SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học về hành vi chơi đùa của động vật

[08/07/2024 14:43]

Hành vi chơi đùa không chỉ là đặc quyền của loài người. Từ những con chó nô đùa trong sân cỏ cho đến màn nhào lộn ngoạn mục của cá heo ở đại dương, thế giới động vật tràn ngập những khoảnh khắc vui đùa thú vị.

Ảnh: Bing AI.

Đằng sau những cảnh tượng đáng yêu này là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học phức tạp, hé lộ vai trò quan trọng của trò chơi trong sự phát triển và thích nghi của động vật.
Cách đây vài năm, nhà động vật học người Mỹ Vladimir Dinets lần đầu tiên nghe các nhân viên tại Vườn thú Toledo ở bang Ohio nói rằng một con cá sấu Cuba mà họ chăm sóc dường như đang chơi đùa với một quả bóng bơm hơi dưới nước. Nhưng khi ông xem qua các tài liệu nghiên cứu về cá sấu và hành vi chơi đùa của chúng, ông không tìm thấy thông tin về chủ đề trên.

Vladimir Dinets, nhà nghiên cứu tại Đại học Tennessee, đã quyết định lấp đầy khoảng trống kiến thức này. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Animal Behavior and Cognition vào năm 2015, ông đã tìm hiểu về hành vi chơi đùa của cá sấu. Ông trải qua hơn 3.000 giờ quan sát và ghi nhận hơn 15 trường hợp cá sấu vui đùa.
Vì cá sấu dành phần lớn thời gian trong nước nên không có gì ngạc nhiên khi hành vi chơi đùa của chúng bao gồm việc thò mõm xuống nước và ngoạm vào dòng nước. Trong một số trường hợp khác, động vật bò sát này đùa nghịch với những bông hoa đầy màu sắc, ngậm chúng trong răng và mang đi khắp nơi. Chúng cũng nô đùa với nhau, chẳng hạn như cõng những cá thể đồng loại nhỏ hơn trên lưng.

Ngoài cá sấu, các loài động vật khác cũng có cách vui đùa riêng. Những con rái cá xoay tròn trên sông, mèo đuổi theo tia laser, hoặc chó giả vờ chiến đấu với nhau. Đôi khi, thật khó để phân biệt giữa việc vui chơi và những hành vi khác như bảo vệ lãnh thổ hay tìm kiếm thức ăn. Gordon Burghardt, nhà sinh học tại Đại học Tennessee ở Knoxville (Mỹ), đã đề xuất một định nghĩa khoa học cho hành vi chơi đùa.
Theo đó, vui chơi là hành vi của động vật có xu hướng lặp lại, không có mục đích rõ ràng ngoài việc mang lại niềm vui cho bản thân. Hành vi đó tương tự nhưng không giống hoàn toàn với các hành vi khác mà động vật thường xuyên thực hiện. Nó cũng phải diễn ra khi con vật khỏe mạnh và không bị căng thẳng.

Định nghĩa của Burghardt mở rộng đáng kể số lượng động vật biết chơi đùa, ví dụ như rùa, rái cá, ong bắp cày và nhiều động vật khác. Hai nhà sinh học Bernd Heinrich và Rachel Smolker tại Đại học Vermont (Mỹ) đã mô tả hành vi trượt tuyết kỳ lạ của những con quạ (Corvus corax) sống ở Alaska và miền Bắc Canada trong cuốn sách “Just Like Children: Innocent Helpless And Defenseless” được xuất bản vào năm 2014. Cụ thể, chúng trượt xuống những mái nhà dốc phủ đầy tuyết. Khi đến chân dốc, chúng đi bộ hoặc bay trở lại đỉnh và lặp lại quá trình này hết lần này đến lần khác. Ở bang Maine (Mỹ), người dân thậm chí còn quan sát thấy nhiều con quạ nhào lộn xuống các gò tuyết, đôi khi mang theo những que nhỏ giữa các móng vuốt của chúng.
“Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ lợi ích nào rõ ràng đối với hành vi trượt tuyết. Bất kỳ ai từng đến khu vui chơi đều nhận ra rằng cả quạ và trẻ em đều thích thú với kiểu hoạt động trượt lặp đi lặp lại này”, Heinrich nhận định.

Mòng biển cá trích (Larus argentatus) cũng thích chơi đùa, nhưng chúng không phải là động vật ưa mạo hiểm. Loài chim biển này ăn nghêu bằng cách thả con mồi xuống các bề mặt cứng như đá hoặc đường trải nhựa từ trên cao. Vỏ nghêu nứt ra sẽ giúp những con chim tiếp cận được phần thịt ngon lành bên trong. Đôi khi, thay vì để nghêu rơi xuống đất, mòng biển cá trích cố gắng bắt con mồi giữa không trung. Các loài chim biển khác cũng chơi trò bắt mồi này, bao gồm mòng biển lưng đen, mòng biển mỏ ngắn và mòng biển Thái Bình Dương.

Tại sao động vật chơi đùa?

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm hiểu bản chất của hành vi chơi đùa ở động vật. Họ đưa đồ chơi cho bạch tuộc, thiết lập các trận đấu vật cho chuột, lắp camera quan sát những con khỉ hoang dã trong rừng,... Mục đích của họ là tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao động vật chơi đùa?” hoặc “Vai trò của các hoạt động chơi đùa đối với đời sống động vật?”

Việc làm sáng tỏ động lực và lợi ích của hoạt động vui chơi có thể cho chúng ta biết thêm nhiều điều về sự phát triển nhận thức ở người và các loài động vật khác.
Cho đến nay, lý thuyết phổ biến nhất là động vật lúc nhỏ vui chơi để phát triển các kỹ năng sống cần thiết khi chúng lớn lên, chẳng hạn như săn bắt, sinh sản, hoặc chăm sóc con non…Nhưng điều này không giải thích được tại sao nhiều động vật trưởng thành (bao gồm cả con người) vẫn tiếp tục chơi đùa, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy việc chơi đùa giúp tất cả các loài động vật thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ khi đến tuổi trưởng thành.

Lấy ví dụ như chuột châu chấu phương Bắc (Onychomys leucogaster), một loài động vật gặm nhấm sống trên các thảo nguyên ở khu vực Bắc Mỹ. Nó có thói quen săn mồi và ăn thịt côn trùng, đặc biệt là châu chấu. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Behavioural Processes vào năm 1983, các nhà khoa học tại Đại học Minnesota (Mỹ) phát hiện những cá thể chuột con thường xuyên chơi đùa khi phát triển đến giai đoạn trưởng thành không giỏi bắt châu chấu hơn so với những con chuột ít nghịch ngợm hơn.

Tương tự, hành vi chơi đùa vào lúc nhỏ của những con cầy vằn (Suricata suricatta) sống trên sa mạc Kalahari không giúp cải thiện kỹ năng chiến đấu hay giảm bớt sự hung hăng của chúng khi lớn lên, theo một nghiên cứu khác của Lynda L.Sharpe tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi) được công bố trên tạp chí Animal Behaviour vào năm 2005.

Tuy nhiên, tất cả những điều này không đồng nghĩa với việc chơi đùa là vô ích.

Nghiên cứu gần đây về voi châu Phi cho thấy hoạt động vui chơi mang lại lợi ích tổng thể về sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy ở loài sóc đất Belding (Spermophilus beldingi), khi việc chơi đùa giúp tăng cường sức khỏe cũng như kỹ năng vận động của chúng.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuroscience & Biobehavioral Reviewsvào năm 2017, các nhà khoa học tại Đại học Utrecht (Hà Lan) phát hiện những con chuột khi chơi đùa bằng cách vật lộn với nhau sẽ có cảm giác hưng phấn do dopamine và các chất hóa học khác trong não của chúng tiết ra, giúp điều chỉnh cảm xúc và gia tăng động lực. Dopamine là hợp chất kích hoạt cơ chế khen thưởng của não, hoạt động tích cực hơn ở những động vật trẻ hơn. Điều này có thể giải thích tại sao những con non của nhiều loài động vật trông có vẻ vui tươi hơn những con trưởng thành.

https://khoahocphattrien.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài