SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bỏ ngỏ kiểm định chất lượng nhân lực ngành y?

[19/06/2012 07:27]

Số lượng sinh viên tuyển sinh ngành y hàng năm đều tăng mạnh, nhưng chất lượng y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh ngành y tế năm 2012 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.

Chỉ tiêu tăng vọt

Nhận định của Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế cho thấy, có bất cập hiện nay là tình trạng chiêu sinh và đào tạo diễn ra tràn lan ở cả 3 cấp đại học, cao đẳng, trung cấp y, dược trên cả nước.

Điều đáng nói là bằng cấp của cả 3 cấp đào tạo đó khi sinh viên ra trường vẫn chưa được Bộ Y tế kiểm định chất lượng một cách đầy đủ và chính xác.

Ông Trần Đức Thuận - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế, cho rằng những năm gần đây, số sinh viên học đại học y, dược trong cả nước năm sau vẫn cao hơn năm trước. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 tăng gấp 4 lần năm 2003, gấp 2 lần năm 2007.

"Trong năm 2012, chỉ tiêu đào tạo đại học y, dược sẽ tiếp tục tăng; đặc biệt chỉ tiêu đào tạo chuyên khoa cấp I, II tăng, nhưng tăng hợp lý", ông Thuận cho biết.

Mặc dù y tế là lĩnh vực đặc thù, nhưng việc tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng vẫn chỉ được thực hiện đơn thuần như các ngành học khác. Hầu hết các trường đào tạo trên cả nước đều báo cáo số lượng là chính.

Tại Đại học Y Dược Thái Nguyên, chỉ tiêu năm 2012 là 630 nhưng có đến 12.653 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Tương tự, Đại học Y Hà Nội năm nay cũng có chỉ tiêu tuyển 1.000 sinh viên trong tổng số 14.500 hồ sơ. Đại học Y Dược TP. HCM, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 1.660.

Các trường Đại học Y Dược Huế, Hải Phòng, Thái Bình... chỉ tiêu tuyển sinh năm nay đều cao hơn so với các năm trước.

Ngoài chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy tăng, Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế cũng cho biết, các hệ khác như đào tạo liên thông, đào tạo sau đại học cũng tăng theo.

Đặc biệt, năm nay nhiều trường mở thêm chuyên khoa mới như y tế công cộng, y tế dự phòng, tâm thần; có cả trường dân lập cũng tham gia đào tạo bác sĩ đa khoa, dược sĩ, bác sĩ y tế dự phòng… Với việc mở thêm các chuyên khoa đó, số sinh viên tuyển thêm còn tiếp tục cao hơn.

Một báo cáo mới đây của Bộ Y tế cũng cho thấy, mỗi năm nước ta đào tạo 6.700 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế ở trình độ sau đại học.

Tuy nhiên, theo tính toán, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường có gấp 2 lần hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế theo dự kiến.

Vẫn để ngỏ kiểm định chất lượng

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tượng một số trường đào tạo nhân lực ngành y, dược hiện nay gia tăng chỉ tiêu, ngành học là chỉ chạy theo lợi nhuận, chạy theo tâm lý thí sinh để tuyển sinh những lĩnh vực "hot". Trong khi đó, có những mảng công việc hiện tại rất thiếu nhân lực bác sĩ, thì các trường lại không đào tạo.

Ông Vũ Đình Chính - Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, nhận định hiện Bộ Y tế cũng chưa kiểm định được chất lượng giáo dục ngành y dược. Chúng ta đang thiếu nguồn lực y tế có chất lượng. Bộ cần phải cơ cấu lại các trường đại học, cao đẳng; cơ cấu lại các loại hình y tế.

Cùng quan điểm như ông Vũ Đình Chính, GS Phạm Minh Đức - Hiệu trưởng Đại học Thăng Long, cho rằng: "Nếu như trước đây, một bác sĩ nội trú có thể làm được mọi việc, kể cả làm thay hộ lý, vì họ 24/24 giờ ở tại bệnh viện, còn nay gọi là bác sĩ ngoại trú thì đúng hơn vì hầu hết bệnh viện không bố trí cho họ chỗ ở. Như thế, rất ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiêu chí đào tạo của bác sĩ nội trú".

Cũng theo GS Đức, vấn đề đào tạo cán bộ y tế hệ cử tuyển cũng đáng báo động. Nên cho phép loại bớt những học sinh quá yếu kém bằng cách quy định điểm sàn đầu vào.

Trước những bất cập nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tới đây bộ sẽ rà soát, kiểm tra lại năng lực của các trường để siết chặt công tác đào tạo. Ông Tiến không đồng ý với loại bớt học sinh năng lực yếu kém bằng quy định điểm sàn đầu vào.

Để khắc phục điều đó, theo ông Tiến, các trường xem xét lại năng lực của các em để phù hợp từng ngành, nghề tuyển sinh; nếu học sinh nào học kém thì nên tư vấn cho các em theo học ngành ít nguy hiểm.

http://vietq.vn/chat-luong (nnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài