SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nhìn nhận về chỉ số hạnh phúc quốc gia dưới góc nhìn quản trị nhà nước 

[05/04/2025 08:44]

Hạnh phúc là mưu cầu chính đáng và liên tục của con người, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ không ngừng của xã hội. Với mức sống ngày càng cao, nhu cầu hiểu về hạnh phúc và khát khao hạnh phúc ngày càng cao và trở thành một mục tiêu mặc nhiên trong nỗ lực của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Bài viết phân tích vai trò của chỉ số hạnh phúc trong quản trị nhà nước tốt, từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số hạnh phúc quốc gia ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa

Từ thế kỷ XXI, các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản… đều bắt đầu nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc (CSHP) và đã tạo ra các mô hình CSHP khác nhau. 
Trong số những nghiên cứu định lượng đã công bố được cộng đồng thế giới và giới khoa học quan tâm, đáng chú ý hơn cả là Báo cáo CSHP hành tinh (Happy Planet Index – HPI) thuộc Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation), Báo cáo của Hiệp hội điều tra và nghiên cứu thị trường Win/Gallup International thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) của mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hiệp quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu Trái đất thuộc Đại học Columbia, Hoa Kỳ thực hiện. Theo đó, CSHP là mô hình giúp đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau. Những khía cạnh này được gọi là các CSHP thành phần. Về tổng thể, có 7 chỉ số thành phần định hình nên CSHP chung đó là: 
+ Hạnh phúc về mặt cảm xúc; 
+ Hạnh phúc về mặt thể chất; 
+ Hạnh phúc về mặt xã hội; 
+ Hạnh phúc về mặt nghề nghiệp; 
+ Hạnh phúc về mặt trí tuệ; 
+ Hạnh phúc về mặt môi trường;
+ Hạnh phúc về mặt tinh thần.
CSHP là định hướng về những gì mà người ta thường gọi là “hạnh phúc”; là sự đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với điều kiện sống của họ dựa trên một tiêu chuẩn nhất định. CSHP được chia thành hai dạng. Một là CSHP cá nhân, gồm mức sống của chính con người, tình trạng sức khỏe, thành tựu trong cuộc sống, mối quan hệ giữa các cá nhân, tình trạng an toàn…; Hai là CSHP quốc gia, gồm đánh giá của người dân về tình hình kinh tế hiện tại của đất nước, điều kiện môi trường tự nhiên, điều kiện xã hội, chính phủ, điều kiện kinh doanh và điều kiện an ninh quốc gia.
Một mô hình quản trị nhà nước tốt, CSHP cá nhân có mối quan hệ biện chứng với CSHP quốc gia. Nói một cách khác, một quốc gia hạnh phúc gồm những người dân hạnh phúc. Xã hội hạnh phúc bắt đầu từ việc tạo ra các cá nhân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc. Và ở hướng ngược lại, khi mỗi người dân hạnh phúc với công việc mình làm, thái độ tích cực có thể tạo ra hiệu quả và năng suất cao hơn và khi đó, đất nước sẽ phát triển toàn diện về mọi mặt.

Một quốc gia khi lấy CSHP quốc gia làm chỉ số quan trọng để đo lường sự phát triển xã hội sẽ cho thấy, hầu hết các thành viên trong xã hội đã bắt đầu thoát khỏi những ràng buộc của nhu cầu sinh tồn cơ bản và có mức độ nhu cầu cao hơn, đánh dấu sự phát triển xã hội của đất nước đã bước vào giai đoạn lịch sử mới.
Trong quản trị nhà nước, việc nghiên cứu CSHP quốc gia thông qua các cuộc điều tra và thống kê khác nhau sẽ giúp hiểu được những thay đổi trong cảm xúc và mức độ nhu cầu của người dân; nắm bắt chính xác phương hướng và yêu cầu phát triển xã hội, xây dựng các chính sách khoa học nhằm hướng đến mục tiêu phát triển của xã hội. CSHP là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển xã hội trong quản trị nhà nước tốt. Bởi, CSHP không chỉ phản ánh mức độ hài lòng của người dân đối với sự phát triển xã hội mà còn ngày càng trở thành cơ sở quan trọng cho việc ra quyết định của các cấp chính quyền. Do đó, có thể thấy vai trò của CSHP thể hiện trên các phương diện:
Thứ nhất, CSHP là cơ sở để cân bằng các chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
CSHP là một yếu tố tham chiếu quan trọng để các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh và phát triển các chính sách xã hội cho phù hợp với nhu cầu của người dân và xã hội. Vì vậy, cần nhận định mối quan hệ biện chứng giữa CSHP và GDP. GDP là một chỉ số cứng và CSHP là một chỉ số mềm trong việc thực hiện sự thống nhất giữa phát triển kinh tế – xã hội và phát triển tổng thể của con người một quốc gia. CSHP là cơ sở quan trọng để điều chỉnh chính sách xã hội. 
Thứ hai, CSHP là công cụ để đo lường sự tiến bộ xã hội.
Cảm xúc cá nhân của người dân là cơ sở để xây dựng và điều chỉnh các chính sách khác nhau. Đặc biệt, khi quốc gia vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh về kinh tế – xã hội, cần đặc biệt quan tâm các tác động của chính sách lớn đến hạnh phúc chung của người dân, chú ý đến sự khác biệt và xu hướng hạnh phúc giữa cư dân thành thị và nông thôn, cũng như hạnh phúc của các nhóm lợi ích, nhóm đặc thù lao động khác nhau trong xã hội. Đồng thời, cần xem xét đầy đủ sự phối hợp và thống nhất giữa tốc độ phát triển, cường độ cải cách và hạnh phúc của người dân. Vì vậy, CSHP quốc gia còn là “công cụ đo lường” cho sự tiến bộ chung của xã hội. Để đo lường sự tiến bộ của một xã hội, tiêu chí quan trọng nhất là nó có thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản của sự phát triển toàn diện và hướng về con người hay không, có đáp ứng tốt các nhu cầu kinh tế, chính trị và văn hóa của đông đảo quần chúng hay không và liệu nó có thể phục vụ được nhiều người hay không? Đánh giá từ các tiêu chuẩn này, chỉ số GDP trước đây và các chỉ số khác chỉ phản ánh tăng trưởng kinh tế, khó có thể đo lường toàn diện trạng thái phát triển và tiến bộ xã hội và có thể dẫn đến các lựa chọn chính sách một chiều.
Thứ ba, CSHP đánh giá sự vận hành lành mạnh của xã hội.
CSHP quốc gia là một chỉ số đánh giá sự vận hành lành mạnh của xã hội. Xã hội lành mạnh là một xã hội luôn tồn tại sự bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới; là một xã hội đem lại cho chúng ta những lợi ích, như: cảm xúc, vật chất, sức khỏe. Vì vậy, chìa khóa của một xã hội lành mạnh là sự hài hòa và ổn định. Xã hội có đạt được sự hài hòa và ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào hạnh phúc của đa số các thành viên xã hội. Nếu một xã hội đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khi CSHP quốc gia không thể tăng lên, thậm chí giảm sút thì cần phải nghiêm túc xem xét lại xu hướng tổng thể và định hướng chính sách phát triển xã hội.
CSHP quốc gia có thể cung cấp cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn về vấn đề xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn xã hội có nhiều thay đổi, những phán đoán và lựa chọn của công dân phản ánh tác động của sự thay đổi và biến đổi xã hội ở mức độ lớn. Vì vậy, trong quá trình hội nhập và phát triển, cần sử dụng chỉ số hạnh phúc quốc gia như một chỉ số đo lường sự vận hành lành mạnh của xã hội. 
Thứ tư, CSHP quốc gia đo lường tư duy quản trị nhà nước của chính phủ.
Để đổi mới quản trị quốc gia, đòi hỏi chính phủ cần phải đổi mới tư duy quản trị. Theo đó, chính phủ cần xây dựng các chiến lược quản trị cụ thể nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng phát triển, tạo ra thể chế cho phát triển, kiến tạo ra luật chơi, sân chơi và cả người chơi phù hợp trong hành trình phát triển quốc gia. Sự tham gia của xã hội vào quá trình quản trị quốc gia như một tất yếu, mà ở đây là sự tham gia trực tiếp của người dân, của các tổ chức chính trị – xã hội vào quá trình hoạch định chính sách, thực hiện chính sách phát triển.

quanlynhanuoc.vn-Trường Đại học Luật Hà Nội
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ