Đa dạng sản phẩm nấm nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nấm, đã góp phần tạo nguồn thực phẩm an toàn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Một số sản phẩm nấm từ dự án.
Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuất hiện một số mô hình trồng nấm có hiệu quả kinh tế cao như: nấm sò, nấm mối đen, nấm rơm trên kệ,… Tuy nhiên, so với các địa phương khác, việc đầu tư sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tại tỉnh vẫn còn khá nhỏ lẻ, khiêm tốn, chưa hình thành được chuỗi giá trị từ trồng đến chế biến nấm, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt cho địa phương.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất và chế biến nấm sò (nấm bào ngư - Pleurotus sp.), nấm vân chi (Trametes versicolor) và nấm trân châu (Agrocybe aegeritae) tại tỉnh Hậu Giang”, là nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025”, được phê duyệt triển khai để giải quyết những vấn đề trên.
Dự án do kỹ sư Thái Chung Hữu Tân làm chủ nhiệm, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu A&B chi nhánh Hậu Giang là tổ chức chủ trì. Trong thời gian thực hiện dự án từ tháng 12-2022 đến tháng 5-2025, ban chủ nhiệm đã chuyển giao và tiếp nhận các quy trình kỹ thuật nhân giống, sản xuất, sơ chế, chế biến các loại nấm ăn và nấm dược liệu như nấm sò, nấm vân chi, nấm trân châu. Xây dựng mô hình và làm chủ quy trình sản xuất giống nấm cấp 1, cấp 2 dịch thể.
Tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu A&B chi nhánh Hậu Giang, dự án đã xây dựng mô hình sản xuất nấm tập trung với quy mô sản xuất khoảng 117,5 tấn nấm tươi và mô hình sơ chế, chế biến nấm với quy mô 3 tấn sản phẩm/năm. Đồng thời triển khai mô hình sản xuất nấm phân tán tại 3 nông hộ, trong đó có 2 mô hình tại huyện Châu Thành và 1 mô hình tại huyện Long Mỹ, với tổng sản lượng là 58,5 tấn nấm tươi.
Trong quá trình xây dựng các mô hình, ban chủ nhiệm dự án đã chú trọng chuyển giao, ứng dụng nhiều tiến bộ KH&CN. Ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, cho biết: “Tôi đánh giá cao khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ, mùn cưa đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ không nhỏ, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”.
Tạo chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm nấm
Bên cạnh các sản phẩm nấm tươi được sơ chế, bảo quản, điểm nhấn của dự án là các sản phẩm được chế biến như: nấm vân chi sấy khô, giữ nguyên được trạng thái, mùi vị, màu sắc, và độ ẩm dưới 10%; bột nấm sò, nấm trân châu, giữ nguyên được màu sắc, mùi vị của quả thể nấm tươi, độ ẩm dưới 30% và chứa 10% chất đạm, 8% chất xơ, 8% chất béo, đảm bảo tiêu chí về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
Nhờ nắm vững kỹ thuật sản xuất và chế biến các loại nấm, tổ chức chủ trì đã tạo ra được nguồn giống nấm có chất lượng. Sản xuất ra sản phẩm nấm để cung cấp cho thị trường, với đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và người dân. Các sản phẩm của dự án đã được phát triển thành sản phẩm OCOP của huyện Châu Thành. Đây là khởi đầu cho việc hình thành và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nấm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Sau khi làm chủ các quy trình công nghệ, dự án còn đào tạo 5 kỹ thuật viên và tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt nông dân tại Hậu Giang. PGS.TS Lê Vĩnh Thúc, Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: “Dự án đã tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ rất tích cực, chuyển giao theo hình thức “cầm tay chỉ việc” qua từng công đoạn thực hiện quy trình sản xuất. Kỹ thuật viên được tập huấn lý thuyết và thực hành đầy đủ, được đánh giá mức độ nắm vững quy trình sản xuất”.
Dự án đã được Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh và sẽ ra hội đồng nghiệm thu ở cấp bộ trong thời gian tới. Dự kiến sau khi kết thúc dự án, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu A&B chi nhánh Hậu Giang sẽ tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm như: nấm rơm đóng hộp, nấm sò sấy khô, trà nấm vân chi,… Từ đó, duy trì nhân rộng kết quả dự án. Tạo nhiều chuyển biến tích cực không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở khía cạnh xã hội và môi trường.
ĐANG THƯ - Báo Hậu Giang