Hội nghị triển khai Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020
Ngày 12/06/2012, Bộ Y tế phối hợp cùng Ngân hàng thế giới đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Tham dự Hội thảo có sự tham gia của
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải,
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn
Nhân, bà Kari Hurt - Trưởng bộ phận Ban phát triển con người của Ngân hàng Thế
giới (WB) tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan ban ngành có liên quan.
Theo thống kê của Bộ Y tế, lượng chất thải
rắn y tế phát sinh hiện nay khoảng 140 tấn/ngày, trong đó, có 47 tấn là chất
thải y tế nguy hại, 125.000 m3 nước thải/ngày, đêm cần phải xử lý
theo quy định...
Các báo cáo tại hội nghị đã cho thấy tỷ lệ
bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn thông qua lò đốt là gần 70%; hệ thống
xử lý nước thải đạt khoảng 53,4%, trong đó tuyến Trung ương là 73,5%, tuyến
tỉnh là 59,7% và tuyến huyện là 44,6%.
Mặc dù đã có khoảng 95,6% bệnh viện đã thực
hiện phân loại và 90,9% bệnh viện đã thu gom hàng ngày, tuy nhiên việc phân
loại và thu gom vẫn còn chưa được thực hiện đúng quy định. Tình trạng quá tải
bệnh viện và sự xuống cấp của các hệ thống xử lý chất thải y tế nên nhiều cơ sở
y tế cần được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải cho phù hợp với quy mô phát
triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Liêm,
hiện Bộ đang triển khai Dự án xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện tuyến
trung ương và các tỉnh, thành phố với tổng giá trị là 155 triệu USD và Dự án xử
lý chất thải y tế hữu cơ với giá trị 7 triệu USD. Đồng thời, Đề án tổng thể xử
lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 cũng đang được
Bộ triển khai hướng tới mục tiêu chung của Đề án là xử lý các yếu tố nguy hại
đến sức khỏe con người và môi trường của chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế
để bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng. Trong thời
gian tới, việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại sẽ ưu tiên lựa chọn công nghệ
tiên tiến, thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm môi trường thứ phát,
phù hợp với điều kiện kinh phí, khả năng vận hành… Mô hình xử lý tập
trung các chất thải rắn y tế nguy hại sẽ được cân nhắc áp dụng tại các
thành phố, khu đô thị lớn.