Đánh giá kết quả phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới ở trẻ em tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đỗ Thị Ngọc Linh, Dương Hồng Quân, Trần Ngọc Vân, Nguyễn Thị Thu Hằng, và Nguyễn Hồng Hà từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thực hiện nhằm đánh giá kết quả phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới ở trẻ em.

Ảnh minh họa
Gãy xương hàm dưới chiếm tới 48,8% trong các trường hợp gãy xương mặt ở trẻ em, nhưng hiện tại có nhiều phương pháp điều trị khác nhau và ít nghiên cứu mô tả kết quả phẫu thuật cho loại chấn thương này. Nghiên cứu mô tả nguyên nhân, các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị phẫu thuật ở trẻ em có gãy xương hàm dưới.
Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp hồi cứu trên các bệnh nhân dưới 16 tuổi được chẩn đoán gãy xương hàm dưới và điều trị phẫu thuật tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ năm 2019 đến 2023. Các biến số được nghiên cứu bao gồm dịch tễ học, nguyên nhân chấn thương, các đặc điểm lâm sàng, các gãy xương mặt liên quan, các chấn thương khác đi kèm và kết quả điều trị phẫu thuật. Trong tổng số 53 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, độ tuổi trung bình là 12,8, với tỷ lệ nam/nữ là 3:1. Nguyên nhân chấn thương chủ yếu do tai nạn giao thông, thường gặp ở trẻ trên 12 tuổi.
Kết quả cho thấy, các triệu chứng lâm sàng phổ biến bao gồm đau, sưng nề, biến dạng mặt và khớp cắn sai, với 60,4% trường hợp có gãy xương hàm dưới ở hai vị trí trở lên. Các vị trí gãy hay gặp nhất là vùng cằm và lồi cầu. Kết quả điều trị sau phẫu thuật khá khả quan, với tỷ lệ 88,7% bệnh nhân có kết quả tốt, 7,5% khá, và 3,8% trung bình; không có bệnh nhân nào có kết quả kém. Nghiên cứu cho thấy phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới ở trẻ em có kết quả tương đối tốt, an toàn, và không gây hư hại cho mầm răng hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm dưới trong các giai đoạn phát triển răng miệng.
Tạp chí Y học Việt Nam -Tập 548 (1)/2025