Đánh giá tác dụng giảm đau của cao đặc chiết xuất từ bìm bịp, ngũ trảo, thanh táo và lá lốt trên thực nghiệm
Kết quả của việc nghiên cứu tác dụng giảm đau của cao đặc chiết xuất từ bìm bịp, ngũ trảo, thanh táo và lá lốt (cao BNTL) trên thực nghiệm động vật sẽ bước đầu cung cấp cơ sở khoa học làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về tác dụng của bài thuốc có nguồn gốc tự nhiên được dùng tại chỗ.
Cao BNTL được chiết xuất từ hỗn hợp các dược liệu bìm bịp (Clinacanthus nutans (Burm. f.) Lindau,, ngũ trảo (Vitex negundo L., thanh táo (Justicia gendarussa L.) và lá lốt (Piper lolot L.). Cao BNTL có nguồn gốc từ bài thuốc dân gian, một bài thuốc được người dân sử dụng nhiều để đắp ngoài nhằm điều trị bong gân, viêm khớp, giúp giảm đau, kháng viêm. Trong các bệnh lý cơ xương khớp, triệu chứng viêm và đau thường đi cùng với nhau. Bìm bịp đã được chứng minh có tác dụng kháng viêm, làm lành vết thương; ngũ trảo, thanh táo, lá lốt có tác dụng kháng viêm, giảm đau.
Định tính sơ bộ các hợp chất hữu cơ có trong cao BNTL đã xác định được các nhóm hợp chất như: tinh dầu, saponin, coumarin, flavonoid, tannin, polyphenol. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh: bìm bịp chứa các flavonoid (vitexin, orientin) và các polyphenol (clinacosid A, clinacosid B) có tác dụng kháng viêm; ngũ trảo có tinh dầu (sabinen, viridiflorol) và flavonoid (casticin, vitexicarpin) giúp kháng viêm, giảm đau; flavonoid (aromadendrin) của thanh táo và tinh dầu (benzyl benzoat, benzyl alcohol) trong lá lốt cũng có tác dụng kháng viêm, giảm đau. Các hợp chất trên tan tốt trong dung môi ethanol. Tóm lại, sử dụng ethanol 70% là phù hợp để chiết được các thành phần hợp chất tự nhiên có hoạt tính kháng viêm, giảm đau trong các dược liệu nêu trên.
Cao BNTL xuất phát từ bài thuốc dân gian. Nhân dân thường hái 4 dược liệu trên, giã nát và đắp ngoài nhằm điều trị bong gân, viêm khớp, giúp giảm đau, kháng viêm. Vì vậy, nhóm tác giả nghiên cứu tác dụng giảm đau của cao BNTL theo đường dùng thuốc tại chỗ như nhân dân vẫn thường sử dụng. Tác dụng giảm đau của cao BNTL được đánh giá trên các mô hình gây đau với 2 tác nhân khác nhau: tác nhân nhiệt độ và tác nhân cơ học. Đối với phương pháp tác nhân nhiệt độ, cao BNTL được bôi 30 phút trước khi đo phản ứng đau cũng không cho thấy sự kéo dài thời gian xuất hiện phản ứng có ý nghĩa thống kê so với lô chứng sinh học, chứng tỏ cao BNTL không có tác dụng giảm đau trung ương.
Trong mô hình gây đau cơ học, cao BNTL làm kéo dài thời gian phản ứng đau và tăng mức chịu lực gây đau so với lô chứng sinh học (p<0,05). Điều này cho thấy, cao BNTL có tác dụng giảm đau đối với các tổn thương do các tác nhân cơ học gây ra. Bìm bịp đã được chứng minh có tác dụng kháng viêm, làm lành vết thương; ngũ trảo, thanh táo, lá lốt có tác dụng kháng viêm, giảm đau. Việc kết hợp các dược liệu này cũng thể hiện tác dụng giảm đau do tác nhân cơ học trên thực nghiệm. Tuy nhiên, các cơn đau do một tác nhân bên ngoài tạo ra có thể tạo ra phản xạ và phản ứng có ý thức nhằm bảo vệ cơ thể khỏi những tác hại có thể xảy ra. Khi đau các dây thần kinh phản ứng với các kích thích và truyền thông tin qua các sợi hướng tâm đến thần kinh trung ương. Tủy sống có liên quan nhiều đến quá trình tích hợp, điều chỉnh và chuyển tiếp cơn đau. Các xung động gây đau đi lên tủy sống đến các trung tâm xử lý của não. Các con đường chủ yếu để dẫn truyền cơn đau là đường trong vùng đồi thị. Thông qua các tác dụng dược lý của thuốc có thể thay đổi các cơn đau bằng cách giảm truyền tín hiệu đau đến não hoặc bằng cách tăng tín hiệu ức chế protein kinase C từ thần kinh trung ương. Vì vậy, cần tiến hành thêm các nghiên cứu khác để chứng minh cơ chế giảm đau của cao BNTL.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cao đặc chiết xuất từ BNTL dùng tại chỗ với liều 0,2 g thể hiện tác dụng giảm đau trên mô hình thực nghiệm gây đau cơ học, nhưng không thể hiện tác dụng giảm đau trung ương trên thực nghiệm.
Nghiên cứu mới chỉ bước đầu khảo sát tác dụng giảm đau của cao BNTL với tỷ lệ 4 dược liệu là 1:1:1:1, chiết xuất bằng ethanol 70% và đường dùng thuốc tại chỗ; cũng như chỉ xây dựng sơ bộ một số tiêu chuẩn giúp kiểm nghiệm cao BNTL. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng giảm đau do tác nhân cơ học của cao BNTL trên mô hình động vật. Để định hướng phát triển sản phẩm có hoạt tính giảm đau, kháng viêm từ dược liệu, cần xây dựng thêm các tiêu chuẩn định tính, định lượng để kiểm nghiệm và tiêu chuẩn hoá cao BNTL. Đồng thời, cần có thêm những nghiên cứu với việc sử dụng các dược liệu trên với các tỷ lệ khác nhau, các phương pháp chiết xuất khác, đường dùng thuốc khác để có thể đánh giá toàn diện hơn về tác dụng dược lý.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam Tâp 66, Số 5, tháng 5 năm 2024.