SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 - bàn đạp giúp doanh nghiệp thắng lớn

[22/05/2025 15:33]

(VietQ.vn) - Áp dụng ISO 31000 không chỉ giúp doanh nghiệp tăng khả năng đạt được các mục tiêu mà còn cải thiện việc xác định cơ hội, các mối đe dọa và phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực để xử lý rủi ro.

Rủi ro ảnh hưởng đến doanh nghiệp có thể có hậu quả về hiệu quả kinh tế và danh tiếng chuyên nghiệp, cũng như kết quả về môi trường, an toàn, xã hội. Do đó, quản lý rủi ro một cách hiệu quả giúp các doanh nghiệp gia tăng cạnh tranh trong môi trường đầy bất trắc.

ISO 31000:2018 là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro, được phát triển bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO). Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 cung cấp khung quản lý rủi ro chung, có thể được áp dụng cho tất cả các loại tổ chức, ở mọi quy mô và trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 không yêu cầu tổ chức phải áp dụng các công cụ và kỹ thuật cụ thể nào để quản lý rủi ro. Thay vào đó, tiêu chuẩn này cung cấp khuôn khổ chung, trong đó các tổ chức có thể linh hoạt lựa chọn công cụ và kỹ thuật phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 31000. Điển hình là Công ty TNHH DV Chế biến thực phẩm Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cháo dinh dưỡng. Công ty này đã áp dụng thành công ISO 31000:2018 đối với hoạt động quản trị kinh doanh ở cả ba khâu: đầu vào, quá trình kinh doanh và đầu ra.

Gian hàng cháo của Công ty Thành Đạt.

Theo đó, công ty đã thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, ban hành chính sách rủi ro. Trên cơ sở đó, Công ty thực hiện đánh giá rủi ro (nhận diện, phân tích và định mức), xử lý rủi ro với kế hoạch hành động cụ thể, khả thi và đánh giá kết quả xử lý rủi ro theo từng giai đoạn.

Công ty Thành Đạt đã thực hiện tốt các kế hoạch hành động và thành công trong việc giảm khả năng xảy ra. Đồng thời, giảm mức độ tác động của các rủi ro theo đúng tiêu chuẩn ISO 31000:2018. Từ kết quả đạt được, theo lãnh đạo Công ty Thành Đạt, công ty sẽ tiếp tục duy trì hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn hiện đại này để không ngừng nâng cao hiệu quả quản trị, phát triển kinh doanh bền vững.

Một ví dụ khác, nhờ áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 giúp Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất xuất nhập khẩu Tân Huỳnh Phát (TP.HCM) thu được những kết quả khả quan; năng suất, chất lượng sản phẩm của công ty ngày một nâng cao.

Cụ thể, áp dụng hệ thống quản lý rủi ro cho hoạt động sản xuất và cung ứng ấm đun thuốc theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 đã giúp chất lượng sản phẩm ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng. ISO 31000:2018 còn giúp Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất xuất nhập khẩu Tân Huỳnh Phát rút ngắn thời gian trong nhiều công đoạn. Đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, lãnh đạo các phòng chuyên môn có nhận thức ngày càng cao về việc xây dựng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018.

Quá trình xây dựng và áp dụng nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo các bộ phận chuyên môn, đóng góp vào việc xây dựng và áp dụng trên hệ thống công ty. Đáng chú ý, 100% cán bộ nhân viên trong công ty nắm bắt được các rủi ro liên quan đến hoạt động của mình, các công đoạn được nhận diện đầy đủ, đảm bảo các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, mang lại hiệu quả kinh tế...

Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 là bàn đạp giúp doanh nghiệp thắng lớn. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, điều kiện áp dụng thành công ISO 31000, trước tiên doanh nghiệp từng áp dụng thành công một hệ thống quản lý. Do hệ thống quản lý rủi ro là hệ thống mới và có nhiều yêu cầu phức tạp, doanh nghiệp cần có nền tảng vững chắc về hệ thống quản lý trước khi áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn này.

Doanh nghiệp cần có kinh nghiệm áp dụng một trong các hệ thống quản lý như hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn sức khỏe nghề nghiệp hoặc an toàn thực phẩm… Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp áp dụng thành công hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000.

Tiếp theo là cam kết của lãnh đạo. Cam kết của lãnh đạo là phần không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống quản lý nào. Tuy nhiên ở hệ thống quản lý rủi ro, cam kết của lãnh đạo trở thành điều kiện bắt buộc để thực hành thành công hệ thống.

Ở những hệ thống khác, việc bổ sung nguồn lực đầu vào để có được kết quả đầu ra thường là hữu hình trong suốt cả chuỗi quá trình, tuy nhiên trong hệ thống ISO 31000, ban lãnh đạo thường phải đầu tư nguồn lực đầu vào nhưng đầu ra thông thường là vô hình, khó tính toán, khó đánh giá. Vì vậy, tìm kiếm sự cam kết của ban lãnh đạo để tham gia vào hệ thống này là vấn đề khó khăn và quan trọng.

Thứ ba là hình thành Ban quản lý rủi ro. Ở các công ty nước ngoài, ngoài các giám đốc điều hành (CEO), giám đốc tài chính (CFO),… còn có thêm chức danh giám đốc quản lý rủi ro (CRO) để chăm sóc tất cả những vấn đề rủi ro liên quan đến công ty. Chức danh này rất mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên trong tương lai gần sự cần thiết của chức danh này sẽ được đặt lên hàng đầu để tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Hiện tại để hệ thống quản lý rủi ro được thâm nhập, áp dụng và duy trì, cải tiến, việc thành lập Ban quản lý rủi ro cũng là điều kiện cần thiết.

Cuối cùng là phổ biến các nguyên tắc quản lý rủi ro. Lãnh đạo doanh nghiệp cần phổ biến các nguyên tắc quản lý rủi ro cho toàn thể thành viên trong doanh nghiệp, những người sẽ trực tiếp ứng dụng quản lý rủi ro vào công việc hàng ngày.

An Nguyên

https://vietq.vn/tieu-chuan-iso-310002018-la-ban-dap-giup-doanh-nghiep-thang-lon-d232962.html
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ