Nghiệm thu dự án “Điều tra, bình tuyển cây đầu dòng, xác định gốc ghép và một số kỹ thuật làm tăng năng suất, phẩm chất và kéo dài thời gian bảo quản dâu Hạ Châu (Baccaurea Ramiflora Lour.)
Ngày 17/7/2012, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu dự án “Điều tra, bình tuyển cây đầu dòng, xác định gốc ghép và một số kỹ thuật làm tăng năng suất, phẩm chất và kéo dài thời gian bảo quản dâu Hạ Châu (Baccaurea Ramiflora Lour.) do PGs. Ts. Trần Văn Hâu – Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu bình
tuyển được cây đầu dòng phục vụ cho nhu cầu nhân giống mở rộng diện tích xây
dựng vùng chuyên canh dâu Hạ Châu của thành phố Cần Thơ; đề xuất quy trình canh
tác dâu đạt năng suất, ổn định và có chất lượng đặc sản của cây dâu Hạ Châu; đề
xuất quy trình thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch trái dâu với yêu cầu bảo
toàn giá trị thương phẩm và kéo dài thời gian tồn trữ. Ban chủ nhiệm còn đề ra
mục tiêu lâu dài như sau: Việc xác định được cây đầu dòng với loại gốc ghép và
kỹ thuật ghép thích hợp là tiền đề cho việc mở rộng vùng chuyên canh tạo ra sản
phẩm có chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng cho việc xây dựng và phát triển
thương hiệu dâu Hạ Châu Phong Điền; góp phần xây dựng quy trình canh tác dâu
trong vùng nhằm đạt được năng suất cao, ổn định; có chất lượng ngon, đồng đều,
mẫu mã đẹp; điều khiển cho cây ra hoa tập trung, có thể cung ứng hàng hóa phục
vụ cho nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương.
Qua quá trình nghiên cứu, ban
chủ nhiệm dự án có một số kết luận như:
Về hiện trạng canh tác dâu Hạ
Châu tại huyện Phong Điền: dâu Hạ Châu có hai dạng trái là giống trái tròn và
giống trái dài, trong đó giống trái tròn có vị ngọt thanh được nông dân ưa
chuộng và trồng phổ biến (80%). Dâu Hạ Châu ra hoa chính và đầu mùa mưa (tháng
4,5) thu hoạch vào tháng 9,10, có thể kéo dài đến tháng 11 (vụ muộn) và ra hoa
sớm từ tháng 11-12, thu hoạch vào tháng 4-4 do điều khiển bằng phương pháp quản
lý nước. Dâu được trồng trên liếp đôi, có kích thước từ 6-8 m, trồng theo dạng
tam giác với khoảng cách từ 4-6 x 4-6 m. Cây được trồng xen kẽ trong vườn hay
tháp trên câu cái với tỷ lệ từ 5-20%. Phân bón cho cây dâu được quan tâm nhiều
ở giai đoạn sau thu hoạch (68,3%), nuôi trái một lần (80%) và tăng cường phân
Kali vào nuôi trái lần hai (89,9 g/cây). Có 78,3% nhà vườn điều khiển cho dâu
ra hoa sớm bằng phương pháp quản lý nước, tỷ lệ ra hoa đạt khá cao. Có 38,3% hộ
nông dân áp dụng thụ phấn bổ sung. Ruồi đực trái là côn trùng gây hại quan
trọng làm giảm năng suất dâu (81,7% số hộ), trong khi nhện đỏ và bọ trĩ (35% số
hộ) là hai đối tượng làm giảm giá trị thương phẩm trái. Bên cạnh đó sâu ăn da
cây gây hại đến ra hoa là 60%.
Về bình tuyển cây đầu dòng: dựa
vào sự phát hiện của nông dân trong suốt quá trình điều tra, đánh giá của
cán bộ địa phương và quá trình theo dõi các đặc tính sinh trưởng, năng suất,
các thành phần năng suất, phẩm chất trái và sự mẫn cảm với sâu bệnh trong thời
gian 3 năm (2009-2011) đã có 14 cây đực và 15 cây dâu cái đã được công nhận là
cây đầu dòng bởi hội đồng bình tuyển cây đầu dòng do sở Nông nghiệp &
Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ thành lập. Mười bốn cây dâu được được
công nhận cây đầu dòng có mã số: N5, T1, T2, T3, T4, T5, H1, h2, H3, M1, M2,
M3, M4, M5 và 15 cây cái đó là: 3M1, 3M2, 3M8, 7N1, 7N2, 7N4, NA3, 7T14, 7T15,
7T16, 7T17, 7T18, PD2 và PD3.
Về phương pháp ghép và gốc ghép:
trong giai đoạn vườn ươm, phương pháp ghép áp có bọc nước theo kinh nghiệm của
nông dân ở Phong Điền và phương pháp ghép nêm có tỉ lệ cây sống như nhau nhưng
phương pháp ghép áp cây mọc nhiều chồi và chồi có lá hơn so với ghép nêm. Sử
dụng các loại gốc ghép dâu Hạ Châu, dâu Xanh hay dâu Bòn Bon đều có tỷ lệ cây
sống cao hơn gốc ghép dâu Xiêm. Tuy nhiên, khi trồng ra đồng cây ghép trên gốc
ghép dâu Hạ Châu phát triển chiều cao cây, đường kính tán, đường kính gốc thân
và phát triển cành mạnh hơn các loại gốc ghép khác.
Về kỹ thuật tăng năng suất và
phẩm chất dâu Hạ Châu: hoa đực và hoa cái xuất hiện cùng lúc và phát triển
trong 33,5 ± 0,9 ngày. Hao bắt đầu nở ở giai đoạn 29,3 ± 0,4 ngày và kéo dài
trong 3,7 ± 0,3 ngày. Tỷ lệ đậu trái đạt khá cao (87,5%), sự rụng trái non xuất
hiện ở giai đoạn 8-24 ngày sau khi đậu trái, tập trung ở giai đoạn 16 ngày sau
khi đậu trái, tỷ lệ trái còn lại trên phát hoa đạt 13,2%. Từ khi đậu trái đến
khi thu hoạch là 130 ngày. Trọng lượng trái tăng nhanh ở giai đoạn 80-90 ngày
sau khi đậu trái do sự tăng trưởng của hạt và thịt trái. Thời gian phát hoa cái
nở tập trung trong ngày là từ 21:00 tối đến 7:00 sáng. Riêng từng hoa cái
thì hoa cái hé nở vào 4:10 sáng ± 0,18, nở vào 4:40 sáng ± 0:20 ngày hôm
sau và nở hoàn toàn vào 5:45 sáng ± 0,20 vào ngày thứ bau khi hé. Thời điểm phát
hoa đực nở trong ngày là từ 21:00 tối đến 7:00 sáng. Khoảng cách hạt phấn hoa
đực dâu Hạ Châu di chuyển là rất ngắn, phạm vi phát tán là 4m cách cây đực. Hoa
tung phấn nhiều nhất vào 3:00 đến 6:00 sáng. Thu hoạch trái dâu Hạ Châu trong
giai doạn từ 130 ngày sau khi đậu trái. Vỏ trái có màu sắc đẹp (màu trắng
ngà đặc trưng), độ ngọt cao (17,67%), độ chua thấp (1,72%) và hàm lượng vitamin
C cao nhất (8,07 mg/100 g thịt trái). Thụ phấn bổ sung bằng cách treo phát hoa
đực lên cây cái hay phun hạt phấn hoa đực hòa trong nước lên phấn hoa cái
để cải thiện tỷ lệ đậu trái. H3BO3 ở nồng độ 10 ppm có
tác dụng làm tăng tỷ lệ nẩy mầm và chiều dài ống phấn trong môi trường 6,6%
đường sucrose. Phun GA3 ở nồng độ 40ppm sau khi đậu trái có tác dụng
cao gấp 2,5 lần so với đối chứng. Xử lý cho dâu ra hoa sớm bằng cách xiết nước
từ 20-40 ngày trong mùa khô hay kết hợp phủ gốc bằng màng phủ trong mùa mưa hay
có thể xử lý paclobutrazol bằng cách tưới vào đất với liều lượng từ 0,5 – 10 ga.i./m
đường kính tán kết hợp với phủ liếp. Phun lên lá KNO3 nồng độ 0,5%
hoặc 1% giai đoạn 30 ngày hay 45 ngày trước thu hoạch có tác dụng làm giảm tổng
acid chuẩn độ trong thịt trái của trái dâu nhưng không ảnh hưởng đến độ Brix và
hàm lượng vitamin C.
Về bảo quản sau thu hoạch: bảo
quản dâu Hạ Châu ở nhiệt độ mát (20°C) bằng bao PP với độ dày khoảng 0,195 mm
đục lỗ 0,3% hoặc bao bì PSE + PVC kết hợp với thùng carton có thể kéo dài đến
17 ngày, giá trị thương phẩm của sản phẩm còn duy trì tốt.
Dự án đã được Hội đồng nghiệm
thu đánh giá cao.