Phương pháp nhận dạng Ẩn dụ ý niệm
Để xây dựng một quy trình cụ thể nhằm khái quát hóa ý niệm và đi từ ẩn dụ ngôn ngữ đến ẩn dụ ý niệm là một việc không hề dễ dàng. Trong bài viết, tác giả đã kế thừa những nghiên cứu đi trước và phát triển thành quy trình 4 bước giúp nhận dạng ẩn dụ.
Ảnh minh họa
Các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã đặt ra một vấn đề mới về bản chất của ẩn dụ- vấn đề tư duy và văn hoá. Tư duy và văn hoá là hai phạm trù to lớn, chi phối mọi mặt của đời sống con người. Vì thế, tiếp cận hệ thống các ẩn dụ ý niệm trong văn bản là tiếp cận hệ thống tư duy của người tạo lập văn bản và rộng hơn, là tư duy, văn hoá của một quốc gia, dân tộc. Dưới ánh sáng tri nhận luận, các nhà ngôn ngữ học đã cho ra đời nhiều nghiên cứu khác nhau nhằm góp phần giải mã tư duy, văn hoá của nhân loại.
Để khai thác triệt để các ẩn dụ và đưa ẩn dụ đến với đời sống con người, các nhà nghiên cứu đã cho ra đời các phương pháp giúp nhận dạng ẩn dụ ý niệm. Hai phương pháp tiêu biểu nhất trong số đó là phương pháp MIP của Pragglejaz group và phương pháp Steen Gerad.
Trên cơ sở kế thừa và khắc phục một số điểm hạn chế của hai phương pháp nêu trên, tác giả Đào Duy Tùng đã xây dựng quy trình nhận dạng ẩn dụ trong văn bản và cấu trúc xuyên lĩnh vực giữa các miền ý niệm. Quy trình cụ thể gồm 4 bước:
Bước 1. Đọc toàn bộ văn bản để hiểu ý nghĩa khái quát.
Bước 2. Xác định các đơn vị từ vựng trong văn bản.
Bước 3. Xác định ý nghĩa ngữ cảnh (ý nghĩa ngữ cảnh là ý nghĩa trong văn bản đang xét, nó có mối liên hệ giữa những đơn vị từ vựng đứng trước và sau nó) và ý nghĩa cơ bản (ý nghĩa cơ bản là ý nghĩa trong từ điển) của từng đơn vị từ vựng, sau đó so sánh nghĩa ngữ cảnh và nghĩa cơ bản, nếu thấy:
- Nghĩa ngữ cảnh đồng nhất với nghĩa cơ bản thì đơn vị từ vựng đó không phải là ẩn dụ.
- Nghĩa ngữ cảnh có sự khác biệt so với nghĩa cơ bản nhưng có thể hiểu thông qua sự so sánh với nghĩa cơ bản (trong bối cảnh cụ thể của một nền văn hóa dân tộc, quốc gia) thì đơn vị từ vựng đó là ẩn dụ. Ở bước này cần lưu ý thêm rằng: các đơn vị trong cùng một ngữ cảnh có mối tương quan với nhau, có khi còn là mối quan hệ kéo theo.
Bước 4. Nhận dạng ánh xạ xuyên lĩnh vực và xây dựng mô hình ẩn dụ ý niệm từ những đơn vị từ vựng vừa mới xác định.
Quy trình này có ý nghĩa thiết thực trong khoa học và giáo dục, giúp người nghiên cứu tiếp cận toàn vẹn hệ thống các ẩn dụ (nói chung) trong mọi loại văn bản. Nhận dạng được ẩn dụ, người nghiên cứu (nói chung) sẽ tiếp cận được tư duy, nền tảng văn hoá của người sáng tác và của dân tộc họ (từ góc nhìn tri nhận luận) và khai phá được phần lớn vẻ đẹp của hình thức ngôn từ, tài năng của người sáng tác (từ góc nhìn tu từ học).