Nghiệm thu đề tài “Đánh giá lực lượng lao động nông thôn và đề xuất giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ”
Ngày 19/6/2012, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Đánh giá lực lượng lao động nông thôn và đề xuất giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ” do Th.S. Trương Thị Ngọc Chi và PGs.Ts. Dương Ngọc Thành (Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long) thực hiện.
Nghiên cứu thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng và giải pháp đào
tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng dịch chuyển lao động vào công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và xuất khẩu. Từ đó, ban chủ
nhiệm đặt ra những mục tiêu cụ thể như sau: đánh giá thực trạng về lực lượng
lao động và phân bổ ngành nghề của lao động nông thôn thành phố Cần Thơ; đánh
giá một số yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo và việc làm của lao động nông thôn
thành phố Cần Thơ; tìm hiểu thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức của lao
động nông thôn, trong việc đào tạo và sử dụng nguồn lao động nông thôn; đánh
giá nhu cầu đào tạo lao động nông thôn trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ
công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và xuất khẩu; nghiên cứu giải pháp khả thi
cho việc đào tạo cho lực lượng lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu lao động công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và xuất khẩu.
Qua thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu có một số kết luận như
sau: lao động của thành phố Cần Thơ phần lớn là lao động trẻ (từ 15 – 29 tuổi)
phần lớn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp nhưng chưa đáp ứng chất lượng cho
thị trường lao động, những lao động từ 40 tuổi trở lên phần lớn làm việc trong
lĩnh vực nông nghiệp. Xu hướng chọn nghề để học trong tương lai của lao động
nông thôn ở các quận/ huyện của thành phố Cần Thơ nghiêng về công nghiệp – dịch
vụ nhiều hơn nông nghiệp. Tùy theo đặc thù của từng vùng mà nhu cầu học nghề
của lao động có sự dao động tỷ lệ khác nhau. Chương trình dạy nghề trong thời
gian qua chưa thu hút được lao động nông thôn tự nguyện học nghề do hiệu quả
đào tạo chưa cao và chưa liên kết được với các doanh nghiệp nên lao động khó
tìm được việc làm. Các lớp dạy nghề tại địa phương còn rất nhiều khó khăn như
cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của việc dạy và học, trang thiết bị
giảng dạy và thực tập của một số nghề không đầy đủ. Xã hội hóa cho công tác đào
tạo nghề chưa thực sự phát huy, chỉ chủ yếu dựa vào ngân sách là chính. Các yếu
tố như: tuổi, học vấn, số nhân khẩu, số lao động có việc làm, thu nhập bình
quân và chính sách có tác động trực tiếp đến học nghề của lao động. Thị trường
lao động thành phố Cần Thơ trong thời gian tới biến động theo chiều hướng
chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp,
dịch vụ trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.