Tỉnh thành phía Nam tăng tốc triển khai Nghị quyết 57, quyết tâm đột phá từ khoa học công nghệ
Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP.HCM, Cần Thơ và Sóc Trăng đang đồng loạt thực hiện những chương trình hành động cụ thể với quyết tâm đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực chủ lực phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được đánh giá là văn kiện chiến lược quan trọng, mở đường cho sự phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Ảnh minh họa
Tại TP.HCM, thành phố đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, thể hiện vai trò "đầu tàu" trong công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, với lợi thế là trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục, nơi hội tụ các trường đại học và đội ngũ chuyên gia đầu ngành, thành phố đang chuẩn bị nguồn lực toàn diện để bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.
Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện phương thức quản trị quốc gia và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghệ số hàng đầu cả nước, thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới và nhóm 3 địa phương dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đáng chú ý, TP.HCM đặt tham vọng đến năm 2045 trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao của khu vực Đông Nam Á, với hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo bền vững và quy mô kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GRDP.
Để hiện thực hóa mục tiêu, thành phố tập trung vào chiến lược “1-4-1”: phát triển một trung tâm tài chính quốc tế, bốn trung tâm công nghệ cao tích hợp (trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, dữ liệu lớn, y tế và giáo dục chất lượng cao) và một hạ tầng chiến lược (giao thông và hạ tầng số).
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: "Vai trò của Nhà nước là định hướng và hỗ trợ, nhưng sự thành công phải có sự chung tay của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các nhà khoa học và sự hợp tác quốc tế".
Tại Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên khẳng định, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW cùng với các nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù sẽ là động lực để thành phố phát triển nhanh, hướng đến mục tiêu GRDP tăng trưởng hai con số. Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành các văn bản nền tảng, đồng thời đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ, như thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Khu công nghệ cao, Trung tâm điều hành đô thị thông minh... Năm 2025, thành phố sẽ tổ chức sự kiện “Sản phẩm công nghệ số Made in Vietnam” với chủ đề công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Thành phố đang triển khai giải pháp để tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt trên 80%, đảm bảo 100% cán bộ công chức xử lý công việc trên nền tảng số. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hữu Thanh Bình cho biết, để đáp ứng yêu cầu sau sáp nhập hành chính, Cần Thơ đang ưu tiên nâng cấp 6 nền tảng số thiết yếu, tăng cường truyền thông và bắt buộc cán bộ xử lý ký số trên môi trường mạng.
Còn tại Sóc Trăng, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng đang được thực hiện quyết liệt, bài bản. Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chương trình số 67-CT/TU với 23 chỉ tiêu phát triển, trong đó tập trung mạnh vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đến nay, tỉnh đã ban hành 23 văn bản chỉ đạo triển khai, thiết lập cơ chế điều phối thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Hai đơn vị mũi nhọn là Trung tâm Công nghệ số và Trung tâm Dịch vụ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được đầu tư nâng cao năng lực để phục vụ doanh nghiệp, người dân và các cơ quan nhà nước.
Sóc Trăng cũng đi đầu cả nước trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, phát triển mạng lưới 775 tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng công nghệ số, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Duy nhấn mạnh: “Việc đầu tư cho hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh mà còn từng bước xây dựng một môi trường kinh tế số an toàn, bền vững”.
Với quyết tâm cao và những giải pháp bài bản, các tỉnh thành trên đang góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu lớn mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra: Đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực then chốt cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Duy Trinh (tnxmai)
https://vietq.vn/tinh-thanh-phia-nam-tang-toc-trien-khai-nghi-quyet-57-quyet-tam-dot-pha-tu-khoa-hoc-cong-nghe-d232834.html