý du lịch, trên cơ sở chấm điểm tự động, cơ quan nhà nước tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đây là bước đầu tiên quan trọng cho phép cơ quan quản lý du lịch xác định các hành động/ trụ cột cần hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan.

Cơ quan quản lý du lịch xây dựng các giai đoạn trưởng thành của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp và danh sách các nền tảng số để khuyến nghị các doanh nghiệp sử dụng phù hợp với mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Chính phủ có trách nhiệm thúc đẩy sử dụng các nền tảng số (truyền thông, đào tạo, thí điểm, hỗ trợ công nghệ cơ bản như miễn phí tạo website cho doanh nghiệp,…).

5. Đào tạo kỹ năng số cho người dân

Khi người dân địa phương được trao quyền bằng cách đào tạo kỹ năng số sẽ mở ra cơ hội đầu tư rộng rãi từ các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến và cung cấp sự thuận tiện cho khách du lịch. Mặt khác, người dân địa phương cần phải được trao quyền kỹ thuật số vì họ là những người sẽ tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch và họ đóng vai trò chính trong việc tạo ra những điều đáng nhớ và trải nghiệm phong phú cho khách du lịch, đồng thời họ cũng là người tạo ra giá trị và cộng tác viên trong quảng bá hình ảnh quê hương mình như một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Trong xã hội ngày nay khi khoa học công nghệ phát triển vượt trội, con người dần quen thuộc với những trang thiết bị hiện đại và tiếp cận gần hơn với nền công nghệ của nhân loại thì vấn đề ứng dụng công nghệ số trong phục hồi và phát triển du lịch là một yêu cầu cấp thiết của nước ta, đặc biệt trong tình hình nền kinh tế đang phục hồi như hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp du lịch và khách hàng tiếp cận nền khoa học công nghệ hiện đại của nhân loại trong cuộc sống, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp đến khách du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế phát triển ngành du lịch theo xu hướng mới của toàn thế giới.

Ngày nay khi xã hội ngày càng tiến dần đến kỷ nguyên công nghệ số, thời đại 4.0, robot dần thay thế hoạt động của con người trong một số lĩnh vực, ngành nghề. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp du lịch ngày càng đổi mới phương thức kinh doanh và ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào công việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng vị thế cạnh tranh của ngành du lịch trong tương lai.

Để làm được điều đó ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung phải đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng thành tựu công nghệ số vào phát triển du lịch là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

tapchikhcn.saodo.edu.vn - số 3(82) năm 2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ