SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tỷ lệ non-albumin niệu, một số yếu tố liên quan và kết quả điều trị bằng phối hợp thuốc Dapagliflozin ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có bệnh thận mạn tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

[26/04/2025 14:12]

Bệnh đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ típ 2) đang trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỉ lệ mắc và tử vong ngày càng gia tăng. Trong số các biến chứng do ĐTĐ típ 2 gây ra, bệnh thận mạn (BTM) được xem là một trong những nguyên nhân chính làm tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế, cũng như làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều bệnh nhân BTM không biểu hiện albumin niệu – được gọi là non-albumin niệu – dù đã có giảm chức năng thận, điều này thách thức các phương pháp tầm soát và chẩn đoán truyền thống.

Ảnh minh họa

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết trên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã thực hiện nghiên cứu này, nhằm xác định tỷ lệ non-albumin niệu, các yếu tố liên quan và đánh giá hiệu quả điều trị bằng phối hợp thuốc Dapagliflozin – một thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose loại 2 (SGLT2i) – ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có BTM. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành trên 95 bệnh nhân tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2023 đến tháng 1/2025.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ non-albumin niệu ở nhóm bệnh nhân này lên tới 63,2%. Những yếu tố có liên quan ý nghĩa thống kê với non-albumin niệu bao gồm tiền sử sử dụng thuốc SGLT2i, nồng độ glucose máu lúc đói và chỉ số HbA1c. Điều này cho thấy việc sử dụng các thuốc hiện đại như Dapagliflozin có thể ảnh hưởng đến biểu hiện lâm sàng của bệnh thận mạn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc theo dõi đồng thời chỉ số lọc cầu thận và các yếu tố chuyển hóa thay vì chỉ dựa vào tỷ lệ albumin niệu.

Sau ba tháng điều trị bằng Dapagliflozin, nghiên cứu ghi nhận cải thiện đáng kể về glucose máu lúc đói, HbA1c cũng như độ lọc cầu thận (eGFR). Cụ thể, tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu glucose máu tăng từ 51,1% lên 76,6%, HbA1c tăng từ 42,6% lên 72,3%. Độ lọc cầu thận trung bình tăng 2,8 ml/phút, cho thấy xu hướng cải thiện chức năng thận, dù sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê cao. Tỷ lệ bệnh nhân không đạt mục tiêu ACR sau điều trị là 25,5%, có thể do hiện tượng điều chỉnh huyết động tạm thời ở cầu thận.

Nghiên cứu này góp phần cung cấp thêm bằng chứng lâm sàng về hiệu quả của Dapagliflozin trong kiểm soát đường huyết và bảo vệ chức năng thận ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có BTM. Đồng thời, kết quả cũng cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại các tiêu chuẩn chẩn đoán và theo dõi bệnh thận mạn ở nhóm đối tượng này, đặc biệt là trong bối cảnh sử dụng ngày càng rộng rãi các thuốc có khả năng thay đổi sinh lý bài tiết albumin niệu.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y Dược học Cần Thơ –Số 85/2025.

Tạp chí Y Dược học Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ