Nghị quyết 68-NQ/TW: Bước ngoặt mang tính lịch sử trong phát triển kinh tế tư nhân
Trả lời phỏng vấn về Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội cho rằng, Nghị quyết có nhiều tư tưởng đột phá. Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế, đây là sự chuyển hóa mang tính lịch sử, là bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế tư nhân.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội
Là người đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân nhiều năm qua, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới, đột phá của Nghị quyết 68-NQ/TW so với các chủ trương trước đây liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân với nhiều tư tưởng đột phá. Tại Nghị quyết này, lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, không còn là “một trong những động lực” như các văn kiện trước đây. Nghị quyết thể hiện sự chuyển hóa mang tính lịch sử trong tư duy quản trị và xây dựng thể chế kinh tế tại Việt Nam.
Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực tư nhân hiện có 940 ngàn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách và tạo việc làm cho 82% lực lượng lao động cả nước. Việc đặt khu vực kinh tế tư nhân vào vị trí trung tâm, đồng hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể nói lên sự chuyển dịch căn bản: Nhà nước coi doanh nhân là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, đồng hành cùng khu vực công trong kiến tạo thịnh vượng quốc gia.
Nghị quyết đặt ra những mục tiêu táo bạo, đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực tư nhân đóng góp 55 - 58% GDP. Đến năm 2045, cả nước có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây không chỉ là tham vọng tăng trưởng về số lượng mà chính là xây dựng chiến lược hội nhập sâu của khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, Nghị quyết 68 tạo đột phá về nguồn lực tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. Khác với Nghị quyết 10 vốn thiên về định hướng, Nghị quyết 68 quy định cụ thể hoá ba dòng vốn: ưu tiên một phần tín dụng thương mại cho doanh nghiệp tư nhân; hoàn thiện Quỹ bảo lãnh tín dụng & Quỹ Phát triển DNNVV; bổ sung chức năng “vốn mồi” cho quỹ đầu tư địa phương, khuyến khích quỹ đầu tư tư nhân - tức trao cơ chế để ngân sách “dẫn dắt” nguồn lực xã hội.
Như vậy, Nghị quyết 68 không chỉ dừng ở thông điệp chính trị mà đi thẳng vào thiết kế chính sách, cho phép khu vực kinh tế tư nhân nhanh chóng nhìn thấy “lối đi” tới thị trường, vốn, công nghệ.
Nghị quyết đặt mục tiêu kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng. Ông có kỳ vọng gì vào việc thực thi Nghị quyết này sẽ tác động tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân?
Cùng với mục tiêu, Nghị quyết đi kèm với các giải pháp thực thi cụ thể và mạnh mẽ. Khác với một số văn kiện trước đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện. Theo đó, sẽ thúc đẩy tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chính danh.
Cùng với đó, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và FDI; bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, xử lý các hành vi “lạm dụng thanh tra, kiểm tra” gây cản trở hoạt động doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng yêu cầu cải cách pháp luật dân sự, hình sự theo hướng ưu tiên xử lý kinh tế trước hình sự, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế một cách không cần thiết.
Nếu được thực thi đúng tinh thần và đến nơi đến chốn, Nghị quyết 68 sẽ là dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển bền vững.

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội có kế hoạch gì để hỗ trợ hội viên nắm bắt và tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 68, nhất là về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị, thưa ông?
Nắm bắt cơ hội từ Nghị quyết 68, chúng tôi đã trình Ban Chấp hành Hanoisme Chương trình hành động 2025 - 2030 xoay quanh năm trụ cột.
Đó là, “One‑Stop SME”- Trung tâm dịch vụ công số, với mục tiêu rút ngắn 50 % thời gian khởi sự và 30 % chi phí tuân thủ cho 30 000 hội viên vào cuối 2027. Hiệp hội sẽ phối hợp Sở KH&ĐT tích hợp đăng ký kinh doanh - thuế - bảo hiểm - hoá đơn điện tử vào duy nhất Tài khoản DN ID. Tất cả nộp‑nhận hồ sơ qua app di động; dữ liệu đồng bộ với Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp có “hồ sơ tín nhiệm” trực tuyến.
Để đa dạng nguồn cung tín dụng, Hiệp hội triển khai Quỹ “SME Innovation & Green Finance” – 5.000 tỷ đồng, với mục tiêu cấp vốn lãi suất < 4 %/năm, kỳ hạn 7 năm cho 2.000 dự án số hoá & ESG. Theo đó, huy động 2.000 tỷ từ ngân sách thành phố, 1.000 tỷ từ Quỹ Phát triển DNNVV Trung ương, 2.000 tỷ đối ứng ngân hàng. Quỹ chịu 50 % rủi ro, ngân hàng 50 %. Điểm mới là chấp nhận tài sản bảo đảm là quyền sở hữu trí tuệ, hợp đồng mua bán CO2 và dòng tiền đã được kiểm toán kỹ thuật số.
Triển khai “SME Digital Fast‑Track” với mục tiêu đào tạo 10.000 CEO về AI, ERP, Blockchain truy xuất nguồn gốc trong ba năm thông qua liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội – FPT – Amazon Web Services, 50 % ngân sách do Quỹ Phát triển KH&CN Hà Nội tài trợ. Người học thực tập bốn tháng tại doanh nghiệp dẫn đầu (VINFAST, THACO, VNPT). Sau khoá học, CEO nộp kế hoạch chuyển đổi số- đây là điều kiện tiên quyết để tiếp cận gói tín dụng ưu đãi của Quỹ Innovation.
Hiệp hội sẽ ký MoU với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) và EuroCham, thành lập Trung tâm Tuân thủ Chuỗi giá trị hỗ trợ chứng nhận ISO 14064, FSC, BRCGS, SA 8000, trong đó, 70 % phí chứng nhận được tài trợ từ quỹ. Mục tiêu: Đến 2030, 500 DN Hà Nội tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, LEGO, Nike và 5 siêu thị EU. Đồng thời, triển khai sàn thương mại điện tử xuyên biên giới “Hanoi Export Hub” – tích hợp logistics, khai báo CBAM, giấy phép GSP một cửa.
Và cuối cùng là “Caravan Mentor”- Kết nối hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm chuyển đổi 20.000 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp trong năm 2025 – 2027. Qua đó, mở rộng đáy kim tự tháp để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030 theo Nghị quyết 68.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Kim Liên (Thực hiện)