Đức: Phát hiện loài nấm ăn nhựa giúp giảm ô nhiễm đại dương
Ngày 8/8, các nhà khoa học ở Đức cho biết đã xác định được loài nấm ăn nhựa, mang lại tia hy vọng trong việc giải quyết hàng triệu tấn rác thải gây ô nhiễm các đại dương trên thế giới mỗi năm.
Nhưng các nhà khoa học Đứu cũng cảnh báo rằng, nghiên cứu của họ có thể chỉ là một phần nhỏ trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa và thế giới vẫn cần phải giảm thiểu bao bì thực phẩm và các mảnh nhựa xâm nhập vào môi trường, nơi có thể mất hàng thập kỷ để phân hủy.
Giáo sư Hans-Peter Grossart, nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái nước ngọt và thủy sản nội địa Leibniz, Đức cho biết, một phân tích tại hồ Stechlin ở đông bắc nước Đức về cách vi nấm phát triển mạnh trên một số loại nhựa đã chứng minh rõ ràng rằng một số loại nấm có khả năng phân hủy polyme tổng hợp.
"Phát hiện đáng ngạc nhiên nhất trong nghiên cứu của chúng tôi ... là loại nấm này có thể phát triển độc quyền trên một số loại polyme tổng hợp và thậm chí hình thành sinh khối", ông Hans-Peter Grossart chia sẻ.
Ảnh minh họa (Nguồn: IT)
Giáo sư Grossart tin rằng, các chất phá hủy nhựa vi sinh có thể được sử dụng trong các nhà máy xử lý nước thải hoặc các cơ sở khác có điều kiện được kiểm soát. Tuy nhiên, nấm không có khả năng là giải pháp ngăn chặn tình trạng rác thải tràn lan trên toàn cầu.
"Chúng ta cần cố gắng thải càng ít nhựa ra môi trường càng tốt", Giáo sư Grossart cho biết. "Nhựa được tạo thành từ carbon hóa thạch và nếu nấm phân hủy nó, thì cũng chẳng khác gì chúng ta đốt dầu hoặc khí đốt và thải CO2 vào khí quyển", ông cảnh báo.
Trong số 18 chủng nấm được chọn, có bốn chủng tỏ ra đặc biệt "đói", nghĩa là chúng có thể "ăn" nhựa một cách hiệu quả, đặc biệt là polyurethane, loại nhựa được dùng để sản xuất bọt xây dựng.
Nhựa polyetylen, được sử dụng trong túi nhựa và bao bì, phân hủy chậm hơn nhiều và vi nhựa từ lốp xe bị mài mòn là loại khó phân hủy nhất, chủ yếu là do các chất phụ gia như kim loại nặng.
Giáo sư Grossart cho biết ông tin rằng khả năng "ăn" nhựa của nấm có thể thích nghi với lượng lớn nhựa carbon trong môi trường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhựa của chúng phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện bên ngoài, chẳng hạn như nhiệt độ hoặc vi chất dinh dưỡng.
Theo dữ liệu từ hiệp hội các nhà sản xuất nhựa Plastics Europe, khoảng 390 triệu tấn nhựa đã được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2021, tăng từ 1,7 triệu tấn vào năm 1950. Mặc dù tỷ lệ tái chế đã tăng lên trong vài năm qua, nhưng chỉ có chưa đến 10% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới.