Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm
Ngày 26/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức cá nhân có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Theo Nghị định này
thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến
thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ
thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà
nước có thẩm quyền trước khi lưu thông ra thị trường.
Việc cấp Giấy chứng
nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện đối với từng cơ sở sản
xuất kinh doanh; từng nhà máy sản xuất độc lập tại một địa điểm trừ các trường
hợp sau: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; bán hàng rong;
kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo
quy định.
Các loại thực phẩm,
nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm... khi nhập khẩu vào
Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, có 6 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối
với thực phẩm nhập khẩu: Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá
nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; Thực phẩm trong túi ngoại giao,
túi lãnh sự; Thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu; Thực phẩm gửi kho ngoại quan;
Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu; Thực phẩm là mẫu trưng bày hội
chợ, triển lãm.
Cũng theo Nghị định
này hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi "Hạn sử dụng," hoặc
"Sử dụng đến ngày" đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung,
thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi
chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng
an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi "Sử dụng tốt nhất trước
ngày" phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.
Đối với thực phẩm ghi
"Hạn sử dụng" hoặc "Sử dụng đến ngày" thì không được phép
bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này. Đối với thực phẩm ghi "Sử dụng
tốt nhất trước ngày" thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán ra
trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ
quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hai
hình thức "Hạn sử dụng", hoặc "Sử dụng đến ngày". Chỉ nhà
sản xuất thực phẩm mới được kéo dài hạn sử dụng cho thực phẩm của mình và hạn
sử dụng kéo dài tối đa chỉ bằng hạn sử dụng đã quy định lần đầu tiên.
Các thực phẩm bao gói
sẵn phải bắt buộc ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn thực phẩm.
Tùy từng loại thực phẩm bao gói sẵn, ngoài các quy định trên, nội dung bắt buộc
ghi nhãn còn phải đáp ứng một số quy định như: Thông tin trên nhãn phải đúng
bản chất sản phẩm, trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người
sử dụng. Tên sản phẩm phải là cỡ chữ lớn nhất, rõ nhất và tối thiểu gấp ba lần
cỡ chữ khác trên nhãn....
Đối với thực phẩm dinh
dưỡng y học, thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất, chất vi lượng không nhằm
phổ cập cộng đồng như thức ăn công thức dành cho bà mẹ mang thai, trẻ em dưới
36 tháng tuổi và thức ăn qua ống thông cho người bệnh phải công bố mức đáp ứng
so với nhu cầu dinh dưỡng, liều lượng sử dụng của từng đối tượng và hướng dẫn
của bác sỹ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/6/2012./.