SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001: Công cụ hiệu quả hỗ trợ phát triển bền vững

[14/05/2025 15:03]

ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý năng lượng, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động năng lượng ở mọi khía cạnh nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Thách thức và cơ hội trong ứng dụng ISO 50001

ISO 50001 tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý năng lượng được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) công bố ngày 15/6/2011 nhằm cung cấp một khuôn khổ chặt chẽ, giúp các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong mọi quy trình sản xuất và kinh doanh. Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn tương ứng đã được chuyển thể qua các phiên bản TCVN ISO 50001:2012 và TCVN ISO 50001:2019, tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc cho việc áp dụng các giải pháp quản lý năng lượng tiên tiến. Việc ứng dụng tiêu chuẩn này không chỉ nhằm giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng, tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh, thân thiện với môi trường trong mắt đối tác và người tiêu dùng.

Quản lý năng lượng tiết kiệm cho doanh nghiệp nhờ áp dụng ISO 50001. Ảnh minh họa

Dù ISO 50001 được xem là công cụ quản lý năng lượng hiệu quả, nhưng thực trạng áp dụng tiêu chuẩn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế do thiếu hụt kiến thức và kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp tiếp cận mang tính hệ thống. Phần lớn các doanh nghiệp trong các ngành tiêu thụ năng lượng trọng điểm thường tập trung vào các giải pháp riêng lẻ, như cải thiện hiệu suất các bộ phận năng lượng như nồi hơi, máy nén, chiller, tủ lạnh, mô-tơ, máy bơm,… với mức cải thiện chỉ đạt khoảng từ 2% đến 5%. Những giải pháp này, mặc dù giúp giảm tiêu hao năng lượng, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội tối ưu hóa toàn bộ hệ thống, qua đó tiết kiệm năng lượng cao hơn, có thể đạt được từ 10% đến 30% nếu áp dụng phương pháp quản lý theo ISO 50001.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, cho biết Bộ Công Thương đã ban hành các thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành như sản xuất giấy, thép, bia và nước giải khát. Những văn bản này không chỉ đưa ra suất tiêu hao năng lượng cho các giai đoạn đến năm 2020 và 2021-2025, mà còn hướng dẫn doanh nghiệp xác định mức tiêu hao, đề xuất giải pháp tiết kiệm năng lượng và khuyến nghị áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001. Tuy nhiên, ngoài vấn đề kiến thức và kinh nghiệm, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc đầu tư ban đầu cho hệ thống quản lý năng lượng toàn diện. Cùng với đó, những quy trình kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau triển khai cũng cần được cải thiện, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển từ các biện pháp đơn lẻ sang giải pháp tổng thể, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao hơn.

Xây dựng, vận hành và cải tiến hệ thống quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp

Ngày 09/04/2025, Bộ Công Thương phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) và với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU) đã tổ chức thành công khóa đào tạo “Xây dựng và vận hành hệ thống Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001” tại Hải Phòng. Khóa đào tạo kéo dài 2 ngày đã thu hút 65 học viên đến từ nhiều tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình,… nhằm trang bị cho cán bộ quản lý và kỹ thuật những kiến thức cần thiết để xây dựng, vận hành và cải tiến hệ thống quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp.

Nội dung đào tạo được xây dựng dựa trên khung phát triển của UNIDO với các chủ đề trọng tâm như: tổng quan về hệ thống năng lượng và hoạch định chính sách, thu thập và phân tích dữ liệu năng lượng, lập kế hoạch và triển khai hệ thống quản lý năng lượng. Qua quá trình đào tạo, các học viên không chỉ nắm bắt cấu trúc cơ bản của hệ thống ISO 50001 mà còn có khả năng trình bày lợi ích và đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng trước ban lãnh đạo doanh nghiệp, góp phần vào việc triển khai và cải tiến liên tục nhằm tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp ứng dụng thành công ISO 50001. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam khi xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 trên 100% các nhà máy của mình. Vinamilk tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo như khí CNG, năng lượng từ biomass và năng lượng mặt trời.

Theo bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk, tỷ lệ năng lượng xanh chiếm 86,8% trong hoạt động sản xuất, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai cũng ghi nhận những cải tiến đáng kể sau khi áp dụng ISO 50001. Qua quá trình giám sát và phân tích dữ liệu, kỹ sư của công ty đã phát hiện ra hiện tượng vận hành lò chưa đạt công suất thiết kế và đề xuất điều chỉnh chế độ vận hành, từ đó nâng cao hiệu suất và giảm tiêu hao điện năng. Những cải tiến về quản lý quy trình và tối ưu hóa vận hành thiết bị đã giúp giảm tỷ lệ tiêu hao điện năng lên tới 10%, góp phần giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Những thành công thực tiễn này không chỉ chứng minh hiệu quả của ISO 50001 mà còn là lời kêu gọi các doanh nghiệp khác cần chủ động chuyển đổi sang mô hình quản lý năng lượng toàn diện để đạt được lợi ích kinh tế và môi trường cao hơn.

Việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 không chỉ mang lại lợi ích về mặt tiết kiệm năng lượng mà còn tạo ra sự chuyển đổi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn này, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của ISO 50001, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và kỹ thuật, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách ưu đãi, như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi về tiết kiệm năng lượng và các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang hệ thống quản lý năng lượng toàn diện. Qua đó, các doanh nghiệp không chỉ cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm chi phí mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu.

Duy Trinh (t/h)

https://vietq.vn/quan-ly-nang-luong-theo-tieu-chuan-iso-50001-cong-cu-hieu-qua-ho-tro-phat-trien-ben-vung-d232235.html
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ