SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

ISO - “Cánh tay phải” của cải cách hành chính Nhà nước

[20/06/2012 07:26]

Sau 5 năm thực hiện, việc áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước rõ ràng đã gặt hái rất nhiều những thành công.

Ngoài những hiệu quả thiết thực dễ thấy, HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO còn trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực mục tiêu cải cách hành chính của Nhà nước.

Những “quả ngọt” đầu tiên

Bộ Khoa học và Công nghệ với tư cách là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg và Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg trong phạm vi cả nước đã thực hiện và xây dựng áp dụng HTQLCL cho có 2.678 cơ quan hành chính trên cả nước.

Cho đến nay, đã có trên 2.000 cơ quan hành chính nhà nước được cấp Giấy chứng nhận HTQLCL, trong đó có 991 cơ quan được cấp Giấy chứng nhận HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001:2000 và 874 cơ quan được cấp Giấy chứng nhận HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001:2008.

Đến thời điểm này, chỉ còn duy nhất tỉnh Gia Lai chưa có cơ quan hành chính nhà nước được cấp Giấy chứng nhận.Trong đó, đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính gồm hệ thống hải quan và một số đơn vị ngành thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương là những Bộ đi đầu trong hoạt động này.

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 vào cơ quan hành chính  đã hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước đối với chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá và hệ thống tổ chức/chuyên gia tư vấn, tổ chức chứng nhận/chuyên gia đánh giá, đáp ứng yêu cầu tư vấn, đánh giá HTQLCL trong cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó còn góp phần hình thành hệ thống cơ quan hành chính áp dụng HTQLCL.

Cho đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành xem xét, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước đối với chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá HTQLCL trong cơ quan hành chính nhà nước.

Không thể phủ nhận rằng, việc áp dụng HTQLCL trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã mang lại rất nhiều những hiệu quả thiết thực. Một trong số đó là việc đã xây dựng được các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học; từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ. Bên cạnh đó còn có vai trò giúp các cơ quan, đơn vị có ý thức hơn trong việc tổ chức thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật. Quan trọng hơn cả, việc áp dụng HTQLCL còn góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Thúc đẩy cải cách hành chính

HTQLCL yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân/tổ chức phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp. Từ đó, giúp tìm ra biện pháp để cải cách thủ tục hành chính. Giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” hiệu quả hơn. HTQLCL giúp thấy rõ trong hoạt động của nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc, các khâu trong các phòng, ban phải kết nối với nhau một cách hợp lý. HTQLCL còn thúc đẩy việc nâng cao và hoàn thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị văn phòng cho cán bộ, công chức. Một điểm lớn khác cần chú ý là HTQLCL tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát các thủ tục hành chính có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay không.

Trên tất cả, cần khẳng định rằng, Sự thành công của việc áp dụng HTQLCL vào hoạt động của mỗi cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn được quyết định bởi sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, ý chí quyết tâm của lãnh đạo cơ quan, sự nhận thức đúng đắn về HTQLCL của lãnh đạo và cán bộ trong đơn vị.

Áp dụng HTQLCL triệt để

Hiện tại đã có nhiều cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, áp dụng và duy trì HTQLCL. Tuy nhiên, phạm vi đã áp dụng HTQLCL chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước. Theo quy định tại Quyết định 118 thì toàn bộ các hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức phải được xây dựng, áp dụng. Do đó, phạm vi áp dụng HTQLCL theo Quyết định 118 sẽ là một khối lượng công việc lớn cần được triển khai áp dụng , cơ quan hành chính nhà nước bao gồm cả các cơ quan đã xây dựng và áp dụng cần có kế hoạch triển khai hợp lý.

Hiện nay, vẫn còn một số Bộ, ngành có hệ thống cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương nhưng chưa công bố mô hình khung cho các cơ quan ngành dọc theo đúng tiến độ được giao như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Tiêu chuẩn ISO 9001 là một công cụ tốt, hữu ích có thể giúp người lãnh đạo cao nhất sử dụng để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn này có thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của người lãnh đạo cao nhất của CQHCNN.

Sau 5 năm thực hiện, nhìn chung, việc áp dụng HTQLCL đã đạt được rất nhiều thành công. Tuy nhiên, để vượt qua một vài thách thức và trở ngại cũng như để tiếp tục khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của việc này, vẫn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó cũng cần phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, đánh giá của các tổ chức tư vấn, tổ chức chứng nhận để nâng cao chất lượng của hoạt động này, nhằm đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

http://vietq.vn (nnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài