Các chuyên gia Hàn Quốc bàn giải pháp để phát triển sâm Việt Nam
Xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao cần có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy. Từ đó, tạo tiền đề cho nghiên cứu và phát triển sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.
Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo "Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm" do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tổ chức ngày 27/6/2024 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Toàn cảnh Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã đầu tư, quan tâm tới sâm Việt Nam, thể hiện qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, xây dựng các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, hỗ trợ kiểm chứng chất lượng sâm, cũng như hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng sâm, chống hàng giả, hàng nhái, đưa sâm Việt Nam vào danh mục sảm phẩm quốc gia ưu tiên nghiên cứu phát triển…
Những năm gần đây, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hàn Quốc, VKIST bước đầu thành công trong chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là hướng đến công nghệ chiết xuất dược liệu với hàm lượng cao. Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng thông qua Hội thảo, VKIST sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam, các địa phương với các nhà khoa học, viện nghiên cứu để đưa những công nghệ tốt nhất, bài học hữu ích nhất của sâm Hàn Quốc đến với sâm Việt Nam. Thông qua đó, tạo ra các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác sản xuất giữa Hàn Quốc và Việt Nam về sâm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, sâm Việt Nam là loài đặc hữu, một dược liệu quý hiếm của đất nước đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Đây là một thuận lợi lớn cho việc phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con người và những sản phẩm từ sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại trị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng dược lý tốt và không kém so với các loài sâm quý khác trên thế giới.
PGS.TS Vũ Đức Lợi cho biết, việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm đã được thực hiện và đưa vào dược điển các nước, trong đó có dược điển Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ đòi hỏi việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm cũng phải thay đổi để kiểm soát hàm lượng hoạt chất, tăng độ chính xác. "Muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy", ông Vũ Đức Lợi nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST phát biểu tại Hội thảo.
TS Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, cần thành lập Hiệp hội sâm Việt Nam ở quy mô quốc gia, đây sẽ là đơn vị đề xuất với bộ/ngành và Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sâm và các sản phẩm từ sâm, từ đó sẽ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia về sâm Việt Nam.
TS Nguyễn Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Viện VKIST chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.
Bà Pyo Mi Kyung, Viện nghiên cứu Nhân sâm Geumsan, Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc có riêng Luật Công nghiệp nhân sâm, trong đó quy định tiêu chuẩn sản xuất nhân sâm, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn và quy cách sản phẩm, thực phẩm chức năng từ sâm…
Ngoài những quy định trong luật, còn có tiêu chuẩn địa phương, như vùng Geumsan đưa ra tiêu chuẩn riêng, chi tiết, chất lượng cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia.
Bà Pyo Mi Kyung thông tin chi tiết về tiêu chuẩn kiểm tra và chất lượng sản phẩm sâm Hàn Quốc.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp sâm của Hàn Quốc, GS Park Jeong Hill, Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc cho biết, tại Hàn Quốc có nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về nhân sâm (Korean Society of Ginseng - KSG), với khoảng 1.200 thành viên. KSG hỗ trợ 20-30 dự án nghiên cứu mỗi năm, tổng cộng 1-1,5 triệu USD/năm. Hằng năm, có hơn 600 công bố về nhân sâm Hàn Quốc được xuất bản. Trong đó, mỗi năm có khoảng 10 công bố về sâm Việt Nam, chiếm 2% so với sâm Hàn Quốc.
GS Jeong Hill Park, Đại học quốc gia Seoul chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm sâm.
GS. Park Jeong Hill khuyến nghị Việt Nam cần phát triển phương pháp trồng trọt chuẩn, bởi hiện nay phương pháp canh tác sâm Việt Nam chưa phát triển tốt, năng suất trên một đơn vị diện tích, số lượng trang trại và diện tích canh tác nhỏ.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, TS Lê Quang Thảo, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay vấn đề chất lượng sâm của Việt Nam rất đáng quan tâm. Giá sâm Ngọc Linh hiện nay khoảng 200-300 triệu đồng/kg, trong khi đó giá sâm Lai Châu khoảng 80-100 triệu đồng/kg. Tam thất hoang (sâm vũ điệp) giống sâm Ngọc Linh về hình thái, còn sâm Lai Châu lại rất giống sâm Ngọc Linh cả về hình thái và thành phần hóa học. Vì vậy, nguy cơ làm giả rất cao trên thị trường và cần có phương pháp để phân biệt các loại sâm này cũng như các giải pháp để phát triển thương hiệu sâm Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy (bìa phải) cùng các đại biểu tìm hiểu sản phẩm nghiên cứu giới thiệu tại sự kiện.