Chương trình sản xuất cây lan Kiếm (Cymbidium sp.) từ giống nuôi cấy mô
Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, KS. Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2024.

Cây giống lan Kiếm cấy mô và sản phẩm mô hình cây lan Kiếm (5 tháng sau trồng)
Nhiệm vụ thuộc Chương trình Phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030; được thực hiện nhằm sản xuất cây giống lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô sinh trưởng tốt trong điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu cụ thể là xác định được giá thể, công thức phân bón, nồng độ NAA phù hợp cho sinh trưởng của cây lan Kiếm và xây dựng mô hình sản xuất cây giống lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm.
Hoa lan là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, các loại hoa lan được tiêu thụ mạnh trên thị trường là Dendrobium, Catlleya, Oncidium, hồ điệp, Vanda, Mokara, Cymbidium và một số giống lan rừng. TP.HCM vừa là đầu mối cung cấp hoa lan cho cả nước vừa là thị trường tiêu thụ và xuất khẩu lớn nhất nước. Hoa lan được trồng chủ yếu ở các huyện như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, diện tích trồng hoa lan năm 2021 đạt 370 ha.
Lan Kiếm (Cymbidium sp.) là một trong những loài lan được ưa chuộng trên thị trường bởi sự đa dạng về chủng loại, màu sắc hoa phong phú và có mùi thơm nên còn được mệnh danh là "Nữ hoàng của các loài lan". Ở Việt Nam, chi lan Kiếm được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc và Lâm Đồng, một số loài trồng ở các tỉnh phía Nam. Trong đó, lan Kiếm vàng Củ Chi (Cymbidium finlaysonianum Lindl) là giống lan Kiếm bản địa tại Củ Chi, có sự sinh trưởng khỏe, hoa màu vàng và hương thơm nhẹ dễ chịu, phù hợp sinh trưởng và phát triển ở điều kiện khí hậu nóng ẩm như khu vực TP. HCM và vùng phụ cận.
Lan Kiếm được nhân giống theo phương pháp truyền thống là tách giả hành từ cây mẹ nên hệ số nhân giống thấp chưa đáp ứng được nhu cầu giống cho sản xuất. Việc áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật đã tạo ra một số lượng lớn cây cấy mô cung cấp cây giống cho sản xuất. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống invitro cây lan Kiếm vàng Củ Chi, tuy nhiên quy trình trồng, chăm sóc cây lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô ở giai đoạn vườn ươm chưa được hoàn thiện. Trồng và chăm sóc cây lan Kiếm ở vườn ươm chú trọng việc chọn các giá thể, chế độ phân bón, kỹ thuật chăm sóc là các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Cây lan Kiếm yêu cầu giá thể phải có khả năng giữ ẩm nhưng phải đảm bảo sự thông thoáng, phân bón cho cây phải tùy thuộc vào độ tuổi của cây, từng giai đoạn sinh trưởng mà chọn chế độ bón phân cho hợp lý để cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên được thực hiện từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2024 với các nội dung như khảo sát tình hình sản xuất lan Kiếm tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận; khảo sát công thức giá thể và phân bón thích hợp sự sinh trưởng của lan Kiếm (Cymbidium sp.) từ giống nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 tại vườn lan Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao; khảo sát nồng độ NAA thích hợp cho sự sinh trưởng của lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm tại TP.HCM; xây dựng mô hình trồng lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, kết quả khảo sát tình hình sản xuất lan Kiếm trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh lân cận cho thấy, tại các hộ trồng lan Kiếm thì sử dụng cây giống từ giống tách giả hành và giống cây cấy mô. Trong đó, huyện Nhà Bè có tỉ lệ hộ trồng lan từ giống tách giả hành thấp nhất (30,5%), huyện Đức Hòa (Long An) có tỉ lệ cao nhất là 55,5%. Đối với hộ sử dụng giống lan cấy mô, huyện Hóc Môn có tỉ lệ hộ trồng thấp nhất (9,5%) và Bình Chánh có tỉ lệ hộ trồng cao nhất 24,3%. Ngoài ra, còn có các hộ trồng lan Kiếm sử dụng cả giống từ tách giả hành và giống cấy mô, huyện Bình Chánh có tỉ lệ hộ trồng thấp nhất 28,1% và huyện Nhà Bè có tỉ lệ hộ trồng cao nhất 48,0%.
Giá thể sử dụng để trồng lan Kiếm đa dạng và phong phú về loại vật liệu và các công thức phối trộn vật liệu. Ảnh hưởng của 7 công thức giá thể khác nhau đến sự sinh trưởng của cây lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô ở giai đoạn vườn ươm bao gồm: 100% mụn dừa (đối chứng); 50% mụn dừa + 25% rễ dương xỉ + 25% vỏ trấu; 50% mụn dừa + 25% rễ dương xỉ + 25% than củi; 50% mụn dừa + 25% rễ dương xỉ + 25% vỏ đậu phộng; 50% mụn dừa + 25% vỏ trấu + 25% vỏ đậu phộng; 50% mụn dừa + 25% vỏ trấu + 25% than củi; 50% mụn dừa + 25% vỏ đậu phộng + 25% than củi. Kết quả cho thấy giá thể phù hợp để trồng cây lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm là 50% mụn dừa + 25% rễ dương xỉ + 25% vỏ trấu; hoặc 50% mụn dừa + 25% vỏ trấu + 25% vỏ đậu phộng. Cây lan Kiếm nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm được trồng trên giá thể này có các chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao cây, số lá trên cây, chiều rộng lá và số chồi/cây tối ưu hơn so với các loại giá thể khác.
Khảo sát công thức phân bón đến sự sinh trưởng của cây lan Kiếm từ giống nuôi cấy mô ở giai đoạn vườn ươm gồm: Growmore 30 – 10 – 10 (đối chứng); 1 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 1 lần Seaweed; 1 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 1 lần Vitamin B1; 1 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 1 lần Seaweed + 1 lần Vitamin B1; 1 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 2 lần Seaweed; 1 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 2 lần Vitamin B1; 2 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 1 lần Seaweed; 2 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 1 lần Vitamin B1; 2 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 1 lần Seaweed + 1 lần Vitamin B1. Kết quả cho thấy, công thức phun 1 lần Growmore 30 – 10 – 10 + 1 lần Seaweed + 1 lần Vitamin B1 cho kết quả tối ưu về các chỉ tiêu sinh trưởng cũng như sâu bệnh hại. Cây từ 0 - 2 tháng tuổi phun phân Growmore 30 – 10 – 10 (0,5 g/L); phân Seaweed, và vitamin B1 (0,5 mL/L), phun 2 lần/tuần. Cây từ 3 tháng tuổi phun phân Growmore 30 – 10 – 10 (0,1 g/L); phân Seaweed, và vitamin B1 (0,1 mL/L), phun 1 lần/tuần. Cây lan Kiếm có sự sinh trưởng qua các chỉ tiêu về chiều cao cây (21,9 cm), số lá trên cây (12,1 lá), chiều rộng lá (14,2 mm), số chồi/cây (2,0 chồi), tỉ lệ bệnh thối nhũn và bệnh đốm lá thấp.
Đánh giá ảnh hưởng của NAA (Naphthalene Acetic Acid) đến sinh trưởng cây lan Kiếm ở các nồng độ khác nhau gồm: 0 ppm (phun nước lã đối chứng), 1 ppm, 2 ppm, 3 ppm, 4 ppm và 5 ppm. Kết quả cho thấy, khi phun NAA ở nồng độ 3 ppm, chu kỳ phun 1 lần/tháng, cây lan Kiếm có các chỉ tiêu về sinh trưởng ở giai đoạn vườn ươm tối ưu nhất. Ở thời điểm 5 tháng sau trồng chiều cao cây đạt 23,4 cm, số lá/cây (12,9 lá), chiều rộng lá (15,0 mm), số chồi/cây (2,2 chồi), số rễ (13,7 rễ/cây), chiều dài rễ (23,7 cm) và tỉ lệ bệnh thối nhũn và bệnh đốm lá thấp (1,7%).
Từ các kết quả thí nghiệm trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình sản xuất cây lan Kiếm từ giống nuôi cây mô áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới. Kết quả cho thấy, tỉ lệ sống của cây đạt 96,2%, chiều cao cây là 23,8 cm, số lá 12,4 lá/cây, chiều rộng lá 14,6 mm, 2,1 chồi/cây, tỉ lệ bệnh thối nhũn 1,5%, tỉ lệ bệnh đốm lá 1,7% và tỉ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn là 87,1%. Lợi nhuận thu được là 66.718.800 đồng/1.000 m2/vụ. Các chỉ tiêu về sinh trưởng và lợi nhuận đều cao hơn so với đối chứng (kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lan Kiếm của nông dân).
Kết quả của nhiệm vụ có giá trị khoa học cho các nghiên cứu về cây lan Kiếm nói chung và các loài lan khác có điều kiện sinh trưởng tương tự; làm cơ sở ứng dụng vào sản xuất cây giống lan Kiếm giai đoạn vườn ươm với số lượng lớn, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sản xuất cây giống lan, mang lại thu nhập cho đơn vị, giúp người trồng lan tiết kiệm chi phí đầu tư, góp phần cung cấp cây giống lan Kiếm cho thị trường với giá cạnh tranh, cây sinh trưởng và phát triển tốt.