Doanh nghiệp sẽ phải trích lợi nhuận đầu tư KHCN
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, để khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách là cả một quá trình gian nan. Và, nếu không bắt buộc doanh nghiệp đầu tư thì không bao giờ đủ tiền để phát triển khoa học công nghệ quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công
nghệ Nguyễn Quân. Ảnh: Trung Hiền |
Hạn chế “tầm gửi”
vào ngân sách
Hiện nay, tiềm lực khoa
học công nghệ của chúng ta yếu kém, đội ngũ làm khoa học đông về số lượng nhưng
yếu về chất lượng.
Vài năm gần đây, số sáng
chế công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế nổi tiếng của chúng ta là rất ít.
Năm 2011, không có sáng chế nào của Việt Nam được đăng ký ở Mỹ. Chúng ta cũng
chưa có một sản phẩm khoa học công nghệ nào mang thương hiệu lớn, được thế giới
biết đến.
Theo ông Quân, một trong
những lý do quan trọng khiến khoa học công nghệ chưa phát triển được là thiếu
sự đầu tư bởi đã “sống dựa quá lâu vào ngân sách.”
Từ năm 2000, nhà nước đã
chi 2% ngân sách cho khoa học công nghệ và đây là con số không hề nhỏ (tương
đương 0,5-0,6% GDP). Đây là tỷ lệ tương đối rất cao so với thế giới bởi Mỹ dành
0,4%, Hàn Quốc dành 0,45% GDP...
Tuy nhiên, ở các nước trên
thế giới, doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ là rất lớn. Có thể lấy ví
dụ như Trung Quốc, nhà nước đầu tư 0,4% GDP, nhưng tổng đầu tư của xã hội vượt
2,5% GDP.
Năm 2008, Luật Thuế thu
nhập được ban hành và lần đầu có điều khoản doanh nghiệp phải trích ít nhất 10%
lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên khi ban hành,
điều khoản này đã bị sửa đổi và doanh nghiệp không bị buộc phải trích lợi nhuận
trước thuế để đầu tư vào khoa học. Điều đó đã dẫn đến việc số doanh nghiệp đầu
tư vào khoa học công nghệ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Quân cho rằng, nếu
không bắt buộc doanh nghiệp đầu tư thì không bao giờ đủ tiền để phát triển khoa
học công nghệ quốc gia. Bởi thế, sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục
đấu tranh khi Luật Thuế doanh nghiệp được sửa đổi để khắc phục “lỗi” trên. Mục
tiêu ngành này đặt ra tới 2015 sẽ phải có 1,5% GDP đầu tư cho khoa học công
nghệ (trong đó, nhà nước 0,5% và xã hội là 1%).
Cũng theo vị lãnh đạo Bộ
Khoa học và Công nghệ, tiền của doanh nghiệp đầu tư sẽ mang lại hiệu quả cao
hơn nhiều bởi họ quan tâm đến kết quả đưa vào ứng dụng, sản xuất. Trong khi đó,
đầu tư của Nhà nước kiểm soát từng đồng, nhưng kết quả nhiều khi không quan
tâm.
“Quốc gia nào khai thác
được đầu tư của doanh nghiệp vào khoa học công nghệ thì mới phát triển được,
nếu không nhà khoa học chỉ trong tháp ngà,” ông Quân thẳng thắn.
Thực tế cho thấy, năm 2010
Viettel thành lập viện nghiên cứu riêng và dành 10% lợi nhuận trước thuế (tương
đương 120 triệu USD) đầu tư vào khoa học. Đến nay, đơn vị này đã gặt hái được
một số thành tựu quan trọng, sản xuất ra các thiết bị thay thế việc nhập khẩu.
Năm 2009, Chính phủ yêu
cầu Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác với Tập đoàn Dầu khí làm dàn khoan tự nâng
với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Công trình này đã thành công và Việt Nam
trở thành 1 trong 3 quốc gia châu Á làm được giàn khoan này.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho
rằng, nếu bỏ ra 1 đồng đầu tư cho khoa học công nghệ thì thu được 5-6 đồng lợi
nhuận. Và những ví dụ trên là tín hiệu đáng mừng để khoa học và công nghệ phát
triển.
Thêm "tiếng
nói" cho Bộ chủ quản
Bên cạnh việc huy động xã
hội hóa đầu tư vào khoa học công nghệ, thì việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực
này cũng là vấn đề cần phải bàn tới.
Ông Quân cho hay, trong 2%
ngân sách dành cho khoa học công nghệ hiện nay, chỉ khoảng 10% dành cho các đề
tài nghiên cứu, còn lại 90% được phân bổ bởi bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính.
Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ không có thông tin hiệu quả đầu tư đến đâu,
ngân sách được sử dụng thế nào. Từ đó, Bộ “không cắt được với tỉnh đầu tư không
hiệu quả cũng như cho thêm tiền địa phương hoạt động tốt.”
“Bộ Khoa học và Công nghệ
sẽ đề xuất được quản lý tiền đầu tư cho khoa học, hoặc được giám sát, có quyền
đề xuất phân bổ ngân sách sử dụng thì mới đảm bảo tiền được đầu tư đúng chỗ,
chứ không thể cào bằng nhằm tạo ra được sản phẩm cuối cùng,” ông Quân nói.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học
và Công nghệ cũng đã kiến nghị với Chính phủ để sửa đổi Luật Khoa học và Công
nghệ, tập trung vào 3 vấn đề lớn: Đầu tư nguồn lực; Cơ chế tài chính và Chính
sách đãi ngộ, trọng dụng cho khoa học và công nghệ.
Ông Quân cũng cho hay,
thực tế 3 vấn đề này đã được các nhà khoa học kêu từ lâu, song bây giờ Bộ mới
“động tới.” Những vấn đề này đã định lồng ghép trong một số Luật khác (như Luật
Thuế, Luật Ngân sách...). Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ không phải cơ
quan chủ trì các luật trên, nên khi tiếp thu ý kiến là rất hạn chế nên ý tưởng
của Bộ không đạt được 100%.
Tuy nhiên, ông Quân cũng
thừa nhận, khi đưa những ý tưởng trên vào Luật Khoa học công nghệ sẽ gặp phải
một luồng ý kiến khác. Ví dụ đưa những quy định về thuế, người ta sẽ cho rằng
không phải đưa vào luật này mà nên đưa vào Luật Thuế. Về xây dựng ngân sách,
chính sách đãi ngộ cũng có Luật Ngân sách, Luật Viên chức...
“Tôi tin sẽ có tranh luận
kịch liệt trong các phiên họp của Quốc hội,” ông Quân phỏng đoán.
Tuy nhiên, ông Quân cho
rằng nếu như chúng ta cứ chờ các Luật khác để đưa những chính sách đổi mới này
vào thì một là chưa biết đến khi nào, hai là Bộ Khoa học Công nghệ không chủ
trì các luật chuyên ngành ấy thì những ý tưởng đổi mới cũng sẽ không được tiếp
thu một cách đầy đủ./.