Lực lượng trí thức, khoa học với sự nghiệp Cách mạng
Trong chiến tranh, lực lượng trí thức, khoa học – với những bộ óc thiên tài, đã đóng góp sức mạnh phi thường vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời, là thế hệ tiên phong, đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học lớn của Việt Nam.
Từ kỷ niệm 50 năm ngày đại thắng mùa xuân, cùng tìm lại chân dung 03 nhà trí thức, khoa học tiêu biểu, xây dựng nền móng cho nhiều ngành khoa học lớn của Việt Nam trong giai đoạn cách mạng.
1. Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng – một trong những người mở ra trang sử mới cho Y học Việt Nam

Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng
Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng là người tiên phong trong việc nghiên cứu và điều trị các bệnh lý về gan, nhất là viêm gan mạn tính và ung thư gan. Trong những năm 1940 và 1950, ông đã xây dựng kỹ thuật mổ gan tại Việt Nam, sáng tạo phương pháp phẫu thuật cắt gan, mở ra một trang mới trong lĩnh vực ngoại khoa và mang lại hy vọng cho rất nhiều chiến sĩ và nhân dân, đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc cách mạng.
Trước Tôn Thất Tùng, trên thế giới chỉ mới biết cắt “không kế hoạch” nghĩa là cắt “vu vơ”, gặp mạch gì thì buộc lại. Làm như vậy thật nguy hiểm vì cắt xong, nếu không tìm được mạch đúng để cầm lại, bệnh nhân có thể chết vì máu chảy hay hoại tử gan. Chính Tôn Thất Tùng đưa ra một học thuyết táo bạo: tìm tất cả các mạch máu ở trong gan, buộc chúng lại rồi sau đó mới cắt gan. Đây chính là phương pháp mà sau này được gọi “cắt gan có quy phạm” mà ông là người thực hiện đầu tiên trên thế giới, là “người cha” như lời của bác sĩ J.M.Krivine đã tôn vinh
Tôn Thất Tùng để lại một di sản lớn trong ngành y học, đặc biệt là trong chuyên ngành ngoại khoa gan mật, được nhiều bác sĩ và bệnh nhân ngưỡng mộ. Các phương pháp điều trị và kỹ thuật phẫu thuật của ông tiếp tục được áp dụng và phát triển trong y tế Việt Nam cho đến ngày nay.
2. Giáo sư Tạ Quang Bửu – nhà khoa học uyên bác với tầm nhìn chiến lược vĩ mô

Giáo sư Tạ Quang Bửu
Không phải ngẫu nhiên mà mọi người gọi Giáo sư Tạ Quang Bửu là "cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam". Những cuốn sách ông viết, như: "Sống", "Về các cấu trúc Bourbaki, "Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến", ... đã giúp nhiều nhà khoa học của ta tiếp cận được tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ.
GS Nguyễn Xiển, một người thầy dạy toán kỳ cựu, đã từng nói tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948 ở Việt Bắc: "Với những người mở đường như ông Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, chắc chắn nước ta sẽ có hàng trăm nhà toán học tài không kém các nước". GS Tạ Quang Bửu còn sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, có thể đọc hiểu tiếng Nga, Hán, Hy Lạp cổ, Latinh.
Với khoa học giáo dục, ông chủ trương: Giáo dục phải đi trước để chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước đã được chuẩn bị chu đáo. Do vậy khi chiến tranh kết thúc, nước nhà đã có một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nhiều cán bộ được đào tạo trong thời gian đó hiện đang giữ vai trò nòng cốt trên các mặt giáo dục, khoa học và quản lý kinh tế - xã hội.
Với những cống hiến cho cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, các Huân chương Kháng chiến hạng nhất... và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và công nghệ với "Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước".
3. Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và “nước lọc Penicillin” – loại “nước” thần kỳ trong chiến tranh và lịch sử Y học Việt Nam

Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ
Đặng Văn Ngữ (1910–1967) là một trong những nhà khoa học y sinh đầu tiên và tiêu biểu nhất của Việt Nam hiện đại. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1937, sau đó du học và nghiên cứu chuyên sâu tại Nhật Bản. Năm 1942, ông trở thành người Việt đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y khoa tại Nhật, chuyên ngành vi sinh và miễn dịch học, đồng thời là giáo sư người nước ngoài đầu tiên giảng dạy tại Đại học Y khoa Tokyo. Đây là một trong những bước đột phá hiếm hoi của trí thức Việt Nam trong bối cảnh thuộc địa.
Một trong những đóng góp khoa học nổi bật và có giá trị thực tiễn sâu sắc nhất của GS. Đặng Văn Ngữ là nghiên cứu và sản xuất penicillin – loại kháng sinh quan trọng hàng đầu trong điều trị nhiễm khuẩn.
Trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn, ông đã thành lập tổ nghiên cứu và thành công trong việc sản xuất penicillin bán công nghiệp ngay tại chiến khu Việt Bắc vào đầu thập niên 1950. Đây là lần đầu tiên kháng sinh penicillin được sản xuất trong nước bởi các nhà khoa học Việt Nam, với công nghệ được cải tiến phù hợp điều kiện thực tế. Từ năm 1951, những chai thuốc kháng sinh thô, màu vàng, gọi là “nước lọc Penicillin” đã có mặt khắp chiến trường. Nó có hiệu quả cứu chữa cho thương binh - nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Chính ông đã phát hiện thêm một loại giun chỉ có tên Brugia Malayi và đưa ra phương pháp đếm ấu trùng giun chỉ bằng phòng đếm huyết học – được gọi là “Phương pháp Đặng Văn Ngữ”.
Với những cống hiến khoa học của mình, anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ được trao giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) ngành Khoa học Y dược. Ông đã để lại nhiều thương tiếc trong các thế hệ sau.
htquyen
Theo sách Danh nhân khoa học Việt Nam, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ