Nhật Bản có thể trở thành siêu cường khoa học?
Nhật Bản cần nhiều chính sách mới để thúc đẩy nghiên cứu liên ngành với những yêu cầu phát triển mới của khoa học.

Nghiên cứu robotics và tự động hóa đòi hỏi kiến thức từ nhiều ngành khác nhau. Ảnh: Getty Images
Hiện nay một số quốc gia đã thiết lập các chiến lược tài trợ cho nghiên cứu theo hướng liên ngành, ví dụ giữa năm 2016 và 2018, kinh phí tài trợ cho các đề tài liên ngành của Anh đã nhỉnh hơn các đề tài truyền thống 30%. Một số nơi khác như EU, Mỹ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, Nhật Bản lại dường như không mặn mà. Các tổ chức tài trợ chính của Nhật Bản vẫn chỉ hỗ trợ các nghiên cứu nằm trong biên giới ngành, ví dụ như kỹ thuật hoặc hóa học. Các chuyên gia đánh giá các đề xuất tài trợ có xu hướng thích các công trình trong những lĩnh vực quen thuộc với họ hơn là liên ngành vì họ chưa hiểu rõ.
Cách tiếp cận này dẫn đến việc thiếu kinh phí đáng kể cho khoa học liên ngành ở Nhật Bản. Từ đó dẫn đến họ đang bỏ lỡ những cơ hội có thể tạo ra đột phá trong nghiên cứu và đổi mới đã được chỉ dấu bằng việc vị trí của quốc gia này trong top 10% nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới giảm từ 6% xuống 2% trong hai thập kỷ qua.
Tài trợ cho con người, không phải dự án
Các cơ quan tài trợ của Nhật Bản nên chuyển đổi từ việc tài trợ theo dự án sang tài trợ cho các nhà khoa học tài năng. Mô hình này đã được chứng minh hiệu quả ở các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Ví dụ, Chương trình Nhà khoa học của Viện Y học Howard Hughes (HHMI) đã tài trợ cho các nhà khoa học xuất sắc khoản tài trợ dài hạn, linh hoạt để nhà khoa học có thể theo đuổi những nghiên cứu y sinh có tác động lớn – một số lên tới 11 triệu USD trong vòng bảy năm, và có thể được gia hạn. Cách tiếp cận này dẫn đến những phát hiện đột phá, bao gồm việc hiểu về cơ chế của nhịp sinh học, dự đoán được cấu trúc gập của protein và khám phá được RNA interference.
Các cơ quan cấp quỹ của Nhật Bản cần đảm bảo những người ra quyết định của họ thuộc nhiều lĩnh vực, nền tảng kiến thức, giới, quốc tịch và văn hóa. Điều này có thể giúp cho thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, vốn về bản chất đã có những cách tiếp cận khác nhau và được hưởng lợi ích từ việc lên kế hoạch, hướng dẫn và đánh giá từ một cộng đồng đa dạng.
Tương tự ở Đức, Hội Max Planck ưu tiên trao tài trợ cho những nghiên cứu cơ bản có mục tiêu dài hạn hơn là ứng dụng tức thời. Bằng việc thúc đẩy hợp tác liên ngành và cung cấp cho giám đốc các viện thuộc hội những nguồn tài trợ nội bộ hào phóng, không cần phải liên tục đi xin tài trợ ở bên ngoài. Chiến lược này đã cho phép xuất hiện những đột phá bao gồm sự phát triển CRISPR–Cas9 như một công cụ chỉnh sửa gene và những cái nhìn mới vào cấu trúc ribosome.
Nhật Bản cũng có những chương trình như vậy song lại quá rụt rè. Cơ quan KH&CN Nhật Bản (JSPS) và Hội Thúc đẩy Khoa học Nhật Bản (JST), cũng tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu theo tiếng gọi của trí tò mò. Tuy nhiên Cơ quan KH&CN Nhật Bản lại ưa thích cách tiếp cận từ trên xuống với những đề xuất dựa trên những chủ đề thời thượng và có thể để lỡ những ý tưởng sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, có tín hiệu mới đã xuất hiện khi Viện KH&CN Okinawa (OIST), một đại học tư được Văn phòng nội các Chính phủ tài trợ thay vì Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học tài trợ như với những trường đại học khác. OIST hiện đang thuộc nhóm các trường, viện hàng đầu của Nhật Bản trong bảng xếp hạng Nature Index, và khoảng 20% xuất bản của trường là thuộc về các nghiên cứu liên ngành. Các viện nghiên cứu Nhật Bản cần theo cách tiếp cận này.
Chấp nhận các dự án rủi ro
Nghiên cứu liên ngành thường có độ rủi ro cao hơn nghiên cứu đơn ngành truyền thống bởi rất khó để học hỏi được các khái niệm và phương pháp, thậm chí truyền đạt hiệu quả giữa các ngành. Và những ưu tiên giữa các ngành có thể gặp xung đột.
Để vượt qua những thách thức đó, các cơ quan cấp quỹ Nhật bản cần xem xét việc chấp thuận một mô hình tài trợ “rủi ro cao, tác động cao’ tương tự như Quỹ DARPA (Mỹ), nơi chấp nhận tỉ lệ thành công chỉ ở mức 50%. Họ cần phải ghi nhận rằng ngay cả các dự án rủi ro cao ‘không thành công’ cũng có thể tạo ra hiểu biết có giá trị, đóng góp cho những tiên tiến KH&CN rộng lớn hơn.
Cải thiện tài trợ cho các phòng thí nghiệm
Các phòng thí nghiệm của Nhật Bản vẫn chưa được đầu tư đầy đủ, bị ảnh hưởng bởi lạm phát và sự gia tăng của chi phí vận hành. Một cơ sở nghiên cứu quá đắt đỏ để quản lý – các khoản tài trợ cần thiết cho vận hành thiết bị, vật tư hóa chất, lương cho trợ lý nghiên cứu và nhân viên kỹ thuật.
Các dự án liên ngành có xu hướng đắt đỏ hơn vì chúng phụ thuộc vào thiết bị và công nghệ cũng như các nhà nghiên cứu, các nhân viên kỹ thuật từ những lĩnh vực khác nhau, thường đòi hỏi khung thời gian rộng hơn để đạt được mục tiêu của mình.
Năm 2022, Nhật Bản lập sáng kiến Tài trợ cho trường đại học, hướng tới mục tiêu cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho các trường để đạt tới mức xuất sắc về khoa học và đào tạo. Tuy nhiên,điều này vẫn chưa đủ, nó cần phải được mở rộng và ít rào cản hơn. Trên thực tế thì mới chỉ có mỗi một nơi là ĐH Tohoku ở Sendai được xác nhận là người thụ hưởng.
Các trường ĐH Nhật Bản cần phải lập các quỹ và tiếp nhận qua các quyên góp và quản lý tài sản, bao gồm các đầu tư chiến lược về tài trợ để tăng thu nhập trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng vốn. Chính phủ cũng cần xem xét các chính sách giảm thuế để khuyến khích quyên góp.
Ngân sách đầu tư dài hơn một năm
Bộ Tài chính Nhật Bản thiết lập các khoản chi ngân sách và phân bổ ngân sách theo chu kỳ một năm – không có lựa chọn để chuyển nguồn tài chính sang năm tiếp theo. Cách tiếp cận này ưu tiên cho những nhu cầu tài chính trước mắt hơn là những khả năng nghiên cứu trong tương lai, vốn giới hạn sự tăng trưởng và giới hạn các dự án liên ngành.
Các tổ chức cấp quỹ và các trường đại học cần xem xét đề xuất các khoản tài trợ nhiều năm, lý tưởng là năm năm hoặc hơn, để các dự án không bị giới hạn trong các khuôn khổ thông thường. Ví dụ, Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ thường trao những khoản tài trợ trọn gói thay vì cấp nhỏ giọt theo từng năm, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu thoải mái và linh hoạt trong quản lý dự án của mình. Tương tự, năm 2024, Hội đông nghiên cứu châu Âu giới thiệu một khung thử nghiệm Các tài trợ tiên tiến, phân bổ 80% tổng số kinh phí ngay ở điểm khởi đầu dự án và còn lại 20% khi hoàn thành, không hạn chế giới hạn chi tiêu khi ký hợp đồng thỏa thuận.
https://khoahocphattrien.vn (tdkhiem)