SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phương pháp dạy học ngôn ngữ học sử dụng tình huống (Bài hiện tượng từ đồng âm tiếng Việt)

[05/07/2024 08:56]

Dạy học tình huống là một hình thức dạy học có tính thực tiễn và gây hứng thú cho người học. Bài viết này vận dụng phương pháp dạy học tình huống trong ngôn ngữ học, cụ thể là bài hiện tượng từ đồng âm trong tiếng Việt với mong muốn có thể áp dụng phương pháp mới giúp người học phát huy tính chủ động, óc sáng tạo và sự thích thú khi tham dự lớp.

1. Đặt vấn đề

Phương pháp dạy học tình huống là một phương pháp dạy giúp người học học tập qua trải nghiệm. Yếu tố cấu thành của phương pháp này chủ yếu dựa trên các tình huống thực tế của cả người học và người dạy. Mục đích chính của các tình huống là đề ra cách thức giải quyết vấn đề và những mâu thuẫn trong tình huống, qua đó phát triển tư duy, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề cho người học. Thông qua những tình huống khác nhau cần phải giải quyết trong khoảng thời gian hữu hạn, người học được đặt vào những vị trí cần phải tự mình đưa ra quyết định hoặc cần sự hợp tác nhóm để tìm hướng giải quyết hợp lý. Từ những tình huống khác nhau, người học không chỉ được phát huy tính chủ động, óc sáng tạo mà còn có được sự thích thú, tinh thần sảng khoái khi tham dự lớp. Phương pháp này vì thế giúp người học có thể tiếp thu nội dung kiến thức bài giảng dễ dàng, sâu sắc hơn các phương pháp dạy học truyền thống.

Dạy học tình huống là một hình thức dạy học có tính thực tiễn và gây hứng thú cho người học. Tuy nhiên, việc sử dụng tình huống trong dạy học ngôn ngữ nói chung và hiện tượng từ đồng âm tiếng Việt nói riêng hiện nay vẫn chưa được thực hiện. Bài viết này thử vận dụng phương pháp dạy học tình huống trong ngôn ngữ học, cụ thể là bài hiện tượng từ đồng âm trong tiếng Việt. Qua phương pháp này, chúng tôi mong rằng có thể giúp người học chủ động hơn, hứng thú hơn trong việc tính lũy kiến thức và kinh nghiệm.

Quy trình sử dụng tình huống

Dạy học tình huống là một phương pháp dạy học được tổ chức theo những tình huống có thực trong cuộc sống, qua đó người học tích lũy được tri thức qua việc giải quyết các tình huống.

Trong ngôn ngữ học, các tình huống dựa trên thực tiễn nói năng của người bản ngữ và được mô tả, cấu trúc lại, được giới hạn lại cho phù hợp với nội dung của từng bài học. Người học thông qua tình huống và với cảm thức của một người nói tiếng Việt phát hiện những cách nói hay, “bất thường” qua đó tiếp thu kiến thức và nâng cao năng lực nói/ viết có hiệu quả.

Cấu trúc của phương pháp dạy học tình huống trong ngôn ngữ được thực hiện qua 3 giai đoạn: xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch và đánh giá.

Giai đoạn 1: Xây dựng kế hoạch

Giai đoạn này gồm 2 bước:

Bước 1: Định hướng nội dung kiến thức cho dạy học sử dụng tình huống

Bước này người dạy cần xác định yêu cầu của việc sử dụng tình huống nhằm định hướng cho người học lĩnh hội những nội dung kiến thức của bài học.

Bước 2: Xây dựng tình huống

Sau khi xác định nội dung kiến thức dạy học sử dụng tình huống, người dạy cần tiến hành xây dựng những tình huống phục vụ cho việc giảng dạy nội dung đó. Các tình huống được sưu tầm hay biên soạn phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, tránh những tình huống quá dễ hoặc quá khó sẽ gây tâm lý chán nản cho người học. Sau khi biên soạn tình huống, người dạy cần dự kiến các hoạt động dạy học sử dụng tình huống bằng cách đưa ra những câu hỏi gợi ý.

Giai đoạn 2: Triển khai kế hoạch

Giai đoạn này gồm 2 bước:

Bước 3: Kích thích, định hướng giải quyết tình huống có vấn đề

Bước này người dạy cần phải giới thiệu yêu cầu, nội dung và cách thức nghiên cứu bài học để kích thích, định hướng cho người học cách giải quyết tình huống.

Bước 4: Tổ chức, điều khiển các hoạt động nhằm xử lý tình huống

Ở bước này, người dạy cần tổ chức, điều khiển hoạt động nhằm phát hiện, công nhận vấn đề trong tình huống, mục đích giải quyết vấn đề và dự kiến cách giải quyết. Sau đó, người dạy kích thích người học huy động, tìm kiếm tri thức, kinh nghiệm có liên quan để thực hiện phương án giải quyết vấn đề trong tình huống. Tất cả các thành viên trong mỗi nhóm đều phải thực hiện nhiệm vụ giải quyết tình huống. Sau khi suy nghĩ, thảo luận, cá nhân đứng lên trình bày ý kiến của nhóm cũng như ý kiến của riêng mình (nếu có). Các nhóm khác đóng góp ý kiến tranh luận. Sau khi lớp đã hết ý kiến, người dạy cần hệ thống hóa lại các kiến thức và trình bày phương án giải quyết vấn đề. Cuối cùng, người dạy tổng kết lại bài học để người học ghi nhớ sâu hơn.

Gai đoạn 3: Đánh giá

Giai đoạn này cũng gồm 2 bước:

Bước 5: Đánh giá

Người dạy cần đưa ra chuẩn đánh giá về mục tiêu rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề trong các tình huống, mục tiêu rèn luyện về tri thức và mục tiêu về thái độ học tập tích cực, khách quan trong giải quyết vấn đề. Thông qua các chuẩn đánh giá, người dạy “đo” được năng lực của người học.

Bước 6: Điều khiển, điều chỉnh quá trình sử dụng tình huống

Qua việc xây dựng, triển khai, đánh giá quá trình sử dụng tình huống, người dạy cần rút ra những kinh nghiệm để những lần giảng dạy sau đạt hiệu quả cao hơn. Những kinh nghiệm có thể là cách xây dựng tình huống, điều khiển hoạt động giải quyết của các nhóm, cách đánh giá,…

Trên đây là 3 giai đoạn bao gồm 6 bước của quy trình sử dụng tình huống, người dạy cần tuân thủ chặt chẽ và vận dụng linh hoạt để quá trình dạy – học đạt hiệu quả tốt nhất.

Dạy bài hiện tượng từ đồng âm tiếng Việt  bằng tình huống

Khái lược về hiện tượng từ đồng âm tiếng Việt

Khái niệm

Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Hiện tượng đồng âm nói chung và từ đồng âm nói riêng thường xuất hiện ở những đơn vị có thành phần ngữ âm không phức tạp. Vì vậy, đồng âm chủ yếu xảy ra giữa từ với từ.

Phân loại từ đồng âm

Theo Lê Trung Hoa và Hồ Lê [4, 55-56], có thể chia hiện tượng đồng âm ra làm mấy kiểu:

Đồng âm thật sự

Giữa tiếng Việt và tiếng Việt: đá (banh) – (cục) đá, (lê) – (con) bò,…

Giữa tiếng Việt và tiếng Hán Việt: (trái) ấu –  ấu (trĩ), (hột) (gà),…

Giữa tiếng Hán Việt và tiếng Hán Việt: thủy (thủ) – thủy (chung), nhân (vật) – nhân (đức),…

Đồng âm có điều kiện

Đồng âm địa phương: sướng – xướng (theo phương ngữ Bắc), tiến – tiếng (theo phương ngữ Nam),…

Đồng âm giữa âm của chữ cái và tiếng: K – ca, M – em, H – hát,…

Đồng âm giữa các đơn vị phiên âm và các đơn vị tiếng Việt: ông (onze là 11, tiếng Pháp) – ông (bà), cách (quatre là 4, tiếng Pháp) – cách (thức),…

Ngoài cách phân loại trên, các nhà nghiên cứu còn phân loại đồng âm giữa từ với từ, giữa từ với hình vị,…

Nhìn chung, nội dung kiến thức bài hiện tượng từ đồng âm tiếng Việt khá đơn giản. Vì vậy, giảng dạy theo phương pháp thuyết giảng truyền thống sẽ gây nhàm chán cho người học. Cũng nội dung đó, chúng tôi đưa ra những tình huống có vấn đề với mong muốn giúp người học hứng thú hơn, chủ động hơn trong việc tiếp cận và lĩnh hội kiến thức.

Sử dụng tình huống trong dạy bài hiện tượng từ đồng âm tiếng Việt

Trong ngôn ngữ giao tiếp, hiện tượng đồng âm với những sắc thái riêng thường được sử dụng trong các hiện tượng chơi chữ rất đặc sắc. Chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm rất phổ biến trong văn chương người Việt. Nó có tác dụng kích thích trí liên tưởng thông minh, dí dỏm của người đọc. Qua đó, người đọc sẽ phát hiện những ẩn ý trong đó.

Trong phần này, chúng tôi sử dụng những tình huống trong truyện cười, có cải biên để dạy học bài hiện tượng từ đồng âm trong tiếng Việt.

Tình huống 1

Tòa hỏi bị cáo:

- Anh lấy vợ hai làm gì?

- Thưa tòa, tôi lấy vợ hai làm dì.

Tòa đập bàn quát:

- Anh không hiểu câu hỏi của tòa à?

- Thưa, tôi lấy vợ hai làm dì ạ.

 (Phan Trọng Hòa, Phan Thị Đào (2006), Truyện cười lô-gic, Nxb Văn học)

Theo anh (chị) tại sao quan tòa không hiểu bị cáo? Nếu anh (chị) là quan tòa thì anh (chị) phải làm như thế nào?

Thời gian thảo luận: 3 phút

Từ “gì” trong câu hỏi của tòa là đại từ nghi vấn trong khi đó từ “dì” trong câu trả lời của bị cáo là danh từ chỉ người vợ kế của cha trong quan hệ với con của người vợ trước. Do trong tiếng Việt, cách phát âm của “gì” và “dì” gần giống nhau nên tòa đã không hiểu câu trả lời của bị cáo là: Tôi lấy vợ hai về làm mẹ kế cho con tôi [7].

Tình huống 2

Trong ô tô khách có một Chú Khách người Hoa. Xe đang đi bỗng Chú Khách người Hoa lại gần vỗ vai lái xe bảo:

- Bác tài ơi, cho ngộ lái một tí!

Anh lái xe đáp:

- Lái thế nào được mà lái?

Chú Khách im lặng, nhưng lát sau lại mon men lại gần anh lái xe:

- Dừng lại cho ngộ lái một tí thôi mà!

Anh lái xe vẫn khăng khăng từ chối.

Thế là Chú Khách liền vạch quần tè luôn ra xe một bãi, miệng nói:

- Không dừng lại cho ngộ lái thì ngộ lái luôn ra xe. Ngộ nhịn để ngộ pể pụng à?

(Nguồn Internet)

Nếu anh (chị) là tài xế, khi nghe Chú Khách người Hoa nhiều lần nài nỉ “cho ngộ lái một tí” anh (chị) sẽ xử lí ra sao? Tại sao anh (chị) lại xử lý như vậy?

Thời gian thảo luận: 3 phút

Người Hoa phát âm “đ” thành “l”; “b” thành “p”, do đó mà Chú Khách trong tình huống trên đã nói đái thành lái, bể bụng thành pể pụng. Đây là hiện tượng đồng âm có điều kiện mà bác tài xế và cả Chú Khách người Hoa đã không nhận ra nên dẫn đến tình trạng “hai người không hiểu nhau”.

Tình huống 3

Ông bố vợ người Quảng vào thăm con gái lấy chồng ở Sài Gòn. Một hôm ông nói với chàng rể: “Ngày mai con đưa ba đi sở thú chơi nhé!”.

Người con rể bận công chuyện nên trả lời:

- Mai hả? Con kẹt, ba bảo vợ con đưa đi.

Tức thì người bố vợ hùng hổ:

- Tổ cha mày, mày không đưa tao đi thì thôi, tại sao lại chửi tao?

- !!!!!

(Nguồn Internet)

Nếu anh (chị) là chàng rể thì anh (chị) có nói với ông bố vợ vậy không? Tại sao? Anh (chị) giải thích như thế nào để ông bố vợ hết giận?

Thời gian thảo luận: 3 phút

Ngôn ngữ của mỗi vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam bên cạnh sự thống nhất chung của tiếng Việt thì chúng vẫn có sự khác biệt. Sự khác biệt dễ nhận thấy là ở cách phát âm và dùng từ địa phương. Ở miền Nam, con kẹt nghĩa là con bận, trong khi đó, ở xứ Quảng, con kẹt lại là lời chửi thề.

Dù là cùng sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng khi đến các vùng miền khác nhau, chúng ta cần phải tìm hiểu về phương ngữ vùng miền đó để việc giao tiếp không bị gián đoạn và tránh những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra.

Tình huống 4

Ông nọ khoe ngôi nhà mới với khách. Nhìn ra cửa sau, ông nói:

- Ông xem hậu môn này của tôi được không?

Người khách cười hóm hỉnh, đáp:

- Thật là đại tiện!”.

(Dẫn theo Triều Nguyên)

Nếu anh (chị) là chủ nhà và khách thì anh (chị) có nói vậy không? Tại sao?

Thời gian thảo luận: 3 phút

Hậu môn (cửa sau) cùng âm với hậu môn (lỗ đít) – chung chữ viết (後門). Thông thường, người Việt chỉ nói cửa sau hay cửa hậu, ít ai nói như ông nọ. Vì vậy mà người khách đã dựa vào đó để trả lời đại tiện (rất tiện lợi); do sự có mặt của hậu môn, nên đại tiện cũng mang nghĩa tống phân ra ngoài (cùng chữ viết [大便]! [8, 45].

Khi sử dụng từ Hán Việt, người sử dụng cần phải hiểu nghĩa, nếu không dễ rơi vào tình trạng dùng sai (sai nghĩa, sai ngữ cảnh…).

Tình huống 5

Một anh thương binh dẫn người yêu ra bờ sông tâm sự. Chàng hỏi nàng:

- Em muốn người chồng tương lai phải như thế nào?

- Em muốn có người chồng chân thật.

Chàng buồn bã suy nghĩ. Rồi đột nhiên, chàng cầm một cục đá, đập vào chân mình một cái “cộp”, nói:

- Anh đi đánh Mỹ cụt mất một chân, bây giờ chỉ có chân giả, đâu còn chân thật mà em đợi. Nói xong chàng trai bỏ chạy và từ đó không dám gặp cô gái nữa1.

(Tuổi trẻ cười)

Nếu anh (chị) là cô gái thì anh (chị) phải giải quyết tình huống này như thế nào?

Thời gian thảo luận: 3 phút

Ý của cô gái trong tình huống trên là muốn người chồng tương lai chân thật. Nghĩa là, người có ý thức, tình cảm đúng đắn, có như thế nào thì bày tỏ đúng như thế ấy. Nhưng chàng trai đã hiểu lầm chân thật là chân phải thật (chân bằng xương bằng thịt) chứ không phải chân giả (chân bằng gỗ).

Sau khi thảo luận 5 tình huống, người dạy đưa ra những câu hỏi tổng kết nhằm hệ thống lại kiến thức và rút ra bài học về cách sử dụng từ đồng âm:

Có bao nhiêu hiện tượng đồng âm đã được đề cập tới trong 5 tình huống trên? Đó là những hiện tượng đồng âm nào? Nhằm mục đích gì?

Nếu bỏ hoặc thay đổi những từ đồng âm đó bằng những từ khác thì nội dung văn bản, giá trị của văn bản có thay đổi không? Tại sao?

Anh (chị) rút ra được điều gì khi giao tiếp hay khi tạo lập văn bản?

Thời gian thảo luận: 5 phút

Sau khi người học trình bày ý kiến của nhóm và ý kiến của cá nhân, người dạy tổng kết lại:

Tình huống 1: đồng âm có điều kiện do không phân biệt được “gi” và “d”.

Tình huống 2: đồng âm có điều kiện do cách phát âm của người Hoa không phân biệt được “đ” với “l”.

Tình huống 3: đồng âm có điều kiện đồng âm khác nghĩa giữa các phương ngữ.

Tình huống 4: đồng âm Hán Việt – Hán Việt, dùng từ không hợp ngữ cảnh.

Tình huống 5: đồng âm do tách từ ghép thành những đơn vị có nghĩa và hoạt động độc lập.

Các hiện tượng đồng âm trong 5 tình huống trên là những yếu tố gây cười, do đó, nếu thay thế các từ đó thì nội dung và giá trị của văn bản tất yếu sẽ thay đổi.

Khi nói/ viết, tùy hình thức giao tiếp và mục đích giao tiếp mà chúng ta có thể lựa chọn từ ngữ cho phù hợp nhằm đem lại hiệu quả tối ưu.

Kết luận

Dạy học tình huống là cách dạy học tích cực, đưa người học vào thế chủ động trong việc giải quyết vấn đề. Thông qua các tình huống, người học có được trải nghiệm và tích lũy được kiến thức. Song chúng ta cũng không nên quá lạm dụng phương pháp này vì có thể gây ra tác dụng ngược, làm cho người học cảm thấy nhàm chán. Bên cạnh phương pháp dạy học tình huống, người dạy cần có sự đa dạng hóa các phương pháp nhằm phát huy tính tích cực, tự lực của người học một cách tối đa.

Dạy học ngôn ngữ bằng tình huống là một phương pháp lôi cuốn người học. Nó phản ánh được một cách khách quan nhất cách nói năng của người bản ngữ. Qua phương pháp này, người học không chỉ tích lũy được kiến thức nội dung bài học mà còn học hỏi được, ý thức được cách nói/ viết như thế nào cho đạt hiệu quả giao tiếp. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng không phải nội dung nào cũng sử dụng được tình huống. Việc chọn lựa, biên soạn tình huống như thế nào cho phù hợp với nội dung từng bài học, từng môn học cũng là một thách thức không nhỏ đối với việc dạy học ngôn ngữ bằng tình huống.

Trong phạm vi một bài viết, 5 tình huống mà chúng tôi đưa ra ở trên chưa bao quát hết được hiện tượng từ đồng âm trong tiếng Việt. Đây chỉ là những gợi ý bước đầu, để dạy học ngôn ngữ bằng tình huống đòi hỏi người dạy cần đầu tư rất nhiều thời gian để sưu tầm, biên soạn tình huống. Dẫu biết những thử thách sẽ gặp phải trong việc dạy học ngôn ngữ bằng tình huống, nhưng vì lòng nhiệt huyết luôn luôn muốn áp dụng phương pháp mới vào dạy học có hiệu quả, chúng tôi hy vọng rằng những nhà sư phạm cần phải nỗ lực không ngừng để đem lại những tiết dạy hiệu quả nhất.

Chú thích

(1) Tình huống này đã được chúng tôi cải biên, thêm câu cuối.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Thị Mùi, Tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh PTTH, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2004.

2. Bùi Thị Mùi, Lí luận dạy học đại học (Tài liệu bồi dưỡng dành cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng), Trường Đại học Cần Thơ. 2014.

3. Đặng Vũ Hoạt (chủ biên) – Hà Thị Đức, Lí luận dạy học đại học, Nxb Đại học Sư phạm, 2009.

4. Lê Trung Hoa, Hồ Lê, Thú chơi chữ, Nxb Trẻ, 2013.

5. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục (Tái bản lần thứ tư), 2001.

6. Phan Trọng Ngọ, Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm Tp. HCM, 2005.

7. Trần Kim Phượng, Trịnh Thị Anh Đào, “Thủ pháp gây cười bằng đánh tráo khái niệm trong truyện cười hiện đại Việt Nam”, T/ c Từ điển học và Bách khoa thư, Số 5, 2014, tr.171-176.

8. Triều Nguyên, Nghệ thuật chơi chữ trong văn chương người Việt, Nxb Giáo dục, 2004.

Tạp chí Khoa học, trường Đại học Cửu Long, số 03, năm 2016
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài