Nhịn ăn gián đoạn giúp giảm cân và tăng cường sức khỏe tim mạch
Nghiên cứu của một nhóm chuyên gia đến từ Đại học Granada, Đại học Công lập Navarra và CIBER cho biết nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp giảm cân hạn chế giờ ăn và kéo dài thời gian nhịn ăn hàng ngày, có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch ở người béo phì.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine nhấn mạnh rằng việc kết thúc bữa ăn cuối cùng trước 5 giờ chiều và bỏ qua bữa tối là một chiến lược an toàn để giảm mỡ bụng. Ở Tây Ban Nha, nơi có hơn 70% nam giới và 50% phụ nữ đang đối mặt với tình trạng thừa cân và béo phì, những tác động tích cực của nhịn ăn gián đoạn trở nên cần thiết.
Chế độ ăn hạn chế calo truyền thống tuy hiệu quả trong việc giảm cân nhưng thường khó duy trì lâu dài. Thay vào đó, nhịn ăn gián đoạn, đặc biệt là hình thức nhịn ăn giảm số giờ ăn từ 12-14 giờ xuống còn 6-8 giờ, dẫn đến thời gian nhịn ăn hàng ngày kéo dài từ 16-18 giờ giúp điều chỉnh lại nhịp sinh học của cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa. Nghiên cứu 197 người tham gia ở độ tuổi từ 30-60, đã chia thành các nhóm điều trị khác nhau để so sánh hiệu quả của phương pháp nhịn ăn sớm, muộn và tự chọn. Mặc dù không thấy lợi ích bổ sung nào về giảm mỡ nội tạng, nhóm nhịn ăn vẫn cho thấy hiệu quả giảm cân tốt hơn — trung bình từ 3-4 kg so với nhóm điều trị thông thường.
Đặc biệt, nhóm nhịn ăn sớm đã ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong việc kiểm soát đường huyết so với các nhóm khác, một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Sự thành công của nghiên cứu này không chỉ ở việc giảm cân mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp an toàn, với tỷ lệ tuân thủ cao và không có biến cố bất lợi nào, mở ra triển vọng cho can thiệp dinh dưỡng nhằm kiểm soát cân nặng và sức khỏe tim mạch.