Bộ KH&CN sẵn sàng nhận các nhiệm vụ thách thức cao, mục tiêu cao và hướng vào kết quả cuối cùng
"Tôi xin cam kết với Phó Thủ tướng rằng những gì đã nói, đã hứa ngày hôm nay sẽ làm và làm xong, kể cả những việc đã tồn đọng trong 20 năm", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc ngày 1/4.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Sau hợp nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện chức năng, quản lý Nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược, phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ (SHTT); tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp CNTT, công nghiệp công nghệ số; ứng dụng CNTT; giao dịch điện tử; chuyển đổi số (CĐS) quốc gia; quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Bộ KH&CN chiều 1/4, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long báo cáo một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2025.
Cụ thể, về CĐS quốc gia, Bộ đang xây dựng Chương trình chuyển đổi AI quốc gia để ứng dụng AI trong tất cả các lĩnh vực, toàn dân và toàn diện, trong đó có một ứng dụng nổi bật thực hiện toàn dân, toàn diện là mỗi người dân Việt Nam có một trợ lý ảo Việt Nam; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2025. Đồng thời, triển khai xây dựng hạ tầng tính toán AI dùng chung (siêu máy tính AI). Hạ tầng này giúp các doanh nghiệp (DN) phát triển các ứng dụng AI, mô phỏng AI, huấn luyện AI.
Về hạ tầng số, Bộ đặt mục tiêu tăng gấp đôi tốc độ truy nhập Internet di động bằng cách đầu tư 5G; và đưa một dịch vụ mới vào phủ sóng vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, đối với chính phủ số, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, phấn đấu đạt 80% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được xử lý toàn trình. Các Bộ, ngành, địa phương có Trung tâm điều hành thông minh.
Về kinh tế số, Bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã (dự kiến tháng 4/2025); xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ CĐS; xây dựng nền tảng số dùng chung ngành, lĩnh vực; phân bổ voucher cho các DN có nhu cầu thực hiện CĐS.
Về lĩnh vực công nghệ số, Bộ tập trung hoàn thành danh mục công nghệ chiến lược; chương trình phát triển công nghệ chiến lược; công nghiệp chiến lược. Cùng với đó là ban hành Đề án Quốc gia khởi nghiệp với tinh thần ĐMST trong toàn dân; sử dụng hiệu quả Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF); xây dựng và triển khai Quỹ Đầu tư mạo hiểm;…
Trong lĩnh vực KHCN, Bộ đang tích cực xây dựng hạ tầng KHCN dùng chung; tái cấu trúc các chương trình KHCN quốc gia; ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN, CĐS, ĐMST.
Về SHTT, Bộ quyết tâm giải quyết các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tồn đọng từ 2024 về trước, hoàn thành trước T10/2025; Chuyển từ bảo vệ quyền SHTT sang tài sản hóa, thương mại hóa, thị trường hóa các kết quả nghiên cứu.
Đưa KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Bộ KH&CN đã chuẩn bị và báo cáo theo cách đổi mới, đầy đủ, toàn diện, đi thẳng vào nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề cốt lõi, mang tính chiến lược của ngành, của Bộ ngay trong năm 2025.
Theo Phó Thủ tướng, qua 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn. Đại hội XIII của Đảng đã xác định 2 mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2030, đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, đất nước ta trở thành nước phát triển và có thu nhập cao. Và đến giờ này, Việt Nam không điều chỉnh mục tiêu đó.
"Thời gian còn lại không nhiều, muốn đạt mục tiêu đề ra, chúng ta phải có những động lực mới, chính là KHCN và ĐMST", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng xác định KHCN, ĐMST là động lực đột phá chiến lược. Bây giờ, chúng ta đang tiếp tục khẳng định vai trò của KHCN và ĐMST, CĐS cho giai đoạn tới; lấy KHCN là động lực chính để phát triển đất nước, phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
“Chúng ta phải thay đổi nhanh để tinh thần mới của Nghị quyết 57 được đưa vào mạnh mẽ, quyết liệt hơn, vì nó rất khác biệt, và đột phá. Đây là chủ trương của Bộ Chính trị, trong đó Bộ KH&CN là lực lượng chủ lực, là nòng cốt, phải nhận thức sâu sắc như vậy để vượt qua được những giới hạn hiện nay của pháp luật, của tư duy, của tầm nhìn, từ đó mới thực hiện được Nghị quyết 57, đưa KHCN và ĐMST thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng: Muốn đạt mục tiêu đề ra, chúng ta phải có những động lực mới, chính là KHCN và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh những kết quả đáng đáng ghi nhận, Phó Thủ tướng cũng lưu ý những hạn chế lớn cần phải giải quyết trong thời gian tới, gồm: Khoảng cách lớn về trình độ phát triển KHCN với các nước phát triển; Nhận thức về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự đầy đủ; còn tồn tại một số "điểm nghẽn" kìm chế sự phát triển của lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS; Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chưa đạt những bước đột phá chiến lược; khả năng ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế; Nguồn nhân lực về KHCN còn thiếu hụt; Nguồn lực đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, hệ thống phòng thí nghiệm, hạ tầng số chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Nhận định tình hình khu vực và thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phân tích 5 xu hướng lớn đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS.
Cụ thể: (i) Dòng vốn đầu tư cho lĩnh vực KHCN, ĐMST ngày càng tăng, bao gồm vốn đầu tư công và đầu tư từ khu vực tư nhân; (ii) AI và AI tạo sinh phát triển ngày càng nhanh và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế; (iii) Hoạt động KHCN, ĐMST ngày càng phát triển dựa trên nền tảng của các hệ sinh thái, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các viện, trường, các tập đoàn lớn, các start up... và chịu tác động ngày càng lớn từ các yếu tố địa chính trị; (iv) Cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn lực cho phát triển lĩnh vực KHCN, ĐSMT, gồm: Nguồn nhân lực chất lượng cao, dữ liệu và năng lực tính toán...; (v) Chính phủ các nước đang nhanh chóng điều chỉnh chính sách và thúc đẩy hợp tác công - tư với tham vọng dẫn dắt lĩnh vực KHCN, ĐMST, CĐS, đặc biệt là trong các ngành chiến lược như bán dẫn, AI...
Theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm đối với Bộ nói riêng và ngành KH&CN nói chung là rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao để đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tám định hướng và nhiệm vụ trọng tâm
Dẫn chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải coi KHCN, ĐMST và CĐS là chìa khóa vàng và là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ bị tụt hậu; đồng thời hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trên cơ sở kết quả đạt được, cùng với những phân tích, dự báo tình hình, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ KH&CN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, sớm kiện toàn bộ máy tổ chức. Bộ phải coi đây là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành, lĩnh vực; sàng lọc bộ máy và sắp xếp lại nhân lực cho phù hợp.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội và Nghị quyết 03 của Chính phủ. Đây là kim chỉ nam để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, các dự án cụ thể, với lộ trình khả thi và trách nhiệm rõ ràng.
Bộ phải nâng cao nhận thức, tạo xung lực mới trong toàn xã hội về vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS; đặt người dân và DN làm trung tâm, nhà khoa học làm nhân tố then chốt, và Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, và thúc đẩy. "Phải cụ thể hóa việc này ngay trong Bộ, cần có một chương trình cụ thể để theo dõi, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 57", Phó Thủ tướng đề nghị.
Thứ ba, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; quyết tâm loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và đề cao tính linh hoạt của thể chế, đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Hoàn thiện thể chế cũng như phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, nghiên cứu hình thành các sàn giao dịch dữ liệu, trong đó cần đảm bảo vai trò dẫn dắt của Nhà nước, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân trong quản lý và sử dụng dữ liệu. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thí điểm để DN thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước. Hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và công nghệ chiến lược. Trong đó, sớm thúc đẩy hoàn thành 2 tuyến cáp quang biển và triển khai mạng 5G toàn quốc, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, và phát triển các công nghệ mũi nhọn, chiến lược. Hạ tầng số phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Thứ năm, tập trung nghiên cứu KHCN và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho các ngành công nghệ chiến lược. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết "ba nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp), lấy ứng dụng thực tiễn làm thước đo hiệu quả nghiên cứu. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, đột phá để thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Có cơ chế tài trợ đặc biệt cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, ghi nhận, tôn vinh các nhà khoa học xứng đáng thông qua truyền thông mạnh mẽ cũng như các hiệu ứng lan tỏa của xã hội.
Thứ sáu, thúc đẩy ĐMST và CĐS trong DN gắn với nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển lĩnh vực KHCN. Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI để tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
"Làm thế nào để khuyến khích được công nghệ mới, công nghệ cao, nâng cao được năng lực của DN Việt Nam mà vẫn thu hút được DN FDI chất lượng cao; rút ngắn khoảng cách giữa DN trong nước và DN FDI, đưa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu", Phó Thủ tướng cho rằng khi thiết kế chính sách phải hết sức lưu ý việc này.
Quan tâm, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu các quỹ: Quỹ ĐMST, Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm…
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác tối đa nguồn lực từ các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn công nghệ lớn để nâng cao năng lực nội tại của Việt Nam.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên nền tảng số, xây dựng các cơ sở quốc gia đồng bộ, bảo đảm an ninh mạng và an toàn dữ liệu.
Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của Bộ và giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, đặc biệt đối với các vấn đề về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, kết nối cơ sở dữ liệu và phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, với bộ máy mới, tinh thần đoàn kết và đổi mới, Bộ KH&CN sẽ hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, đưa KHCN xứng đáng với vai trò mà Đảng, Nhà nước kỳ vọng. Chính phủ sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bộ thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
Bộ KH&CN sẵn sàng nhận các nhiệm vụ thách thức cao, mục tiêu cao và hướng vào kết quả cuối cùng
Trước những chỉ đạo và chia sẻ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ sẽ tiếp thu và triển khai các hành động cụ thể, phấn đấu đạt được kết quả ngay trong năm 2025.

Bộ trưởng trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ KH&CN sẵn sàng nhận các nhiệm vụ thách thức cao, mục tiêu cao và hướng vào kết quả cuối cùng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ KH&CN mới bắt đầu hoạt động từ ngày 1/3/2025, đến nay là tròn 1 tháng. Trong thời gian này, Bộ đã cơ bản ổn định tổ chức và bắt đầu một cách làm việc mới với tinh thần sẵn sàng nhận các nhiệm vụ thách thức cao, mục tiêu cao và hướng vào kết quả cuối cùng. Để từ đây tìm ra những cách tiếp cận mới, đột phá, qua đó nâng cao năng lực cán bộ và xuất hiện những người tài cho đất nước. Như cách làm việc ngày hôm nay cũng đã thay đổi.
"Bộ KH&CN là hạt nhân, nòng cốt trong việc triển khai Nghị quyết 57. Bộ ba KHCN, ĐMST và CĐS là 3 trụ cột chính tạo ra động lực để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Bộ KH&CN nhận nhiệm vụ nếu đất nước tăng trưởng 10% thì ngành KH&CN chịu trách nhiệm thúc đẩy ít nhất 5% tăng trưởng, tức là chiếm từ hơn 50% mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Trước yêu cầu đó, rất nhiều nhiệm vụ với tốc độ triển khai nhanh, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng làm việc có thể nói là chưa bao giờ như thế”, Bộ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là lần đầu tiên Bộ KH&CN báo cáo lãnh đạo Chính phủ theo một cách làm mới - đi thẳng vào vấn đề, không hình thức, xác định rõ các mục tiêu đầu ra cụ thể. Cán bộ lãnh đạo các đơn vị cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nhận trách nhiệm hoàn thành các việc và cũng sẵn sàng rời vị trí nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
"Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Bộ và đồng chí quản lý các đơn vị của Bộ, tôi xin cam kết với Phó Thủ tướng rằng những gì đã nói, đã hứa ngày hôm nay sẽ làm và làm xong, kể cả những việc đã tồn đọng trong 20 năm. Đây là một nỗ lực lớn và thể hiện quyết tâm rất cao của chúng tôi. Các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, những nhận thức mới cùng các nhiệm vụ được giao, Bộ sẽ tiếp nhận, triển khai bằng hành động cụ thể và nỗ lực đạt kết quả ngay trong năm 2025", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định./.
Tạp chí Thông tin và Truyền thông (htquyen)