Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Đóng góp vào những thành tựu này là nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp để tận dụng hiệu quả các nguồn lực quan trọng của xã hội. Thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

TS. Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính).
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự vận động và chuyển đổi của các ngành, các hoạt động, các loại hình kinh tế phù hợp với năng lực, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tương ứng với điều kiện kinh tế - xã hội trong các giai đoạn khác nhau. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nhóm ngành phát triển mạnh hơn, tỷ trọng sẽ tăng lên, ngược lại, những nhóm ngành kém phát triển hơn, tỷ trọng sẽ giảm.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người gấp hơn 63 lần, từ 74 USD năm 1986 lên 4.700 USD năm 2024. Tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1987-2024 đạt khoảng 6,67%, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Quy mô kinh tế tăng lên gần 106 lần, từ 4,5 tỷ USD năm 1986 lên 476,3 tỷ USD năm 2024, đứng thứ 33 thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năng suất lao động liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2024, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 9.181,8 USD/lao động), gấp 3,2 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động) và gấp 109 lần năm 1990. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2024, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,16%. Giai đoạn 2016-2020, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 46,04%, cao hơn mức 34,75% của giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2021-2024 đóng góp 43,57%.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát, năm 2024 chỉ còn 3,63% từ mức 3 con số của giai đoạn đầu đổi mới; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, gấp hơn 267 lần năm 1986, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 9 năm liên tiếp trong giai đoạn 2011-2024.
Từ nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2024 đạt 9,04 triệu tấn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam đã mang lại hiệu quả to lớn. Một trong những thành tựu quan trọng của chuyển dịch kinh tế thể hiện rõ nhất trong gần 40 năm qua là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô luôn được ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Bình quân mỗi năm trong gần 40 năm, GDP tăng 6,67%, được xếp vào hàng các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Số lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng, trong khi số lao động trong ngành nông nghiệp ngày càng giảm. Đến năm 2024, lao động có việc làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ chiếm 73,5% tổng số lao động có việc làm, tăng 46,5 điểm phần trăm so với năm 1990; lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 giảm 36,9 điểm phần trăm so với năm 1990; năm 2024 giảm 2,6 điểm phần trăm so với năm 2021.
Đáng chú ý, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng có lợi, đó là tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao (bình quân từ 45,1% của giai đoạn 1996-2000 lên khoảng 85% của giai đoạn 2016-2023, giảm tỷ trọng hàng thô và sơ chế; tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp sử dụng nhiều lao động như hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ…; giảm tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (từ 62,9% năm 1986 xuống còn 10,7% năm 2023).
Còn đó những hạn chế
Tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng song quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ năm 1986 đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng thấp và có xu hướng giảm dần ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ chuyển dịch tỷ trọng các khu vực kinh tế trong GDP còn chậm.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam còn khá lạc hậu so với một số quốc gia trong khu vực. Với tốc độ chuyển dịch như trên, nếu xét theo tiêu chí tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP (11,86) thì cơ cấu kinh tế của Việt Nam năm 2024 chỉ tương đương với cơ cấu kinh tế của Thái Lan năm 2011 (11,59%), Malaysia năm 1996 (11,68%), Trung Quốc năm 2005 (11,64%), Hàn Quốc năm 1984 (11,87%). Nếu so với cơ cấu ngành ở các nước có mức độ thu nhập trung bình cao trên thế giới, tương ứng với tỷ trọng các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ trong GDP năm 2023 thì Việt Nam còn phải mất một khoảng thời gian nữa để cơ cấu GDP bắt kịp với cơ cấu GDP của nước thu nhập trung bình cao.
Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo còn ở mức thấp trong GDP, sau gần 40 năm chiếm 24,43% (năm 2024), chỉ tăng 5,46 điểm phần trăm so với năm 1986. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và thực hiện ở các doanh nghiệp FDI như: Điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ...
Cùng với đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành chế biến chế tạo năm 2023 chỉ đạt 21,5%, thuộc 5 ngành có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp nhất trong nền kinh tế quốc dân, do đây là ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông, mới chỉ thực hiện ở công đoạn gia công, lắp ráp là chủ yếu. Các ngành công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế.
Mặt khác, cơ cấu lao động có việc làm chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu ngành kinh tế cho thấy sự dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế chưa hiệu quả, chưa theo hướng hiện đại, sản xuất vẫn còn mang tính gia công và phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu và phụ thuộc vào khu vực nước ngoài.

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng thăng trầm, nhưng nhìn chung nhịp độ tăng trưởng dài hạn khá cao và ổn định, ngoại trừ một số năm đầu đổi mới và những năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các năm còn lại đều có tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm. Những thành tựu phát triển kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong chặng đường gần 40 đổi mới là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đi đúng hướng.
Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, vững bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, trong giai đoạn tới, nước ta cần chú trọng một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Do đó phải ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đi nhanh vào hiện đại hóa ở những ngành, những lĩnh vực then chốt; đẩy mạnh phát triển những ngành công nghệ cao để phát triển thành những ngành mũi nhọn.
Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành dịch vụ. Các cấp, các ngành chính sách ưu tiên cao để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có nhiều lợi thế, có hàm lượng trị thức và công nghệ cao như: Du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế chất lượng cao; tiến tới hình thành những trung tâm dịch vụ, du lịch có đẳng cấp khu vực và thế giới.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tăng cường điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư cho phù hợp. Vốn đầu tư của Nhà nước cần được đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn như đầu tư vào các lĩnh vực công cộng hoặc lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế mà tư nhân không có khả năng thực hiện hoặc không muốn đầu tư, giảm đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực và tư nhân có thể đảm nhận được.
Thứ tư, đổi mới công nghệ. Công nghệ được xem là một trong những khâu còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế ở Việt Nam. Những hướng giải pháp cơ bản là: Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, Hướng dẫn lựa chọn chuyển giao các công nghệ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thứ năm, gắn chiến lược phát triển nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung gắn kết việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; gắn quy hoạch phát triển nhân lực của mỗi Bộ, ngành, địa phương đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
TS. Nguyễn Thị Hương
Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính)