Để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cần có sự chung tay của các Bộ, ngành
Tại Hội thảo xây dựng và hoàn thiện khung Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia “Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng về 0 tại Việt Nam” (Chương trình KC Net Zero) diễn ra ngày 18/7/2024, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhấn mạnh, phát thải ròng bằng 0 gắn liền với phát triển đất nước bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Do đó, để đạt được mục tiêu cần sự tham gia của các Bộ, ngành.
Phát triển công nghệ giảm phát thải khí nhà kính
Báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, Chương trình hướng đến mục tiêu cung cấp các luận cứ khoa học, giải pháp kỹ thuật, mô hình công nghệ cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK), thu hồi các-bon; chuyển đổi, cải thiện công nghệ và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.
GS.TS. Đỗ Văn Mạnh - Chủ nhiệm Chương trình báo cáo tại Hội thảo
Cụ thể, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; phát triển giải pháp, công nghệ tiên tiến về kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng giao thông bền vững theo hướng chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và giảm phát thải KNK; ứng dụng các mô hình quy hoạch, quản lý, các giải pháp công nghệ - kỹ thuật trong sản xuất và phát triển nông - lâm nghiệp thông minh, bền vững theo hướng giảm phát thải, tăng khả năng lưu trữ KNK; quản lý, xử lý chất thải, giảm thiểu phát thải KNK, chuyển hóa chất thải thành năng lượng, lưu giữ, sử dụng và thu hồi các-bon, các kỹ thuật quản lý khoa học khí hậu nhằm tính toán phát thải KNK, dự báo biến đổi khí hậu và phát triển các biện pháp thích ứng.
Chương trình gồm 6 nội dung chính: Nghiên cứu, hỗ trợ hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phối hợp, hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong các lĩnh vực phục vụ mục tiêu đạt Net Zero tại Việt Nam; Nghiên cứu khoa học, giải mã, triển khai ứng dụng các giải pháp quản lý, kỹ thuật nhằm phát triển công nghệ nhiệt, lưu trữ và quản lý năng lượng trong các ngành kinh tế - kỹ thuật; Nghiên cứu khoa học, giải mã và ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật cho phát triển hạ tầng cho công nghệ xe điện, phương tiện giao thông bền vững và công trình xanh.
Đồng thời, nghiên cứu khoa học, giải mã, triển khai, ứng dụng và chuyển giao các mô hình công nghệ phục vụ phát triển nông - lâm nghiệp bền vững giảm phát thải và trung hòa KNK; Nghiên cứu khoa học, giải mã và triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ quản lý và tận dụng, chuyển đổi vật chất loại bỏ thành các dạng vật chất có ích, năng lượng. Phát triển KH&CN môi trường - khí hậu phục vụ công tác cảnh báo, dự báo, kiểm kê KNK; Nghiên cứu khoa học, giải mã và triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon từ các hoạt động sản xuất công nghiệp.
KH&CN góp phần thay đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng khung Chương trình đã xác định được đầy đủ các ngành để tập trung giảm phát thải KNK. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý, bổ sung vào khung Chương trình liên quan đến nguồn nhân lực thực hiện Net Zero; phương pháp đánh giá, tiêu chí lựa chọn các công nghệ ưu tiên; lộ trình, phương pháp thực hiện; bổ sung mục tiêu, căn cứ, nội dung, sản phẩm của Chương trình; thẩm định công nghệ và khuyến cáo sử dụng công nghệ…
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần có các phương pháp đánh giá tiêu chí, lựa chọn các công nghệ ưu tiên. Đây là nội dung khó trong việc đưa ra các công nghệ.
Theo GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là Chương trình KH&CN góp phần thay đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội từ truyền thống sang mô hình phát triển bền vững, xanh và tuần hoàn, các-bon thấp. Để đạt Net Zero, có 3 nhóm giải pháp: thể chế, chính sách cần bổ sung, điều chỉnh, đổi mới; giải pháp về KH&CN; nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu Net Zero. Cả 3 nhóm giải pháp này đều phải dựa vào cơ sở lý luận, thực tiễn của Việt Nam và thế giới, các giải pháp đổi mới sáng tạo, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0...
GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, phát thải ròng bằng 0 gắn liền với phát triển đất nước bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Do đó, để đạt được mục tiêu cần sự tham gia của các bộ, ngành. Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực năng lượng, quản lý tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu, nông - lâm nghiệp…
GS.TS. Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng đề nghị Ban Chủ nhiệm cùng các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN rà soát sự trùng lặp với các chương trình khác; xem xét kỹ lưỡng các mục tiêu trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan cần thực hiện; kế thừa kết quả, sản phẩm của các chương trình KH&CN khác. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần lưu ý đến cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, thành lập tổ chuyên gia tư vấn nếu cần. Bộ KH&CN sẽ luôn bám sát, đồng hành và tạo điều kiện tối đa để triển khai Chương trình thuận lợi, hiệu quả nhất.
Dự kiến các chỉ tiêu cần đạt được của Chương trình:
- 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật được xác nhận đóng góp giảm thiểu ít nhất 30% lượng KNK so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực áp dụng hoặc đạt chất lượng tương đương với công nghệ, sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực liên quan.
- 50% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng, trong đó 20% số nhiệm vụ có kết quả có khả năng thương mại hóa.
-100% số nhiệm vụ có kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, trong đó 30% số nhiệm vụ có kết quả được công bố trên tạp chí thuộc danh mục SCIE/Scopus.
- Ít nhất 50% số nhiệm vụ có nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, tài sản trí tuệ).
- 80% số nhiệm vụ có tham gia đào tạo sau đại học, trong đó có 20% số nhiệm vụ có tham gia đào tạo tiến sĩ.
- 50% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện.
- 20% số nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì thực hiện.
- Tối thiểu 30% nhiệm vụ có hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện.