SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhựa màu sắc sặc sỡ phân hủy nhanh hơn, gây hại cho môi trường và sức khỏe

[30/05/2024 15:39]

Các sản phẩm nhựa có cùng thành phần nhưng phân hủy với tốc độ khác nhau tùy thuộc vào màu sắc.

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng các loại nhựa có màu sắc sặc sỡ như đỏ, xanh lam và xanh lục phân hủy thành các hạt vi nhựa nhanh hơn nhiều so với nhựa màu nhạt hoặc không màu. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Leicester đã phát hiện ra rằng trong vòng ba năm, nhựa có màu đỏ, xanh lam và xanh lục dần phân rã thành từng mảnh nhỏ. Trong khi đó, những mẫu vật nhựa có màu đen, trắng và bạc ít bị phân hủy hơn. Những hạt vi nhựa này có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ đại dương đến cơ thể con người. Các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong tinh hoàn người, gây lo ngại về khả năng suy giảm số lượng tinh trùng ở nam giới.

Những hạt vi nhựa này có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ đại dương đến cơ thể con người. Ảnh: ITN

Nguyên nhân và tác động

Các nhà khoa học tại Vương quốc Anh và Đại học Cape Town ở Nam Phi đã tiến hành một số nghiên cứu bổ sung để chứng minh các sản phẩm nhựa có cùng thành phần nhưng phân hủy với tốc độ khác nhau tùy thuộc vào màu sắc.

Tiến sĩ Sarah Key, người đứng đầu dự án, cho biết: "Thật bất ngờ khi các mẫu vật nhựa đặt trên nóc trường đại học Leicester và mẫu vật được thu thập trên bãi biển lộng gió ở Nam Phi đều cho ra kết quả tương đồng. Hai thí nghiệm này phát hiện dưới điều kiện môi trường thông thoáng trong 3 năm, nhựa có màu sắc khác nhau sẽ cho thấy những khác biệt về tốc độ phân hủy”.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các chất tạo màu trắng, đen và bạc giúp bảo vệ nhựa khỏi tác động của bức xạ tia cực tím, trong khi các màu sắc khác thì không. Tác hại của tia cực tím làm thay đổi cấu trúc polymer bên trong nhựa, khiến nó trở nên giòn và dễ vỡ hơn.

Adam Herriott, chuyên gia cấp cao về nhựa tại quỹ từ thiện chống rác thải Warp, cho biết: "Mặc dù nhựa có màu thường được sử dụng để khiến các sản phẩm nổi bật hơn trong cửa hàng, nhưng các nhà sản xuất nên tránh sử dụng chúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái chế nhựa”.

Herriott giải thích rằng việc trộn lẫn nhựa màu khác nhau trong quá trình tái chế sẽ tạo ra sản phẩm nhựa có màu xám hoặc xanh lục kém hấp dẫn. Ông khuyến nghị nên tránh sử dụng nhựa màu sáng trong đồ đóng gói thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm dễ bị vứt bừa bãi như túi đựng snack hay nắp chai.

Hành động cần thiết

Nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí về ô nhiễm môi trường và là minh chứng đầu tiên cho hiện tượng nhựa phân hủy nhanh hơn do màu sắc sặc sỡ. Do vậy, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nhựa cần lưu ý hơn về màu sắc của đồ nhựa trong quá trình tạo ra sản phẩm.

Tiến sĩ Sarah Key kết luận: "Các nhà sản xuất nên cân nhắc cả khả năng tái chế cũng như việc nhựa có thể bị vứt ở những nơi không đúng quy định khi thiết kế sản phẩm và đồ đóng gói bằng nhựa. Đối với những vật dụng để ngoài trời hay tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như bàn ghế bằng nhựa thì cần tránh sử dụng nhựa màu đỏ, xanh lam và xanh lục để bảo quản chúng lâu nhất có thể”.

Việc nghiên cứu và hiểu rõ hơn về tác động của màu sắc nhựa đối với quá trình phân hủy và môi trường là rất cần thiết. Những phát hiện này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và các nhà sản xuất về sự cần thiết của việc sử dụng nhựa một cách có trách nhiệm và bền vững.

moitruongvadothi.vn (tnxmai)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài