Nghiên cứu giải pháp quản lý sâu ăn lá (Antheraea frithi) gây hại cây dầu rái và sao đen tại TP.HCM
Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ chủ trì thực hiện, TS. Nguyễn Thị Hải Hồng làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2024.
.jpg)
Cây sao đen (trái) và dầu rái (phải) bị sâu ăn lá gây hại
Sao đen (Hopea odorata) và dầu rái (Dipterocarpus alatus), thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae), là hai loài cây bản địa gỗ lớn thường xanh, có giá trị kinh tế cao, chiếm ưu thế trong rừng mưa nhiệt đới. Hai loài này được xếp vào loại cây ưu tiên cho trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng cảnh quan, đô thị và khu công nghiệp, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2005) đưa vào danh mục các loài cây chủ yếu tiên phong cho trồng rừng sản xuất tại 3 vùng sinh thái lâm nghiệp Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại TP.HCM, dầu rái và sao đen là loài cây chính được chọn lựa trồng dọc các tuyến đường lớn, trong các công viên và đặc biệt trồng rừng tập trung ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh,… đóng góp giá trị đặc biệt về cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái của Thành phố.
Tuy nhiên, hiên nay rừng trồng dầu rái và sao đen đã và đang phải đối mặt với sự tấn công của loài sâu ăn lá gây hại. Sâu ăn lá (Antheraea frithi) thuộc họ Ngài hoàng đế (Saturniidae), bộ Cánh vẩy (Lepidoptera). Loài sâu này đã gây hại nghiêm trọng đối với rừng trồng, cây đường phố, đặc biệt là hai loài sao đen và dầu rái tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trong những năm qua. Tại các khu rừng trồng dầu rái và sao đen của Sư đoàn 9, huyện Củ Chi (TP.HCM), sâu ăn lá bắt đầu xuất hiện từ tháng 3/2017, lan rộng trên diện tích khoảng 5 ha trong suốt mùa mưa và nhiều cây bị sâu ăn trụi lá và chết. Ngoài ra, sâu ăn lá còn tấn công các hàng cây sao đen, dầu rái ở đường phố tại TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Bình Phước, và cây bàng ở Tiền Giang, Bến Tre,... Việc phòng trừ còn gặp nhiều khó khăn vì chưa nghiên cứu đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh phát triển và các biện pháp phòng trừ hợp lý.
Nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên được thực hiện với mục tiêu quản lý tổng hợp loài sâu ăn lá gây hại cây dầu rái và sao đen, hạn chế thiệt hại do sâu gây ra cho rừng trồng và cây xanh đô thị tại TP.HCM. Nhóm tác giả đã tiến hành các nội dung: đánh giá hiện trạng gây hại và đặc điểm sinh thái của sâu ăn lá trên cây dầu rái và sao đen tại Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu đặc điểm sinh học của sâu ăn lá; nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sâu ăn lá trên cây dầu rái và sao đen; hướng dẫn kỹ thuật quản lý sâu ăn lá phù hợp điều kiện sinh thái của Thành phố Hồ Chí Minh; hội nghị khoa học về kỹ thuật quản lý sâu ăn lá.
Theo đó, hiện trạng gây hại của sâu ăn lá đối với sao đen và dầu rái tại TP.HCM có tỷ lệ gây hại trung bình và chỉ số bị hại bình quân thấp. Tỷ lệ cây phục hồi và mức độ phục hồi cao đối với 2 loài. Loài sâu ăn lá này xuất hiện gối lứa, đa pha trong cùng thời điểm trong năm. Trưởng thành bắt đầu xuất hiện giữa tháng 4, giao phối và đẻ trứng. Sâu non xuất hiện đầu tháng 5. Sâu ăn lá có thể hoàn thành từ 2 - 4 vòng đời trong năm. Kết quả khảo sát cũng xác định thành phần thiên địch (5 loài thiên địch ăn thịt và 3 loài thiên địch ký sinh) của sâu ăn lá (Antheraea frithi) trên cây dầu rái và sao đen.

Cây sao đen bị sâu ăn lá gây hại (trái) và phục hồi (phải)
Về ẩm độ và lượng mưa, đây là 2 yếu tố ảnh hưởng rõ rệt nhất trong các yếu tố được theo dõi đến quá trình phát triển của sâu ăn lá. Mối tương quan giữa mật độ sâu với ẩm độ và lượng mưa là ở mức khá. Dự báo khả năng phát dịch dựa vào biểu đồ khí hậu cho thấy sự tương đồng không lớn giữa biểu đồ khí hậu của năm 2023 và năm phát dịch 2020, năm 2024 được dự báo khả năng phát dịch sâu ăn lá tại TP.HCM là không cao. Dự báo khả năng phát dịch dựa vào chỉ số khả năng phát dịch là 1,02 (> 1) cho thấy khả năng bùng phát dịch loài sâu hại này trên cây dầu rái và sao đen ở mức không cao.
Về đặc điểm sinh học của sâu ăn lá, loài này có vòng đời từ 50 – 91 ngày. Mỗi trưởng thành cái trung bình đẻ 220 trứng, tập trung trên thân cây và bề mặt lá. Sâu non có 5 tuổi, phân bố đều trên tán lá và gây hại mạnh ở tuổi 4 và 5. Nhộng được làm trên cây, bám vào cuống lá và mặt sau của lá, phân bố đều khắp tán lá. Có 3 – 4 lứa sâu/năm gối nhau gây hại từ tháng 4 đến tháng 10.
Về biện pháp phòng trừ sâu ăn lá trên cây dầu rái và sao đen, theo nhóm nghiên cứu, biện pháp lâm sinh đã làm giảm tỷ lệ bị hại và chỉ số bị hại ở cả hai loài dầu rái và sao đen sau 3 tháng tác động. Các biện pháp lâm sinh áp dụng như bón phân, kết hợp phát dọn thực bì, vệ sinh rừng, thu gom tiêu diệt trứng, sâu, nhộng, trưởng thành,… Hiệu quả của biện pháp lâm sinh ở mức tương đối với tỷ lệ bị hại 19,6 – 28,0% (sao đen – dầu rái) và chỉ số bị hại là 21,1 – 32,7% (dầu rái – sao đen).
Biện pháp vật lý sử dụng bẫy đèn ánh sáng trắng và ánh sáng tím đều thu hút được trưởng thành. Hiệu quả của bẫy đèn trong phòng trừ sâu ăn lá ở cây dầu rái và sao đen ở mức thấp đến trung bình, đạt 26,2 - 35,0% đối với tỷ lệ gây hại và 42,3 - 56,8% đối với chỉ số bị hại. Biện pháp sinh học sử dụng thuốc sinh học chứa hoạt chất Emamectin benzoate (Tasieu 1.9EC) và Spinosad (Akasa 25 EC) có hiệu lực trừ sâu đạt 100% sau khi phun 1 ngày đối với sâu ăn lá tuổi 1 - 3 và 5 ngày đối với sâu tuổi 4 - 5 trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, hiệu lực của 2 loại thuốc ở hiện trường đạt 83,1 - 85,2% sau 10 ngày phun rừng trồng dầu rái và sao đen.

Một số hình ảnh thí nghiệm giải pháp quản lý, phòng trừ sâu ăn lá trên rừng trồng dầu rái
Biện pháp hóa học sử dụng thuốc hóa học chứa hoạt chất Deltamethrin (Decis 2.5EC), Cypermethrin (Sherpa 25EC) và Etofenprox (Trebon 10EC) có hiệu lực đạt 100%, tác dụng nhanh trong phòng trừ sâu ăn lá trong vòng 4 - 12 giờ phun thuốc trong phòng thí nghiệm. Ngoài hiện trường, hai loại thuốc trừ sâu hóa học chứa hoạt chất Cypermethrin (Sherpa 25EC) và Etofenprox (Trebon 10EC) đều có hiệu lực cao là 91,9 - 92,8% sau 10 ngày phun. Biện pháp phòng trừ tổng hợp đã áp dụng kết hợp biện pháp lâm sinh, biện pháp vật lý và biện pháp sinh học cho thấy hiệu quả phòng trừ đạt trên 76%.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được sổ tay hướng dẫn "Kỹ thuật quản lý sâu ăn lá (Antheraea frithi) gây hại cây dầu rái và sao đen tại TP. Hồ Chí Minh" với các nội dung chính như khái niệm về sâu hại cây rừng; đặc điểm sinh học sâu ăn lá dầu rái và sao đen (đặc điểm nhận biết, vòng đời của loài sâu ăn lá, tập tính và đặc điểm gây hại,…); biện pháp phòng trừ sâu ăn lá (nguyên tắc trong phòng chống sâu hại cây rừng, biện pháp thủ công, biện pháp bẫy đèn, biện pháp lâm sinh, biện pháp sinh học,…). Kết quả của đề tài giúp cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học và đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả trong việc bảo vệ rừng trồng, cây đường phố dầu rái và sao đen trên địa bàn TP.HCM. Qua đó giúp hạn chế thiệt hại gây ra đối với rừng trồng dầu rái và sao đen trên địa bàn Thành phố.