Kết quả phẫu thuật điều trị gãy mỏm khuỷu bằng phương pháp néo ép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Thế Anh - Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín và Đào Xuân Thành - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả phẫu thuật điều trị gãy mỏm khuỷu bằng phương pháp néo ép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nghiên cứu được thiết kế theo mô hình mô tả, kết hợp hồi cứu và tiến cứu, với tổng số 68 bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương (KHX) từ tháng 06/2021 đến 12/2023.

Ảnh minh họa
Kết quả cho thấy tuổi trung bình của bệnh nhân là 41,2 ± 17,9 tuổi, trong đó nam giới chiếm đa số (67,7%). Nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương là tai nạn giao thông (61,8%). Phân loại gãy xương theo Mayo cho thấy, loại IIA và IIB chiếm tỷ lệ lớn nhất (67,65% và 20,59%), trong khi các loại gãy IA, IB và IIIA chỉ chiếm lần lượt 2,94%, 5,88% và 2,94%. Thời gian phẫu thuật trung bình được ghi nhận là 65,28 ± 11,7 phút. Đánh giá sau phẫu thuật qua hình ảnh X-quang cho thấy 94,12% bệnh nhân không còn di lệch và 95,59% liền xương hoàn toàn.
Về mặt chức năng, điểm MEPS trung bình sau phẫu thuật đạt 89,6 ± 5,61, với tỷ lệ chức năng rất tốt (82,4%), tốt (14,7%) và khá (2,9%). Các biến chứng xảy ra sau 6 tháng bao gồm chậm liền xương (2,94%), chồi đinh (2,94%) và thoái hóa khớp (1,47%). Nghiên cứu cũng không tìm thấy mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa loại gãy xương và kết quả liền xương (p > 0,05), cũng như giữa nơi tập PHCN, nhóm tuổi, tổn thương phối hợp với điểm chức năng MEPS sau phẫu thuật (p > 0,05). Phẫu thuật kết hợp xương bằng phương pháp néo ép mang lại kết quả lâm sàng khả quan, cải thiện rõ rệt chức năng khớp khuỷu với tỷ lệ biến chứng thấp.
Tạp Chí Y học Việt Nam, số 546(3)/2025